Sau cam kết, cán bộ y tế bớt... cáu gắt

04/09/2015 08:50:06

Sau hơn 1 tháng ký cam kết thay đổi thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng người bệnh, đến nay các bệnh viện lớn tại Hà Nội đã bước đầu có những chuyển biến.

Sau hơn 1 tháng ký cam kết thay đổi thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng người bệnh, đến nay các bệnh viện lớn tại Hà Nội đã bước đầu có những chuyển biến.

Đang chăm con trai tại khoa Phẫu thuật thần kinh, Bệnh viện Việt Đức, chị Trần Thị Duyên (Phúc Hoà, Phúc Thọ, Hà Nội) cho biết, đây là lần mổ thứ 8 của con trai chị sau chấn thương sọ não.

Chị kể, trong suốt thời gian dài nằm viện, sáng nào, trưởng, phó khoa cũng đến từng giường thăm khám bệnh nhân. Bác sĩ nào cũng nhẹ nhàng khiến chị thấy rất yên tâm.

Bác Hoàng Đình Đường cho biết những ngày nằm viện không có gì để phàn nàn. Ảnh. T.Hạnh


“Ở đây, tiêm chọc cũng không phải đưa tiền, chứ ở tuyến dưới, muốn được tiêm nhẹ nhàng mà không có tiền là không yên”, chị Duyên so sánh.

Chị Định (Thái Thụy, Thái Bình) đang chăm anh trai ở khoa Gan, mật, Bệnh viện Việt Đức cũng kể, với những bệnh nhân phải di chuyển bằng xe lăn, y tá sẽ tận tình làm từ A đến Z, người nhà không phải động tay.

“Công nhận lên đây thấy khác thật. Bệnh viện sạch sẽ, nghiêm ngặt chứ ở tỉnh bác sĩ cáu gắt loạn lên, hỏi gì cũng không dám”, chị Định tươi cười nói với người ngồi cạnh.

Đang chăm con gái ở khoa Phẫu thuật thần kinh, bác Phạm Thị Mai (Bình Giang, Hải Dương) cho biết, mãi 9h tối hôm trước các bác sĩ vẫn còn làm chụp cộng hưởng từ để con gái bác kịp lấy kết quả nhập viện.

Có mặt tại khoa Cơ, xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai, khi được hỏi về thái độ phục vụ của y bác sĩ tại đây, quên cả đau đớn, bác Hoàng Đình Đường (Sơn Trúc, Hưng Yên) tươi cười nói: “Bác sĩ ở đây chu đáo lắm cô ạ, chẳng có gì để phàn nàn”.

3 bố con ông Lê Xuân Yến đang sắp xếp lại giấy tờ chuẩn bị làm thủ tục nhập viện tại Việt Đức. Ảnh: T.Hạnh

Bác Đường kể, trước ngày mổ, bác sĩ còn đến tận giường vỗ vai dặn: “Ngày mai bác làm phẫu thuật nhé, chẳng có gì phải lo lắng đâu” rồi cẩn thận dặn dò phải ăn uống kiêng khem để bệnh chóng dứt.

11h10, tại khoa cấp cứu A9, bệnh viện Bạch Mai, chị Lan cùng người nhà đưa chồng là Trần Phú Quyết (47 tuổi, Xuân Hồng, Xuân Vinh, Nam Định) nhập viện vì co cứng các cơ, không cử động được.

Vứt đống chăn gối lỉnh kỉnh xuống đất, chị lo lắng dõi theo chồng ở phía trong qua lớp cửa kính. Sau chừng 5 phút được thăm khám, bệnh nhân Quyết được chuyển thẳng vào phòng cấp cứu.

“Dọc đường tôi chỉ lo bệnh nhân đông quá, không quen biết bác sĩ nào thì chồng tôi phải nằm đợi ngoài hành lang nhưng may quá cô ạ, chồng tôi được chuyển cấp cứu luôn rồi”, vừa nói, chị Lan vừa rơm rớm nước mắt.

Bệnh nhân bớt bị quát mắng

Giữa trưa, khoa khám bệnh các bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, K Trung ương vẫn đông kín người. Dù mệt mỏi, chờ đợi song khi được hỏi, hầu hết các bệnh nhân đều nhận xét thủ tục khám chữa bệnh và thái độ nhân viên y tế đã cải thiện nhiều so với trước.

