Đầu năm đi du lịch là chuyện thường thấy với nhiều người Việt hiện đại, và cũng từ đó mà các khu du lịch nổi tiếng, dưới biển trên núi đều chật kín người ghé thăm. Nhưng mọi chuyện không có gì đáng nói nếu như dòng người du lịch lướt qua chỉ để lại dấu chân ở những nơi ấy, đằng này lại có thêm cả rác, túi nilon và một khung cảnh hoang tàn xấu xí. Tất cả đều bắt nguồn từ việc thiếu ý thức - vấn đề đã được nói ra rả mỗi ngày trên báo đài, mạng xã hội. Ấy thế như "nước đổ lá khoai", nói hoài, nói mãi thì chuyện đâu vẫn vào đấy.
Trong tất thảy những nơi phải hứng chịu cơn "khủng hoảng" rác thải của khách du lịch sau Tết, có lẽ Đà Lạt chính là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nói có sách mách có chứng, mới đây, trên hàng loạt fanpage của người Đà Lạt, địa điểm du lịch Đà Lạt nổi tiếng đã đăng đàn số hình ảnh đáng sợ ghi lại khung cảnh trung tâm "thành phố mộng mơ" bị rác thải "tấn công", khắp nơi tràn ngập rác, trắng xóa màu bao nilon. Bất kỳ ai nhìn thấy đều không khỏi lắc đầu ngán ngẩm.
Còn không một thành phố cao nguyên mù sương trong lành? Người ta đến Đà Lạt để tìm sự bình yên, để tận hưởng những phút giây gần gũi với đất trời, rừng cây, sông, hồ, mây, gió... nhưng khi rời đi, họ để lại gì? Hậu quả để lại, không chỉ mình Đà Lạt gánh, mà bất kỳ ai đã tiện tay thả xuống mảnh đất ấy những mẩu giấy, bao nilon, chai nước, hộp quà vặt cũng phải chịu: Đà Lạt ngập ngụa trong rác, còn đâu mảnh đất thơ mộng khiến lòng người mê say.
Bao người còn bảo: "Đà Lạt không còn như xưa, bây giờ bẩn thỉu quá rồi". Quả thật, nhận xét này đúng, nhưng cái bẩn ấy từ đâu mà có? Suy đi nghĩ lại, Đà Lạt vẫn là Đà Lạt, nghìn đời vẫn thế, vẫn có mây bay, đồi thông, hồng chín, hoa nở, sương mù và mưa phùn lất phất, có chăng những thứ đó đã bị lu mờ bởi chính rác thải từ những dòng người thiếu ý thức để lại sao mỗi đợt viếng thăm. Có lẽ, bây giờ "đặc sản" Đà Lạt là bao nilon. Dâu tây hay rừng thông đã không thể nào nhiều hơn rác…
Nếu không có ý thức, xin hãy ở nhà và buông tha cho Đà Lạt đi. Để công nhân vệ sinh bớt nhọc nhằng, để người Đà Lạt bớt buồn bã và để cho chính Đà Lạt thanh bình, đẹp đẽ như đúng cái cách mà thành phố này vốn đã là, suốt bao năm qua.
Theo Min (Helino)