Sau vụ cháy Công ty Rạng Đông, người ở lại lo từng... hơi thở

10/09/2019 07:21:33

Hơn 10 ngày sau vụ cháy Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, khu đất "vàng" giữa Thủ đô vốn sầm uất trở nên đìu hiu, vắng vẻ. Người ở lại cũng lo từng hơi thở.

Sau vụ cháy Công ty Rạng Đông, người ở lại lo từng... hơi thở
Sau vụ cháy, cơ sở mầm non cách điểm cháy được phủ bạt vài bước chân đã đóng cửa (ảnh to). Chung cư 54 Hạ Đình vắng vẻ, các căn hộ đều "cửa đóng then cài" sau giờ tan tầm. Ảnh: Bảo Loan

Những cuộc di cư trong lo âu

Mọi năm, khu vực sảnh của hai tòa chung cư 54 Hạ Đình (ngõ 85 phố Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) là không gian lý tưởng để tổ chức Trung thu cho các cháu nhỏ. Nhưng vụ cháy cách đây hơn 10 ngày tại Công ty Rạng Đông đã cuốn đi hết niềm háo hức ấy. Trẻ nhỏ, người già, phụ nữ đều phải sơ tán "bất đắc dĩ" khỏi ngôi nhà của mình. Họ lo nhiễm độc thủy ngân.

Xung quanh Công ty Rạng Đông "đất vàng" vốn tấp nập là vậy, nay chỉ lác đác bóng người. Dọc con ngõ 342 Khương Đình và chung cư 54 Hạ Đình – nơi sát sườn đám cháy, hàng loạt nhà dân, cửa tiệm, trụ sở công ty, trường mầm non đều đóng cửa. Một vài mảnh giấy in thông báo "cho thuê nhà", "cần sang nhượng" hay "chuyển địa chỉ cửa hàng" dán vội trước cửa nhà. Ấy vậy mà cũng ít người ngó thấy.

Tranh thủ ngày cuối tuần, anh Bình, chủ căn hộ tầng 5, toà A1, Chung cư 54 Hạ Đình về lấy thêm đồ đạc chuyển sang ở nhờ nhà em trai ở phường khác. Anh vẫn còn cảm giác kinh hoàng mỗi khi nhớ lại đám cháy tối 28/8. "Sau vụ cháy, dân ở đây gói đồ tháo chạy đi tìm nơi ở mới. Ai có nhà họ hàng thì đi ở nhờ. Ai không có thì chấp nhận đi thuê nhà nghỉ, khách sạn để ở một thời gian. Ai cũng lo cho sức khoẻ", người đàn ông 46 tuổi cho biết.

Bà Lê, chủ tạp hoá sảnh toà A1, là một trong những người còn "bám trụ". "Tôi muốn đi lắm nhưng hàng hoá bỏ cho ai? Cả gia sản nhà tôi đấy! Nhưng giờ cũng chả bán được gì nhiều, không có người mua. Đến nước uống để đun pha trà cho khách, hay nước rửa mặt tôi cũng phải dùng nước bình 20 lít", bà Lê không giấu được bức xúc..

Người đi, tài sản cũng đi theo. Ông Hùng, nhân viên bảo vệ tòa A1 nói sau hai ngày xảy ra vụ cháy, có khoảng 70 xe máy của cư dân gửi xe ở đây. Mấy ngày sau thì con số còn ít ỏi hơn. Những người ở lại, theo ông Hùng, không phải vì họ không muốn đi mà họ không biết đi đâu, thuê trọ thì đắt đỏ quá, không phải ai cũng "gánh" được chi phí.

Người ở lại đeo khẩu trang suốt đêm ngày

Ông Nguyễn Đức Tiến là một trong số những người "bất đắc dĩ" phải ở lại vì chức vụ "Trưởng Ban quản lý toà nhà A1". Bốn người trong gia đình ông đã di tản sau vụ cháy. Ông nói phải ở lại để phối hợp với chủ đầu tư bảo vệ tài sản, nhà cửa của người dân, cho dù hàng ngày, ông vẫn chứng kiến cảnh những người đi qua khu vực đám cháy phải đeo khẩu trang vì mùi lạ.