Trước cửa mỗi khoa khám bệnh tại Bạch Mai đều có màn hình hiển thị số thứ tự giúp bệnh nhân dễ dàng theo dõi. Ảnh: T.Hạnh


Chưa hết hồi hộp khi cầm kết quả trên tay, ông Lê Xuân Yến (77 tuổi, Đông Hoàng, Đông Sơn, Thanh Hoá) kể, ông được 2 cậu con trai “tháp tùng” đến Bệnh viện Việt Đức lúc 7h sáng để khám bệnh vì nhiều tuần nay thấy khó thở, đau thắt vùng bụng.

Đến 11h, ông đã làm xong 5 xét nghiệm với kết quả chẩn đoán bị phình động mạch chủ bụng và ngay lập tức được chỉ định làm thủ tục nhập viện.

“Dù khám bệnh ở đây lần đầu nhưng 3 bố con tôi hầu như không gặp khó khăn gì, chỗ nào không hiểu, không biết hỏi nhân viên y tế họ đều chỉ dẫn nhiệt tình. Ban đầu 3 bố con nghĩ chắc 1 ngày không xong nên mang theo cả quần áo, không ngờ nhanh thế”, ông Yến vừa chỉ vào đống đồ đạc vừa vui vẻ nói.

Tại Bệnh viện K – nơi thường xuyên quá tải và bị phàn nàn về thái độ của nhân viên, dù giữa trưa nhưng trước cửa khoa khám bệnh không còn một chỗ trống.

Đang ngồi nói chuyện rôm rả với bệnh nhân ngồi cạnh, chị Nguyễn Thị Hoa (Thọ Sơn, Triệu Sơn, Thanh Hoá) cho biết, chị ra K khám vì nghi ung thư vú. Đây là lần thứ 2 chị quay lại bệnh viện này sau khi đưa chồng đến khám u lưỡi cách đây 3 năm.

“Ngày ấy, mình ở quê ra, lơ ngơ không rõ nên đến chỗ nào cũng hỏi. Vừa hỏi xong đã bị quát: “Mắt bị mù à?” “Đi sang quầy bên kia””Đưa giấy đây” nên cứ đến bệnh viện là hãi lắm”, chị Hoa kể, giọng đầy ám ảnh.

Theo chị Hoa, sau 3 năm, giờ thái độ độ của nhân viên y tế tại đây đã cải thiện rõ rệt, dù chưa tươi cười, niềm nở nhưng đã không còn cáu gắt, quát tháo, muốn hỏi gì chị cũng không cần rón rén, khép lép như trước.

Tại một trong những bệnh viện lớn nhất nước là Bạch Mai, tình trạng bệnh nhân đến khám phải ngồi, nằm dưới nền không hiếm. Tuy nhiên khi được hỏi, bệnh nhân đều chia sẻ cảm thông, chấp nhận chờ vì... khám tuyến trên mới yên tâm.

Bác Nguyễn Thị Lợi (Thuỷ Nguyên, Hải Phòng) cho biết, 3h30 sáng đã từ nhà bắt xe lên Bạch Mai để khám gan. Đến nơi, số siêu âm đã là 148 và xét nghiệm máu tận 371, phải đợi đến chiều mới xong.

“Bệnh viện lớn, bệnh nhân đông nhưng đi đến đâu cũng được thanh niên tình nguyện và nhân viên hướng dẫn tận tình nên tôi không thấy không có gì phiền hà”, bác Lợi chia sẻ.

Cũng có mặt tại khoa khám bệnh Bạch Mai, em Nguyễn Thị Hà, SV năm 2 khoa Điều Dưỡng, ĐH Y Hà Nội cho biết, em đến khám hạch ở cổ nhưng do đến trễ nên số siêu âm đã là 280.

Theo đúng thứ tự phải đầu giờ chiều mới đến lượt. Tuy nhiên do buổi chiều phải đi học nên em đã được cán bộ y tế linh động để đẩy lên siêu âm cuối buổi trưa.

Qua khảo sát, thái độ của nhân viên y tế đã phần nào thay đổi, tuy nhiên các bệnh nhân phản ánh tình trạng làm việc trễ giờ vẫn thường xuyên xảy ra. Bác Lợi kể, khi đến Bạch Mai, phòng đón tiếp làm việc từ 7h nhưng phòng chuyên môn phải gần 8h mới bắt đầu. Tại bệnh viện K, có khi đến 8h30.

Ngoài ra, theo phản ánh, tình trạng bảo vệ xấc xược, thiếu lễ phép tại các bệnh viện vẫn diễn ra phổ biến. Cảnh bảo vệ trừng mắt, quát mắng vẫn xảy ra gây ức chế cho người nhà, người bệnh.
 
>> Bác sĩ giẫm chân lên giường bệnh từ chức và bị kỷ luật

Theo T.Hạnh (VietNamNet)

Nổi bật