Ông Phùng Quang Thức - Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (TNXH), Sở Lao động - Thương binh và xã hội Hà Nội cho biết, trên địa bàn TP hiện thống kê được khoảng 2.000 gái bán dâm. Các đối tượng này hoạt động núp bóng với nhiều hình thức từ trong nhà nghỉ đến tẩm quất, cà phê đèn mờ...
Đề cập đến phần mềm quản lý gái mại dâm được TP.Hà Nội xây dựng từ năm 2015, ông Thức cho biết, đến nay gặp nhiều khó khăn trong việc cập nhật thông tin, thống kê, giám sát, nắm bắt tình hình hoạt động mại dâm.
Cụ thể, theo ông trong số hơn 2.000 gái mại dâm hoạt động trên địa bàn TP.Hà Nội, hiện phần mềm chỉ cập nhật được 472 người. Đây là những người vi phạm hành chính bị lực lượng chức năng xử lý.
Ông Thức cho rằng, nếu như trước đây, việc đưa các đối tượng bán dâm vào cơ sở giáo dục bắt buộc thì việc xác định, thống kê số liệu rất chính xác. Tuy nhiên, khi thực hiện xử lý hành chính (không đưa người bán dâm vào cơ sở giáo dục), cơ quan chức năng rất khó để thống kê đầy đủ số liệu liên quan đến người bán dâm.
“Hiện nay, để thống kê được người bán dâm, chúng ta chỉ căn cứ vào hành vi mại dâm thông qua các vụ án”, ông Thức nói và cho biết, đơn vị vẫn thường xuyên phối hợp với các cơ quan công an để cập nhật, tuy nhiên, hiện chưa quy tập được vào một đầu mối, vẫn phải trải qua nhiều cấp (xã, huyện-quận, TP) nên việc phối hợp giữa cớ quan thường trực và cơ quan xử lý gặp nhiều khó khăn. Do đó, từ năm 2015 đến nay chỉ cập nhật được 500-600 trên tổng số hơn 2.000 người .
"Thời gian tới, Sở này sẽ đề nghị các cơ quan chức năng gửi thông tin cụ thể việc xử lý hành chính người bán dâm để cập nhật vào phần mềm cho đầy đủ", ông Thức nói.
Theo thống kê của Chi cục Phòng chống TNXH, hiện có hơn 5.700 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn xã hội.
Trong đó, có hơn 3.500 cơ sở lưu trú; hơn 1.100 cơ sở karaoke; hơn 830 cơ sở xoa bóp; 2 vũ trường, 44 bar có sử dụng rượu mạnh; 11 cơ sở cắt tóc, gội đầu thư giãn; hơn 110 cơ sở cà phê nhạy cảm ; hơn 120 cơ sở tắm nóng lạnh.
Thời gian qua lực lượng chức năng xử lý vi phạm hành chính 472 người bán dâm. Trong đó tất cả đều là nữ, độ tuổi dưới 18 là 1 người, từ 18 đến 35 tuổi là 363 người.
Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Chi cục Phòng chống TNXH, hiện trên địa bàn TP.Hà Nội có 5 điểm có biểu hiện mại dâm công cộng và 10 điểm, tụ điểm nghi ngờ có hoạt động mại dâm trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ.
Trước câu hỏi của báo chí liên quan đến trường hợp phố Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy) được phản ánh nhiều trên báo chí và mạng xã hội về dấu hiệu mại dâm, ông người đứng đàu Chi cục Phòng chống TNXH Hà Nội thông tin: những điểm có dấu hiệu, nghi ngờ thường là quán có đèn mờ, đèn màu hồng, màu tím, có chị em ngồi ở cửa ăn mặc rất gợi cảm.
Lực lượng chức năng đã đi kiểm tra, bắt được có hành vi kích dục, bán dâm. Tuy nhiên, một số cơ sở này thường có thỏa thuận, sau đó khách hàng và người bán dâm thường tìm nhà nghỉ ở xung quanh đó để thực hiện hành vi.
“Đối với điểm Trần Duy Hưng chúng tôi khảo sát nhiều nhưng phố đó hoàn toàn là những nhà nghỉ. Có thể không nhìn thấy nhân viên, không thấy tiếp viên. Bảo đây là điểm mại dâm thì UBND địa phương không công nhận, bảo phải bắt mới được. Chưa có dấu hiệu, biểu hiện rõ ràng mại dâm, tuy rằng biết trong nhà nghỉ đó có thể có mua bán dâm. Do đó nêu ra thành điểm mại dâm thì điều đó là khó khăn”, ông Thức biện giải.
Năm 2015, Chi cục Phòng chống TNXH Hà Nội đã triển khai xây dựng phần mềm quản lý gái mại dâm. Phần mềm hoạt động trên cơ sở cập nhật, lưu trữ thông tin người liên quan hoạt động mại dâm bị cơ quan chức năng phát hiện. Từ đó, nhà chức trách nắm rõ số lần họ vi phạm, địa bàn hoạt động để có biện pháp tiếp cận giới thiệu việc làm, tái hòa nhập cộng đồng.
Theo Chi cục Phòng chống TNXH Hà Nội, trước đây do không có dữ liệu quản lý gái mại dâm nên việc xử lý của từng cấp còn rời rạc. Cơ quan quản lý không lưu giữ được thông tin, không biết khi họ chuyển địa bàn hoạt động dẫn đến khó quản lý.
Theo đó, Chi cục Phòng chống TNXH Hà Nội hi vọng hệ thống phần mềm quản lý này sẽ giúp các nhà quản lý có thông tin tương đối đầy đủ về hoạt động mại dâm, từ đó có chính sách phù hợp, bởi một trong những giải pháp phòng chống mại dâm giai đoạn 2015-2020 là tăng cường hoạt động hỗ trợ, đưa những người hoạt động mại dâm hoàn lương.
Theo Hoàng Thành (Dân Việt)