Sau 2 ca bệnh nhập cảnh trái phép, Bộ trưởng Y tế lo xảy ra đợt dịch Covid-19 thứ 4

26/03/2021 10:53:57

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long lo ngại nguy cơ xảy ra đợt dịch Covid-19 thứ 4 sau khi ghi nhận nước ta vừa có 2 ca bệnh nhập cảnh trái phép về TP HCM và Hải Phòng.

Sáng 26-3, tại hội nghị tập huấn công tác liên quan đến công tác tiêm chủng vắc-xin Covid-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bày tỏ lo ngại về nguy cơ Việt Nam có thể xuất hiện đợt dịch Covid-19 thứ 4 trong thời gian tới.

Sau 2 ca bệnh nhập cảnh trái phép, Bộ trưởng Y tế lo xảy ra đợt dịch Covid-19 thứ 4
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long lo ngại về nguy cơ xảy ra đợt dịch Covid-19 thứ 4 - Ảnh: Trần Minh

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, thời gian qua Việt Nam kiểm soát thành công 3 đợt dịch Covid-19. Đợt dịch cuối cùng tại Hải Dương có số ca mắc Covid-19 khá cao, đến thời điểm hiện nay vẫn ghi nhận rải rác một số ca bệnh trong khu cách ly.

"Chúng tôi rất quan ngại vấn đề có thể xuất hiện đợt dịch Covid-19 thứ 4 ở nước ta. Nguy cơ này rất cao và mang tính hiện hữu vì trong bối cảnh hiện nay các nước trong khu vực tình hình dịch còn phức tạp"- Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Theo ông, từ đầu cuộc chiến chống dịch, Việt Nam đã thiết lập 1.600 điểm chốt với 10.000 cán bộ biên phòng cắm chốt kết hợp với lực lượng chính quyền địa phương tại các chốt để quản lý việc xuất nhập cảnh. Tuy nhiên, nước ta có đường biên giới trải dài, rộng nên việc quản lý xuất nhập cảnh đường biển hết sức khó khăn, đặc biệt là việc nhập cảnh trái phép rất phức tạp.

Sau 2 ca bệnh nhập cảnh trái phép, Bộ trưởng Y tế lo xảy ra đợt dịch Covid-19 thứ 4 - 1
Tiêm vắc-xin Covid-19 cho nhân viên y tế - Ảnh: Hoàng Nguyễn

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, sáng 26-3, Việt Nam ghi nhận 2 ca bệnh nhập cảnh trái phép qua đường biển vào Phú Quốc và về Hải Phòng và TP HCM, do đó Bộ Y tế yêu cầu các địa phương có trường hợp nhập cảnh cách ly ngay lập tức những trường hợp này. "Đây là trường hợp xác định được nhưng có thể có trường hợp nhập cảnh trái phép vào không phát hiện được và có thể có người không có dấu hiệu về mặt lâm sàng, có thể thành nguồn truyền nhiễm trong cộng đồng"- Bộ trưởng Bộ Y tế lưu ý.

Tại hội nghị trực tuyến với hơn 700 điểm cầu, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch theo Chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch, của Bộ Y tế về xét nghiệm, truy vết, cách ly, điều trị… để trong trường hợp xảy ra dịch bệnh sẽ không bị luống cuống. "Trong phòng chống dịch thì việc xử lý càng nhanh, càng hạn chế mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh với cộng đồng"- ông Long nói.

Kế hoạch phân bổ vắc-xin Covid-19 cho Việt Nam bị chậm

Về vắc-xin Covid-19, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết hiện nay thế giới có hơn 250 loại vắc-xin đang được nghiên cứu, phát triển, nhưng chỉ có 13 loại được cấp phép với tổng số có 486 triệu liều trên toàn cầu. Ngay từ khi có dịch, nhiều nước đã đầu tư mạnh mẽ cho nghiên cứu và mua vắc-xin. Thậm chí, khi vắc-xin đang trong quá trình nghiên cứu thì nhiều nước đã đặt mua. Tuy nhiên, đến nay, việc thiếu hụt nguồn cung vắc-xin đang là vấn đề của toàn thế giới.

"Trước đó, Việt Nam có trao đổi với các nước trong hợp tác, nghiên cứu sản xuất vắc-xin và sẵn sàng thử nghiệm giai đoạn 3 nhưng hiện tại việc thử nghiệm này khó khăn vì Việt Nam không phải ở tâm dịch. Lô vắc-xin được cung cấp qua COVAX facility (gần 1,4 triệu liều) sẽ bị chậm lại so với kế hoạch ban đầu. Ba tuần đầu tháng 4, Việt Nam sẽ chưa có vắc-xin Covid-19. Bộ Y tế vừa có hai văn bản gửi các đơn vị, gửi các đại sứ tăng cường tiếp cận tăng cường nguồn vắc-xin cho Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế việc khan hiếm vắc-xin là thách thức với các nước, nhất là các nước đang phát triển. Hiện Việt Nam không phải là nước ưu tiên về vắc-xin Covid-19 vì đang kiểm soát dịch rất tốt. Dù vậy, Bộ Y tế đang nỗ lực tiếp cận các nguồn vắc-xin trên thế giới"- Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Về lo ngại phản ứng không mong muốn sau tiêm vắc-xin, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết mọi loại vắc-xin đều có phản ứng thông thường và không mong muốn. Phản ứng thông thường sẽ hết nhanh và tỉ lệ này khá cao. Một số nước châu Âu dừng lại tiêm vắc-xin Covid-19 để đánh giá khả năng có thể có tình trạng đông máu. Sau khi đánh giá, cơ quan Dược phẩm châu Âu không có tuyên bố liên quan nào và một số nước đã quay trở lại tiêm vắc-xin.

Theo N.Dung (Nld.com.vn)

Nổi bật