Nghệ An có 5 người chết, 2 người mất tích, nhiều tuyến đê, con đập ở Thanh Hóa, Hà Tĩnh vỡ, nước tràn vào hàng trăm nhà dân.
Áp thấp nhiệt đới sáng nay đã sang Lào, nhưng hoàn lưu trước và trong áp thấp đã gây mưa rất to cho Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Ba tỉnh này xảy ra nhiều sự cố đê điều và đập nước.
Nghệ An 5 người chết, 2 người mất tích, đập Gà suýt vỡ
Thống kê từ các huyện thị, toàn Nghệ An có 5 người chết và 2 người mất tích. Tại huyện Quỳ Hợp, cháu Lang Gia Huy (4 tuổi, xã Châu Tiến) trong lúc một mình đi bộ qua nhà ông nội đã bị lũ cuốn, hiện chưa tìm thấy. Chị Hồ Thị Sáu (24 tuổi) bị trượt chân ngã và nước cuốn mất tích vào chiều nay.
Thành phố Vinh sau nửa ngày bị ngập sâu khoảng nửa mét, đến chiều đã tạnh ráo. Tuyến đường sắt Bắc - Nam qua thị xã Hoàng Mai đã thông tuyến vào trưa nay. Tuy nhiên, nhiều khu vực khác đang phải đối phó với hậu quả mưa lũ.
Tại xã Nghi Văn (Nghi Lộc), đập Gà trữ hơn 500.000 m3 nước tưới tiêu đã bị tràn khoảng 200 m, một số đoạn bị xói sâu 2 m, có nguy cơ vỡ. UBND huyện đã huy động 3 máy xúc tạo một tràn mới thoát lũ, 100 nhân lực dùng bao đất, đá gia cố điểm sạt lở.
"Gần trưa 10/10, thân đập được gia cố, song chúng tôi vẫn phải cử người túc trực đề phòng tiếp tục mưa lớn", ông Nguyễn Đức Thọ, Phó chủ tịch huyện nói.
Người dân và lực lượng chức năng khắc phục tại đập Gà. Ảnh: CTV |
Tại khu vực núi Rậm ở xã Hưng Yên Nam (Hưng Nguyên), mưa to làm xói lở đất đá, đe dọa 17 hộ dân phía dưới chân núi. "Đêm qua gia đình 7 người không ngủ vì lo sợ đất đá từ đỉnh núi sạt xuống vùi lấp nhà", anh Lê Văn Tính kể.
Chủ tịch xã Nguyễn Văn Hiếu ước tính 100 m3 đất đá cùng cây cối bị sạt xuống. Xã đã cử lực lượng túc trực ở các điểm cần thiết để cảnh báo cho người dân.
Tình trạng sạt lở tại rú Rậm xảy ra từ tháng 9/2016, khi dãy núi cao 100 m, dài hơn 700 m bị nứt. Hàng trăm khối đất đá đã đổ xuống nhiều nhà dân ở chân núi. Phương án xây bờ kè bằng bê tông và rọ đá dưới chân núi nơi sạt lở đã được UBND huyện phê duyệt, nhưng đến nay chưa triển khai.
Hiện trường sạt lở tại rú Rậm chiều 10/10. Ảnh: Hải Bình |
Thanh Hóa một người chết, đê sông Hoàng vỡ
Khoảng 12h ngày 10/10, bà Lê Thị Kén (69 tuổi) trên đường đi thăm con gái, khi đến xã Hoàng Long, TP Thanh Hóa, thì bị sa xuống miệng cống lớn và bị nước cuốn trôi. Nhà chức trách phải huy động người nhái và sau gần 2 giờ thi thể nạn nhân được tìm thấy cách vị trí bị cuốn trôi khoảng 300 m.
Trước đó khoảng 5h hôm nay, tuyến đê hữu sông Hoàng đoạn chảy qua làng Tế Độ, xã Tế Nông, huyện Nông Cống, bị rạn vỡ. Vết nứt lan rộng và khoảng 5 m đê bị cuốn trôi. Nước lũ từ sông Hoàng ào vào làng, làm hơn 100 nhà dân bị ngập, chỗ sâu nhất khoảng 2 m.
Ông Phạm Trọng Hưởng, Chủ tịch xã Tế Nông, cho biết UBND xã đã huy động hơn 300 công an, dân quân và người dân khẩn trương vá đê. Cọc tre được nhồi xuống lòng đất, sau đó chất bao tải đựng đất cát lên trên. Đến 11h trưa, đoạn đê vỡ cơ bản được khắc phục.
Xã Tế Nông mênh mông nước lụt. Ảnh: Lam Sơn |
Mưa lớn trùng thời điểm hồ Yên Mỹ xả lũ, khiến ba thôn Bồng Sơn, Cát Lễ, Kén và một phần thôn Vân Thạch (xã Tượng Sơn, Nông Cống) bị cô lập hoàn toàn. Hơn 460 hộ dân với khoảng 2.000 khẩu đang ngập trong lũ.
Chủ tịch xã Vũ Quang Thơm cho biết đã huy động lực lượng giúp bà con bảo vệ người và di chuyển tài sản đến nơi an toàn. Phương án hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm đang được chuẩn bị phòng mưa lớn tiếp tục đổ xuống.
Tại khu vực miền núi, mưa lũ cũng khiến các xã Giao An, Giao Thiện, Tam Văn, Lâm Phú của huyện Lang Chánh bị chia cắt.
Hà Tĩnh vỡ đập ngăn dòng, bốn thôn bị ngập
Khoảng 2h sáng nay, đập dẫn dòng Cổ Châu, dung tích một triệu mét khối tại xã Gia Hanh, huyện Can Lộc, bị vỡ. Nước tràn vào nhà dân ở bốn thôn của xã Gia Hanh, đúng lúc người dân đang ngủ.
May mắn nước dâng không cao nên không có thiệt hại về người. Tuy nhiên, lương thực và nhiều tài sản đã bị ngập, có nguy cơ hỏng.
Mưa to còn kéo dài đến 12/10 |
Sau khi đi vào Hà Tĩnh - Quảng Bình rạng sáng nay, áp thấp nhiệt đới đã sang Lào lúc 10h. Hoàn lưu áp thấp kết hợp với gió đông gây mưa to cho Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ (từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế) từ đêm qua đến sáng nay, phổ biến 100-200 mm. Một số nơi trên 200 mm, như: Phủ Lý (Hà Nam); TP Thanh Hóa; Quỳnh Lưu, TP Vinh (Nghệ An); Hương Sơn (Hà Tĩnh) 277 mm…
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, hiện phía bắc có khối không khí lạnh di chuyển xuống, gió đông trên cao tiếp tục hoạt động mạnh. Do đó từ chiều nay đến ngày 12/10, Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ còn mưa. Riêng đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh có mưa to.
Tổng lượng mưa phổ biến 100-150 mm, có nơi trên 200 mm. Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét tại các tỉnh vùng núi như: Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình. Ngập úng ở vùng trũng thấp và các đô thị có khả năng xảy ra tại Hà Nội, Hòa Bình, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình.
Thái Bình lốc xoáy Cơn lốc xoáy bất ngờ quét qua xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư, làm 4 người bị thương, hàng chục căn nhà bị tốc mái, đổ sập, một ôtô tải bị gió thổi bay xuống ruộng. Chủ tịch xã Hoàng Văn Khảng cho biết trong 4 người bị thương có 2 học sinh, người bị nặng nhất là một phụ nữ 69 tuổi bị gãy xương đùi, vỡ xương hông. |
Theo Hải Bình - Lê Hoàng (VnExpress.net)