Sau khi nhận 1 bộ nồi inox, người phụ nữ Thái Nguyên bị lừa hơn 300 triệu đồng: Chiêu lừa mới rộ gần đây

06/11/2023 14:57:22

“Mình cứ tiếc tiền và sợ mất vài triệu đồng mà đã chuyển cho chúng số tiền lên tới hơn 300.000.000 đồng. Có lẽ đây là bài học lớn nhất trong đời mình, hi vọng mọi người hãy cảnh giác trước các chiêu trò lừa đảo này”, H.N bộc bạch.

Gần đây, nhiều người dân liên tục nhận được cuộc gọi mạo danh nhân viên của các sàn thương mại điện tử, cửa hàng điện máy lớn… thông báo trúng thưởng, tặng quà miễn phí. Và không ít người cả tin đã bị “sập bẫy”, mất hàng chục hàng trăm triệu tiền oan.

H.N – một mẹ bỉm sữa hiện sinh sống và làm việc tại Thái Nguyên cho biết, sau những ngày dài tưởng như “chết đi sống lại” đã lấy lại tinh thần, quyết định chia sẻ câu chuyện của chính mình để mọi người cùng cảnh giác trước chiêu trò lừa đảo tinh vi. “Mình bị mất số tiền khá lớn: hơn 300 triệu đồng, lại vừa sinh em bé xong nên căng thẳng vô cùng.

Sáng 21/10 vừa qua, mình nhận được cuộc gọi đầu số 02… gọi đến và giới thiệu thuộc nhân viên của nhãn hàng P.. Họ nói kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), công ty có gửi tặng mình một món quà, đề nghị kết bạn Zalo để gửi danh sách quà tặng. Khi ấy mình sẽ được chọn một món quà, nhận hàng không phải thanh toán cước hay bất cứ chi phí nào.

Gia đình mình bán hàng và kinh doanh mặt hàng điện tử, đồ gia dụng nên không mảy may nghĩ gì cả, cứ kết bạn Zalo để trò chuyện”, người phụ nữ chia sẻ.

H.N đã chọn quà là một bộ 3 nồi inox. Nhưng đối tượng đã hướng dẫn chị cài đặt nhóm Telegram để nhận mã nhận quà. Chị làm theo mà không hề suy nghĩ đến chuyện sẽ bị lừa đảo.

Sáng 22/10, H.N nhận được món quà trên. Đối tượng liền nhắn tin yêu cầu chị gửi một tấm hình vào nhóm để xác minh với công ty rằng chị đã nhận được quà tặng. Chị thấy bản thân có nhận được quà, lại không phải thanh toán bất cứ chi phí gì nên họ nói gì liền làm theo.

“Mình vào trong nhóm Telegram được một người tự xưng là quản lý thông báo: Tất cả thành viên sau khi nhận được quà lần 1 sẽ có cơ hội nhận được thêm 1 phần quà giá trị, bao gồm: máy rửa bát, tủ lạnh, ghế mát xa, máy giặt… Sau đó họ gửi hình cho mình chọn, kèm theo cơ hội bốc thăm trúng thưởng xe máy, vàng,…

Đoạn trò chuyện giữa H.N và nhóm lừa đảo.

Sau đó người này hướng dẫn chơi mini game đuổi hình bắt chữ để nhận quà, cứ đoán đúng là được 30.000 đồng vào tài khoản. Mình thấy có chừng 3-5 câu, sau đó họ hẹn đến 15h ngày 23/10 sẽ tiếp tục vào nhóm để dự sự kiện tri ân và bốc thăm trúng thưởng.

Câu chuyện mất tiền bắt đầu từ đây. Họ thả quà cho mình để dẫn dắt vào cái "hang" lừa đảo này”, người phụ nữ cho hay.

Đúng 15h ngày 23/10, H.N bận tắm cho con nhỏ nên không thể vô nhóm. Gã quản lý liền gọi điện mời chị vào nhận quà. 30 phút sau chị vào thấy có hơn 100 thành viên, thi nhau khoe quà và được tặng tiền khi chơi mini game.

H.N đã làm theo sự hướng dẫn bằng cách giúp công ty hoàn thành nhiệm vụ tăng doanh số và sẽ hoàn lại cả vốn lẫn lại sau 3 đến 5 phút. “Mình thấy các thành viên thi nhau chuyển khoản, sau đó nhận lại được cả gốc lẫn lợi nhuận nên cũng làm theo.

Ban đầu mình làm nhiệm vụ chỉ mấy trăm nghìn đồng, được chuyển lại cả gốc lẫn lãi sau vài phút. Thế rồi mình cứ u u mê mê, đi theo hướng dẫn của đám lừa đảo.

Mình tiếp tục nhận lệnh chuyển 1.950.000 đồng thì không được nhận lại tiền. Chúng bảo phải làm đủ 3 nhiệm vụ mới chuyển lại tiền gốc lẫn liền hoa hồng, quà tặng chọn trước đó. Sau đó chúng cho mình vào 1 nhóm khác có giám đốc kinh doanh.

Người này đưa ra hình ảnh quà tặng và nói chúc mừng các thành viên trong nhóm đã may mắn có cơ hội trúng giải thưởng lần 2 mà mình đã chọn. Quà sẽ gửi về cho mọi người trong vòng 24h và không phải thanh toán bất cứ chi phí gì. Lúc này mình cũng nghi là lừa đảo nhưng không hiểu sao đầu óc cứ mụ mẫm, chẳng thể tỉnh táo”, người phụ nữ nhớ lại.

