|
Clip nỗ lực đào bới, tìm kiếm nạn nhân vụ sập biệt thự |
Hiện trường ngay lập tức được phong tỏa để cứu hộ, cứu nạn.
Tòa nhà bị sập có diện tích sử dụng 1.100 m2, chia 2 tầng, xây bằng gạch, mái vòm cốt thép. Trong đó, tầng 2 vốn là một hội trường giờ đã được sử dụng là phòng làm việc rộng 120 m2, tầng trệt là nhà kho và phòng làm việc. Toàn bộ mái tầng 2 tòa nhà này đã bị sập đổ. |
Anh Thái Mạnh Hà (trú ngõ 107 Trần Hưng Đạo), người trực tiếp tham gia cứu nạn những phút đầu tiên kể, sau bữa cơm trưa anh cùng người thân đang xem tivi thì nghe tiếng động lớn như sấm. Mở cửa chạy ra ngoài, anh thấy thấy mái hiên tòa nhà Ban quản lý dự án đường sắt đổ sập. Nhiều kiốt bán thực phẩm bị gạch đá phủ kín. Bụi mù mịt khắp khu phố, người dân nháo nhác chạy.
“Nghe thấy tiếng kêu cứu ở gần đó, tôi cùng 4-5 người khác chạy tới đống đổ nát tìm kiếm. Gạch ngói từ trên cao vẫn ùn ùn đổ xuống. Lần theo tiếng cầu cứu, tôi phát hiện người phụ nữ trung niên bị vùi lấp trong đống đổ nát, mái tôn, gạch ngói đè kín người” – anh Hà nói.
|
Bụi bay mù mịt sau tiếng động như sấm tại ngồi nhà 107 Trần Hưng Đạo. Ảnh: Ngô Mạnh Hùng. |
Ngoài hai người được anh trực tiếp cứu, còn ít nhất hai người đã mất tích trong đống đổ nát không liên lạc được.
Chưa hết bàng hoàng trước vụ sập nhà, anh Ngô Mạnh Hùng, trú 107 Trần Hưng Đạo cho biết, khối vật liệu đổ sập rất lớn chẻ đôi, rơi xuống mái hiên và rơi xuống hai ngõ nhỏ hai bên tòa nhà. Tại khu vực trên có khoảng 20 hộ gia đình sinh sống và nhiều gian hàng buôn bán thực phẩm cho người dân khu phố. Hàng ngày từ sáng tới trưa khu vực trên là chợ tạm cung cấp thực phẩm cho người dân.
Trong khi đó bà Tạ Thị Tuyết (50 tuổi, quê Hoài Đức Hà Nội), bán hoa quả tại ngõ ngay bên hông tòa nhà kể, vừa chở lô hàng mới về đổ buôn thì bà thấy gạch ngói đổ sập trước mắt, chỉ cách chỗ bà đứng vài mét.
|
Nạn nhân vụ sập nhà được đưa tới Bệnh viện Việt Đức cấp cứu. Ảnh: Hoàn Nguyễn. |
Vừa được cứu ra từ đống đổ nát, nạn nhân Trần Thị Sửu (55 tuổi) chưa hoàn hồn: "Tôi đang đứng trong nhà thì thấy ngôi nhà rung lên rồi chỉ ít phút sau gạch đá ậpu xuống. Rồi bụi bay tứ tung".
|
Một nạn nhân được cứu khỏi đống đổ nát ngay sau vụ sập nhà. Ảnh: Infonet. |
Tại bệnh viện Việt Đức, bác sĩ Ninh Việt Khải, người cấp cứu các bệnh nhân cho biết, phần lớn các bệnh nhân khi được cấp cứu đều trong trọng thái hoảng loạn vì sự việc diễn ra khá nhanh. Người bị nặng nhất đã tử vong, còn hai người khác bị chấn thương sọ não.
"Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để chữa trị cho các bệnh nhân"- bác sĩ Khải nói.
Ban QLDA Đường sắt khu vực 1 đã lập tức liên lạc với các đơn vị liên quan (cứu thương, cứu hỏa, công an, điện lực) để tổ chức cứu hộ. Lực lượng cứu hộ đã tổ chức cứu hộ hơn 10 người dân sống ở khu vực xung quanh ra khỏi khu vực tòa nhà bị đổ và kịp thời tổ chức đưa người bị thương đi cấp cứu (5 người).
Nguyên nhân bước đầu được xác định là do tòa nhà đã qua nhiều năm sử dụng đã xuống cấp và thời tiết mưa liên tục những ngày gần đây khiến tòa nhà bị thấm nước, giảm khả năng chịu lực.
Thông tin từ bệnh viện Việt Đức cho biết, trong số 5 nạn nhân được đưa đến cấp cứu tại bệnh viện thì 1 nngười đã tử vong, 4 người còn lại đang được đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện tận tình cứu chữa. Nạn nhân tử vong là Lê Thị Hường (ở Thường Tín, Hà Nội), bán rau tại khu vực tầng 1 tòa nhà. Bà Hường được đưa vào viện lúc 15h và tử vong lúc 15h10. 4 người bị thương gồm Nguyễn Thị Tiêu (64 tuổi, chưa rõ địa chỉ) bị tường đổ vào người; Vũ Thị Thu Hằng (37 tuổi, Trần Hưng Đạo, Cửa Nam, Hoàn Kiếm, Hà Nội) bị chấn thương sọ não, chấn thương xương chậu; Nguyễn Văn Nức (44 tuổi, Văn Lâm, Hưng Yên) và Tào Thị Hiện (50 tuổi, trú Thanh Oai, Hà Nội) bị thương ở chân.