Người không mua bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ phải đối mặt với gánh nặng chi phí nếu không may mắc bệnh vì từ ngày 1/6 tới đây, 1.900 dịch vụ y tế sẽ tăng giá, nhiều dịch vụ y tế có mức tăng 2-3 lần so với giá cũ. Điều khác nhau cơ bản giữa 2 nhóm đối tượng này là bệnh nhân BHYT được quỹ BHYT chi trả từ 80-100% chi phí còn bệnh nhân khám dịch vụ sẽ phải chi trả 100% chi phí.
Chi phí mỗi ngày điều trị của chị Đông đến 50 triệu mà không có BHYT chi trả. |
Bệnh nhân Phạm Thị Huệ (32 tuổi, Thanh Oai, Hà Nội) là bệnh nhân đặc biệt điều trị tại khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai) mắc bệnh trọng, kinh phí điều trị lên đến gần 500 triệu trong khi hoàn cảnh gia đình lại vô cùng khó khăn. Để cứu vợ, anh Hoa, chồng chị Huệ đã phải cầm cố cả căn nhà nhưng vẫn không đủ tiền. Thương cảm trước hoàn cảnh của anh chị, Phòng Công tác xã hội của bệnh viện đã chính thức phát đi lời kêu gọi ủng hộ cho bệnh nhân. Với sự chung tay giúp sức của các cơ quan báo đài, sự ủng hộ của các nhà hảo tâm trong và ngoài nước, anh chị đã nhận được số tiền trên 500 triệu đồng để vừa chữa bệnh, vừa chuộc lại nhà. Chia sẻ lý do không mua thẻ BHYT, trong khi giá trị của thẻ một năm chỉ 650 ngàn đồng, chị Huệ cho biết: “Tại em chủ quan, thấy bản thân khỏe mạnh, không nghĩ bị bệnh đột ngột thế này”.
Mới đây Bệnh viện Bạch Mai cũng điều trị cho bệnh nhân Hoàng Thị Đông (sinh năm 1994, quê Thanh Hóa) mang thai 29 tuần nhưng phải điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực vì suy hô hấp/viêm phổi do cúm A/H1. Bệnh nhân suy hô hấp nặng thở máy không xâm nhập, hai lá phổi trắng xóa và được điều trị cách ly. Chị Đông đang được lọc máu để loại bỏ Cytolin, sử dụng kháng sinh mạnh. Thai nhi được 2.000 gram đã được lấy ra để an toàn hơn cho con và cũng là để giảm gánh nặng cho mẹ. Vì không có thẻ BHYT, chi phí nằm viện điều trị mỗi ngày tốn kém đến 50 triệu là thách thức với một gia đình thuần nông, hai vợ chồng làm nghề tự do như chị Đông.
Không BHYT, chi phí điều trị lên tới gần bốn trăm triệu đồng. Đó là câu chuyện của ba người trong một gia đình nghèo gồm vợ chồng bà Hà Thị Cúc, ông Chu Văn Mai cùng con trai Chu Văn Vinh (30 tuổi) bị ngộ độc nấm. Anh con trai đã tử vong bì bệnh nặng, hai vợ chồng ông Mai bà Cúc hồi phục với tiên lượng khá tốt. Tuy nhiên, khó khăn mà ông bà phải đối mặt sau vụ ngộ độc nấm là cả gia đình không có thẻ BHYT. Ở giai đoạn nguy hiểm, mỗi ngày, chi phí chữa trị lên tới 20-30 triệu/người. Kinh phí nằm viện điều trị của cả gia đình đang nợ lên tới cả trăm triệu mà gia đình không còn lấy một đồng. Vậy mà, tất cả đã vượt qua nhờ sự quan tâm, nỗ lực về chuyên môn của tập thể các thầy thuốc của Trung tâm Chống độc, sự chung tay của người dân địa phương, cộng đồng. Tổng số tiền được hỗ trợ cho gia đình lên đến hơn 200 triệu đồng.
Khi đón bố mẹ xuất viện, cô con gái của cặp vợ chồng bệnh nhân sau bao ngày chăm sóc người thân đã khóc cạn nước mắt vì không thể tin nổi sẽ có ngày hôm nay, chia sẻ: “Bây giờ em mới hiểu hết tấm lòng của mọi người. Xã hội còn rất nhiều người tốt. Các bác sĩ không chỉ biết chữa bệnh mà còn lo cho những người bệnh không có điều kiện như gia đình em. Giá như gia đình em tham gia BHYT thì đâu đến nỗi. Sau này em cũng sẽ tham gia hoạt động từ thiện vì nếu không có mọi người sẻ chia thì…”. Rơm rớm nước mắt, cô nhìn sang giường bên cạnh, đó là hoàn cảnh của bệnh nhân Lại Văn Hùng bị rắn độc cắn, gia đình rất khó khăn, không có BHYT. Anh trai đã mấy lần viết đơn xin cho em về chấp nhận cái chết nhưng thấy bệnh nhân còn cơ hội sống, các bác sĩ ở Trung tâm Chống độc đã cố gắng thuyết phục người nhà để bệnh nhân lại để tiếp tục điều trị. Chia sẻ khó khăn với người cùng cảnh ngộ, bệnh nhân Mai đã tận tay trao tặng lại số tiền 50 triệu đồng nhận được từ các nhà hảo tâm để giúp cho bệnh nhân Lại Văn Hùng có tiền để chữa bệnh.
Điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư vì bệnh viêm màng não mủ, bệnh nhân L.H.Th (35 tuổi, Vĩnh Phúc) phải thở máy qua nội khí quản, đặt sonde dạ dày, sonde tiểu và rất nhiều xét nghiệm hàng ngày khác. Vì không có thẻ BHYT nên bệnh nhân phải chịu 100% chi phí điều trị. Vợ bệnh nhân cho biết, sau khi nhập viện gia đình đã nộp 10 triệu đồng tiền đặt cọc. Vì công việc của hai vợ chồng là thợ xây và công nhân nên thu nhập ít ỏi nên họ phải vay mượn người thân, bạn bè để có tiền điều trị. Vợ anh Th. ở ngay tại viện để chăm chồng và đỡ tiền thuê trọ. Chị cho hay, gia đình không tham gia BHYT vì thấy cả 2 vợ chồng còn trẻ, khỏe, ít khi đau ốm vặt nên chủ quan không mua thẻ BHYHT, đến lúc mắc bệnh nặng mới “ngấm đòn”. Bác sĩ điều trị chính của bệnh nhân Th. cho biết, giá dịch vụ giường điều trị với bệnh nhân phải thở máy là 360.000 đồng. Chi phí tổng cộng một ngày, gồm cả tiền giường, các chi phí khác lên tới hơn 4 triệu đồng. Thông thường, một bệnh nhân viêm màng não mủ sẽ phải điều trị từ 2 - 3 tuần. Tính ra chi phí điều trị lên tới hơn 100 triệu đồng. Nếu có thẻ BHYT, bệnh nhân Th. sẽ chỉ phải đồng chi trả khoảng 20%, tức là khoảng 800.000 đồng/ngày, thay vì 4 triệu đồng/ngày như hiện nay.
Tỉnh ra thì sự đã rồi
Những bệnh nhân kể trên chỉ là một trong số hàng trăm trường hợp bị nghèo hóa sau khi mắc bệnh nặng cần giúp đỡ tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư mỗi năm do không có thẻ BHYT. Điều đáng buồn là hiện nay vẫn còn rất nhiều bệnh nhân nặng mà không có thẻ BHYT khiến cả gia đình phải khốn đốn, bán nhà, vay mượn khắp nơi mà vẫn không đủ tiền chữa bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, có không ít ca nhập viện với tình trạng bệnh nặng vì ngộ độc, cấp cứu hồi sức, phải lọc máu liên tục với chi phí lên tới 20-50 triệu/ngày. Nhưng ngặt nỗi, nhiều ca bệnh lại không có BHYT hỗ trợ chi trả. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên: “Việt Nam có mức đóng BHYT rất thấp, với nhiều người có khi chỉ hơn một bữa nhậu nhưng lại được chi trả rất tốt. Ít nhất người bệnh được hưởng 80% do bảo hiểm chi trả, phần nào giảm bớt gánh nặng kinh tế nếu phải nằm viện điều trị. Đặc biệt đối với những ca bệnh nặng, phải cấp cứu hồi sức, kinh phí có thể lên tới hàng trăm triệu”.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phụ trách Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư) cho biết, số bệnh nhân không có thẻ BHYT điều trị tại khoa chiếm khoảng 10%, hầu hết là lao động tự do. Thực tế đáng buồn rất nhiều bệnh nhân vì không có thẻ BHYT, nhưng chi phí điều trị quá lớn do phải lọc máu (hơn 20 triệu đồng/ngày), kỹ thuật trao đổi oxy ngoài màng cơ thể ECMO (150 triệu đồng/ca) đã phải xin về.
Bác sĩ Phạm Thị Bích Mận, Trưởng phòng Công tác xã hội (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, nhiều gia đình tuy không phải hộ nghèo, nhưng vẫn lần lữa, vì nhiều lý do đáng tiếc mà không mua thẻ BHYT. Sau gần 2 năm thành lập, Phòng Công tác xã hội đã phải kêu gọi trợ giúp cho gần 40 bệnh nhân bị bệnh nặng có hoàn cảnh khó khăn, vì không tham gia BHYT nên không lo được viện phí, với tổng số tiền hỗ trợ lên đến gần 2 tỷ đồng. Bác sĩ Mận cho hay có những người ở ngay Hà Nội, cả những sinh viên cho rằng mình khỏe mạnh, không ốm, hoặc có ốm cũng chỉ cảm cúm, mất 200.000 - 300.000 đồng tiền khám, tiền thuốc nên không tham gia BHYT. |
Theo Thái Hà (Tiền Phong)