Lúc này, H.N cũng nhận được nhiều tin nhắn của các thành viên trong nhóm. Họ liên tục hỏi chị nhận được quà gì, đồng thời khoe đã nhận được tiền chuyển khoản từ công ty. Sau đó gã giám đốc kinh doanh nhắn cho chị bảo muốn nhận được quà phải làm xong 3 nhiệm vụ.

Nhiệm vụ 1: Đối tượng lừa đảo đưa ra bảng chuyển số tiền ít nhất là 6.999.000 đồng và rất đông thành viên chuyển. H.N không định chuyển nhưng mọi người đã vào thúc giục, thậm chí nhắn tin riêng. Bởi tất cả cùng hoàn thành nhiệm vụ mới được giao nhiệm vụ tiếp theo.

Người được tặng gói quà giá trị đã nhắn tin thúc giục mình chuyển tiền. Họ còn nói rằng chuyển 3 nhiệm vụ tầm khoảng 30.000.000 đồng. Sau đó công ty hoàn lại luôn và chỉ chờ nhận quà về thôi và khoe rằng lần trước cũng được vậy.

Mình nghĩ mắc số tiền 1.950.000 đồng kia, không lấy lại được sẽ rất tiếc. Vì thế mình đã vay 6.999.000 đồng chuyển cho chúng để mọi người được thực hiện tiếp nhiệm vụ”, H.N nói.

Nhiệm vụ 2: Người tham gia phải chuyển 21.999.000 đồng và tất cả đều chuyển tiền cho công ty. Riêng H.N dù không có nghìn nào lại tin rằng chuyển nốt lần này sẽ nhận được tiền gốc, hoa hồng và được nhận quà nên tiếp tục đi vay để chuyển. Ngờ đâu chị phải thực hiện nhiệm vụ cuối cùng.

Nhiệm vụ cuối cùng: Chuyển 89.999.000 đồng. Lúc này H.N không biết vay tiền ở đâu, trong khi đã chuyển cho chúng hơn 30.000.000 đồng. Song chúng thông báo nếu phá lệ không hoàn thành nhiệm vụ sẽ đồng nghĩa với việc không được nhận tại số tiền đã chuyển.

Mình thấy các thành viên đã chuyển số tiền trên, sau đó khoe đã nhận được cả gốc lẫn lãi tầm 157.000.000 đồng rồi gửi địa chỉ để công ty gửi quà về mà đứng ngồi không yên. Mình đành hỏi vay tiền khắp nơi để chuyển cho chúng với suy nghĩ sẽ nhận được tiền, quà như các thành viên. Ngờ đâu chúng bảo mình chuyển tiền sai lệnh và quá thời gian chuyển, cần phải chuyển tiền lại một lần nữa.

Mình đã chuyển hơn 100.000.000 đồng cho chúng, lại được thúc không làm lại không được lấy lại tiền nên đi vay chuyển cho chúng 89.999.000 đồng. Chúng tiếp tục bài nội dung chuyển tiền bị sai, yêu cầu phải chuyển thêm lần nữa”, người phụ nữ cho hay.

H.N hoang mang tột độ, không biết phải làm sao đã gọi điện cho nhóm lừa đảo. Chúng vẫn nghe điện bình thường. Chị ngỏ lời xin lại số tiền đã chuyển khoản, không cần hoa hồng hay quà, thậm chí cứ lẩm bẩm “chết rồi bị lừa”.

Chúng bảo mình rằng chỉ cần chuyển đúng một lần nữa là hệ thống sẽ hoàn lại tiền sau 3-5 phút. Mình thành thật nói rằng không có tiền, cũng chẳng biết vay ở đâu. Chúng liền cho bảo lưu đến sáng hôm sau, khi đúng lệnh sẽ hoàn tiền.

Mình sót ruột quá liền đi vay nóng, đợi đến sáng hôm sau thì không có tiền trả cho mấy chỗ vay nóng kia nên quyết định chuyển thêm 89.999.000 đồng. Mình chuyển xong họ báo đã nhận được, xin số tài khoản của mình để hoàn tiền”, H.N nhớ lại.

Người phụ nữ đợi mãi không thấy. Lúc sau nhóm lừa đảo gửi một hình ảnh trên máy tính thống báo lỗi hệ thống do chuyển sai quá nhiều lần và tiếp tục yêu cầu chị làm thêm 1 nhiệm vụ chuyển thêm 149.999.000 đồng. Chị chợt tỉnh ngộ nhận ra bản thân đã bị lừa, chuyển thêm bao nhiêu lần nữa cũng không có chuyện chúng sẽ hoàn lại.

Mình cứ tiếc tiền và sợ mất vài triệu đồng mà đã chuyển cho chúng số tiền lên tới hơn 300.000.000 đồng. Có lẽ đây là bài học lớn nhất trong đời mình, hi vọng mọi người hãy cảnh giác trước các chiêu trò lừa đảo này”, H.N bộc bạch.

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT), nguyên nhân mất an toàn thông tin cá nhân là bởi người dùng bất cẩn dễ dàng cung cấp thông tin của mình trực tiếp hoặc gián tiếp qua mạng xã hội, mua sắm trực tuyến, qua các cuộc khảo sát... Mặt khác, các đơn vị, tổ chức vẫn chưa đầu tư đúng mức cho công tác bảo đảm an toàn thông tin, các cá nhân sử dụng ứng dụng, dịch vụ kết nối xuyên biên giới do các nhà cung cấp nước ngoài quản lý ngày càng phổ biến là rào cản trong công tác quản lý.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần biết cách tự bảo vệ và có biện pháp lưu trữ, phân loại và chia sẻ thông tin phù hợp; cân nhắc kỹ lưỡng trước khi cung cấp thông tin của mình cho các dịch vụ trên mạng.

Theo Ngọc Hà (Kienthuc.net.vn)

Nổi bật