Đừng bỏ qua dấu hiệu bị cảm
Từ khi TP HCM bùng phát dịch đến nay, khu phố tôi không có ca nhiễm. Vì thế, mọi người nảy sinh tâm lý chủ quan.
Các nhà vẫn cho trẻ em ra ngoài vui hè với nhau như không có dịch. Nhiều nhà còn xách ghế ra trước nhà hóng hớt mà không hề có cái khẩu trang nào bảo vệ hoặc có đeo thì chỉ che mỗi cái miệng, chừa cái mũi cho dễ thở.
Khi phát hiện 2 ca F0, y tế phường xuống test nhanh vào cuối tuần thì gần 1/3 số nhà trong khu phố bị nghi ngờ dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có nhà tôi. 99,99% ai có dấu hiệu cảm trong đợt này đều test ra dương tính.
Trước đó, vào đầu tuần, các thành viên trong gia đình tôi lần lượt có dấu hiệu bị cảm. Tôi là người đầu tiên, sau đó tới em gái và ba mẹ. Nhà tôi đã tuân thủ nghiêm ngặt quy định phòng chống dịch và tôi chỉ ở trong nhà từ lúc TP HCM bắt đầu thực hiện Chỉ thị 16 (từ 19-7) đến nay. Duy nhất có tôi ra ngoài chích vắc-xin, mà lần đó cũng đã test nhanh ra âm tính. Rồi về nhà, tôi cũng tự cách ly trong phòng gần cả tuần cho yên tâm.
Thế nên khi có các dấu hiệu như ho, nhảy mũi thì cả nhà chỉ nghĩ tôi bị cảm hay cúm bình thường thôi. Lạ là thời điểm đấy, các hộ xung quanh nhà tôi đều đã có người bị cảm và những nhà đó sau này test ra đều bị dương tính cả nhà.
Khi bên y tế phường cho biết tôi và cả nhà nghi mắc Covid-19 qua test nhanh, tôi hoang mang lắm. Buồn. Mệt mỏi. Không chấp nhận hiện tại. Giận bản thân. Nhưng hoang mang có lẽ là trội nhất. Cứ nghĩ làm thế nào cả nhà lại dính được. Nhà tôi kỹ lắm mà, lại còn có 2 người đã chích 2 mũi vắc-xin nữa, đó là ba và em gái. Tôi và mẹ chỉ mới 1 mũi thôi. Ấy thế mà ba và em gái tôi vẫn bị dính như thường.
Tất cả những người test nhanh ra dương tính đều được yêu cầu lấy mẫu để đi test PCR. Các nhân viên y tế phường khuyên nhà nào bị nghi dương tính thì về cách ly tại nhà.
Cả ngày hôm đó, chủ đề của cả nhà chỉ xoay quanh việc thế nào mà con Covid chui được vào nhà tôi. Không ai hiểu nổi nhưng dựa trên phỏng đoán sơ bộ thì có thể 1 thành viên ỷ y tiếp xúc gần với 1 trong 2 nhà F0 đầu tiên của khu phố ở 1 tình huống lơ là việc phòng vệ (lúc này chưa phát hiện nhà đó có F0). Còn việc tôi lộ triệu chứng sớm hơn các thành viên khác có lẽ là do cơ địa mỗi người khác nhau thôi.
Những ngày này, hãy xem nhau là FO!
Ở đây tôi muốn nhấn mạnh ý này: đừng cho bản thân mình 1 giây lơ là, chủ quan trong cuộc chiến chống Covid-19.
Chỉ 1 giây ỷ y thôi là cả công sức phòng chống kỹ lưỡng đi tong. Bây giờ gặp ai cũng hãy xem người đó là 1 F0. Không phải theo ý kỳ thị hay xa lánh mà là để chúng ta đừng quên ý thức bảo vệ bản thân và cả những người còn lại. Nếu điều kiện 5K không đáp ứng được thì đừng gặp, đừng tiếp xúc. Thà mất lòng trước mà đỡ mất thời gian, sức khoẻ, tiền bạc và thậm chí cả tính mạng. Đừng mắc phải sai lầm của nhà tôi.
Luôn xem đây là 1 cuộc chiến, chứ không phải là 1 cuộc chơi hay phép thử cuộc đời. Và đừng xem thường Covid-19 .