10 ngày sau đám cháy, ông Nguyễn Ka Long, bảo vệ toà A2 cạnh đó vẫn kiên trì đeo khẩu trang liên tục. Người đàn ông 60 tuổi cho biết ở tầng hầm bế khí, chỉ cần ngồi vài tiếng là cảm giác tức ngực, khó thở, đau hai bên thái dương lại xuất hiện, khiến ông thỉnh thoảng lại lấy lọ nước muối nhỏ mắt, uống cốc nước chanh đường để tăng sức đề kháng.

Chỉ tay về phía khu vực sảnh chung cư vốn là nơi hàng năm tổ chức vui Trung thu cho các cháu nhỏ, Trưởng ban quản lý toà nhà A1 bức xúc: "Cho đến bây giờ, hơn 10 ngày xảy ra vụ việc, lãnh đạo Công ty Rạng Đông cũng chưa thấy hỏi thăm hay động viên tinh thần bà con cư dân. Trẻ con ở mấy trường mầm non quanh đây không đến khai giảng, chúng nó còn bé quá, không thể để hít phải chất độc".

Người dân chung cư 54 Hạ Đình giờ quan tâm nhất là mối nguy thuỷ ngân bám trên từng kẽ lá, mái nhà, những chậu nước, những bộ quần áo hàng ngày họ mặc, đến hơi thở và miếng ăn hàng ngày. Ông Tiến, bà Mai chia sẻ, "mong nhà nước có phương án giải quyết kịp thời kho hàng cháy, để người dân được yên tâm trở về nhà, ổn định lại cuộc sống"...

Hà Nội công bố kết quả quan trắc quanh Công ty Rạng Đông

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội (thuộc Sở Tài nguyên & Môi trường), kết quả quan trắc tại Công ty Rạng Đông tại thời điểm gần 10 ngày sau vụ cháy ở ngưỡng an toàn.

Trước đó, trong các ngày 6-7/9, Chi cục Bảo vệ môi trường đã yêu cầu các đơn vị quan trắc lấy mẫu phân tích môi trường trong vòng bán kính 500m tính từ hiện trường vụ cháy Công ty Rạng Đông.

Kết quả quan trắc do cơ quan này công bố cho thấy gần 10 ngày sau vụ cháy, chỉ có duy nhất chỉ số hàm lượng hữu cơ trong nước COD tại hố ga trước cửa tổ phục vụ và chăm sóc khách hàng của Công ty Rạng Đông là 821mg/l (vượt 5,47 lần so với quy chuẩn). Ngoài ra, tất cả các thông số khác, bao gồm cả nồng độ thủy ngân tại 5 vị trí (là điểm xả cuối trong nhà máy và một số hố ga thoát nước lân cận) đều nằm trong giới hạn cho phép.

Chi cục cũng lấy mẫu không khí tại 6 vị trí lân cận khu vực xảy ra vụ cháy, trong đó có điểm giáp cổng giữa sân Trường tiểu học Hạ Đình. Kết quả phân tích cho thấy các thông số như vi khí hậu, chì, kẽm đều nằm trong giới hạn cho phép, không phát hiện thấy thủy ngân trong không khí trong vòng trung bình 24 giờ.

Các kết quả quan trắc này đều được so sánh và đánh giá dựa trên Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng không khí và Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về một số chất độc hại trong không khí.

Ngày 7/9, Chi cục đã trưng cầu đơn vị quan trắc có đủ năng lực hoạt động dịch vụ quan trắc và tư cách pháp nhân tiến hành lấy mẫu thủy ngân trong không khí xung quanh tại các vị trí: tại khu vực cháy của Công ty Rạng Đông; các vị trí cách vụ cháy 200 m, 500 m và tại Trường tiểu học Hạ Đình. Kết quả phân tích cho thấy, hàm lượng thủy ngân (trung bình 24 giờ) trong không khí dưới ngưỡng quy định.

Tuy nhiên, cơ quan này cũng cho biết còn một số chỉ tiêu như: SO2, Benzen, bụi,… tại một số vị trí xung quanh vẫn còn vượt quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam, nhất là vị trí giáp cổng Công ty Động Lực.

Theo Bảo Loan (Giadinh.net.vn)

Nổi bật