Về phần gia đình tôi thì sau nhiều ngày chữa trị và cách ly tại nhà, tôi, em gái và ba tôi đều đã khỏe. Riêng mẹ tôi vẫn còn nằm viện và phải thở oxy. Tôi may mắn là người hồi phục sớm nhất. Thật ra Covid-19 với những người trẻ khoẻ có khi chả khác gì bệnh cúm siêu vi, chắc còn nhẹ hơn nữa nếu xét ở góc độ bản thân tôi. Chỉ cần ăn được, ngủ được là hồi phục nhanh lắm. Tuy nhiên, với người lớn tuổi và người có bệnh nền, nó thực sự là cơn ác mộng.
Tôi đã gần như thức trắng 2 đêm để canh chăm sóc ba mẹ. Cái cảm giác tôi là người khoẻ nhất nhà mà không giúp gì được cho ba mẹ đỡ ho, đỡ đau nó buồn lắm. Thức 2 đêm rồi mới nhận ra thời gian trôi qua lâu nhất là ngồi nhìn ba tôi 2 đêm liên tiếp không ngủ được vì khó thở. May mắn tôi nhờ cứu viện team Phản ứng nhanh Thủ Đức và được hỗ trợ bình oxy để giúp ba dễ thở. Bình oxy chuyển đến kịp thời vào lúc 1 giờ sáng. Nếu không có bình oxy này, có lẽ tình trạng của ba tôi có thể đã tệ hơn.
Tôi kể câu chuyện người thật, việc thật này để mong mọi người tiếp tục nâng cao ý thức chống dịch, cũng như phòng vệ bản thân. Nhà ai có trẻ con thì hãy giữ ở trong nhà, cuồng chân thì cũng ở trong nhà mà vận động. Chuyện nhiều thì cất để trong lòng qua dịch mà kể chứ đừng ra đường nhiều chuyện nữa. Một khi đã ra đường thì đeo khẩu trang vào.
Đặc biệt, nhà có người lớn tuổi, bệnh nền thì càng phải kỹ gấp đôi, gấp ba. Đừng để dính vào rồi bị Covid-19 nó hành mệt mỏi lắm!
Diễn biến bất ngờ
"Diễn biến bất ngờ" là hiện tượng các bệnh nhân Covid-19 tưởng chừng như có dấu hiệu hồi phục hay ngưng các triệu chứng nặng thì đột nhiên nó quật 1 phát làm lượng oxy trong máu giảm nhanh đến mức có thể trở tay không kịp.
Mẹ tôi luôn bị cơn nhức đầu hành hạ từ khi mắc Covid-19. Các triệu chứng khác đều nhẹ, chỉ có cơn nhức đầu hành liên tục khiến mẹ xuống sức nhanh. Đến sáng ngày thứ 7 hay 8, mẹ bớt nhức đầu, thần thái tươi tỉnh hơn những ngày trước. Đột nhiên, chiều hôm đó, mẹ đi vệ sinh ra báo với em gái là mẹ thấy mệt. Em gái lập tức đo SpO2 (lượng oxy trong máu) thì thấy giảm nhanh xuống mức 81-82. Dù những ngày trước mẹ yếu hơn nhưng SpO2 của mẹ luôn ổn định trong tầm >95.
Ngay lập tức, tôi cho mẹ thở oxy bằng bình oxy còn sót lại của ba. Đáng lẽ bình oxy đó đã trả từ mấy ngày trước nhưng không hiểu vì lý do gì mà bên cho mượn oxy không sang nhận. Nhờ mớm oxy kịp thời nên SpO2 của mẹ mình lên được 90, có lúc 93-94. Nếu lúc đó không có bình oxy còn sót lại thì có lẽ mẹ sẽ trở nặng hay thậm chí là nguy kịch.
Trong buổi tối, đánh giá tình trạng mẹ không ổn, nhà tôi quyết định chuyển vào viện để nhận được sự chăm sóc y tế tốt hơn. Kết quả vào viện khám mẹ bị viêm phổi và rối loạn đông máu. Hiện giờ tình trạng mẹ đã tạm ổn.
Tôi nghĩ nhà nào có người lớn tuổi nhiễm Covid-19 nên thường xuyên đo SpO2 để phát hiện càng sớm thì sẽ càng ít bị nặng. Nhớ là không đc chủ quan ở giai đoạn người bệnh vừa có tiến triển tốt để tránh bị Covid-19 đánh úp bất ngờ.
Việc tụt oxy nhanh có thể do tình trạng đông máu gây ra. Vì vậy cũng nên thủ sẵn thuốc kháng đông ở nhà. Khi gặp "diễn biến bất ngờ" thì liên hệ bác sĩ hay nhân viên y tế tư vấn việc sử dụng thuốc.
Cần lưu ý là không được sử dụng tùy tiện thuốc kháng đông khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
Theo Đăng Khoa (Nld.com.vn)