Sắp có kết luận chính thức vụ nữ trưởng phòng đánh tráo thân phận

18/10/2019 05:53:27

Dự kiến, đầu tuần tới, cơ quan chức năng Đắk Lắk sẽ có kết luận chính thức về vụ bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (giả) - Trưởng phòng Quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, sử dụng cả họ tên, bằng cấp của chị gái ruột.

Theo nguồn tin của Tiền Phong, ngoài 2 tổ xác minh về trường hợp bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (giả)- Trưởng phòng Quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, và bà B.T.T-Phó phòng Hành chính-Tiếp dân, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy đang lập thêm 1 tổ xác minh nữa trực thuộc Ban thường vụ.

Ngày 17/10, nguồn tin từ Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết, tổ xác minh thứ nhất về trường hợp đánh tráo nhân thân của bà Trần Ngọc Ái Sa (giả), đã chốt xong nội dung và chuyển cho Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk.

Còn tổ xác minh thứ hai về trường hợp bà B.T.T man khai bằng cấp để được bổ nhiệm Phó phòng Hành chính-Tiếp dân, cũng đã trình nội dung xác minh cho Đảng ủy Văn phòng Tỉnh ủy xem xét, xử lý.

Sắp có kết luận chính thức vụ nữ trưởng phòng đánh tráo thân phận
Đơn kèm tài liệu tố cáo bà Ái Sa đánh tráo nhân thân
Sắp có kết luận chính thức vụ nữ trưởng phòng đánh tráo thân phận - 1
Hồ sơ tư pháp của Trần Thị Ngọc Ái Sa (giả) rất bất thường về chi tiết chuyển hộ khẩu từ xã Ea Na

"Hiện tại, vẫn chưa thể cách chức hoặc xử lý kỷ luật bằng bất kỳ hình thức nào đối với trường hợp man khai lý lịch, đánh tráo nhân thân của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (giả) vì cần phải chờ có kết luận chính thức từ Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk", ông Nguyễn Hải Đông- Phó chánh văn phòng Tỉnh ủy khẳng định.

Trao đổi với Tiền Phong, bà Đoàn Thị Biên- Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk cho biết: Đầu tuần tới, sau khi Ban Thường vụ Đảng ủy Khối thống nhất kết luận về sai phạm của cán bộ thuộc quyền, Đảng ủy Khối sẽ có văn bản thông báo chính thức cung cấp công khai cho báo chí đưa tin, theo đúng quy định của Đảng.

Về khóa đào tạo trình độ thạc sĩ khóa 26, do Học viện Tài Chính (HVTC) liên kết với trường Đại học Tây Nguyên (ĐHTN) tổ chức, mà bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (giả) đã học và vừa tốt nghiệp nhưng chưa được cấp bằng, TS Trần Trung Dũng- Phó hiệu trưởng ĐHTN cho biết: Năm 2017, lãnh đạo hai đơn vị đã ký văn bản hợp tác đào tạo một lớp trình độ thạc sĩ cho các đối tượng là cán bộ, công chức Kho bạc Nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức, giảng viên, cán bộ quản lý các doanh nghiệp hiện đang công tác tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên.

Thời gian học gồm 2 năm, mỗi năm 2 kỳ, bắt đầu từ tháng 5 năm 2017, địa điểm tại HVTC và trường ĐHTN. Thời gian học chỉ tập trung vào chiều thứ sáu, ngày thứ bảy và chủ nhật, được công nhận đào tạo chính quy, chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng.

Sắp có kết luận chính thức vụ nữ trưởng phòng đánh tráo thân phận - 2
Bản tự khai về việc lấy bằng tốt nghiệp THPT của chị gái để tiến thân của bà Sa giả

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, HVTC là phía chịu toàn bộ trách nhiệm về tuyển sinh, xét duyệt, quyết định danh sách học viên đủ điều kiện bảo vệ luận văn trong hợp đồng liên kết đào tạo này. Bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (họ tên thật là Trần Thị Ngọc Thêm), chưa từng học qua THPT, là 1 trong 41 học viên tham gia khóa 26 và đã được công nhận bảo vệ thành công học vị thạc sĩ.

Nếu sự việc đánh tráo nhân thân không bị vỡ lở, cuối năm 2019, bà Sa (giả) sẽ được cấp bằng thạc sĩ cùng toàn bộ học viên tốt nghiệp khóa 26.

Ngày 4/10/2019, ông Nguyễn Thượng Hải - Chánh văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk tổ chức cuộc gặp “nóng” với báo giới, cung cấp thông tin kết quả xác minh đơn tố cáo bà Trần Thị Ngọc Ái Sa sử dụng cả họ tên, bằng cấp của chị gái ruột để được vào làm việc tại cơ quan Đảng.

Đơn tố cáo của người dân nêu tên thật của Trưởng phòng Hành chính - Quản trị (trực thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk) là bà Trần Thị Ngọc Thảo (SN 1975) chứ không phải là Trần Thị Ngọc Ái Sa (SN 1973). Bà Sa thật chính là chị ruột bà Thảo, hiện đang là hộ lý của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng. Gia đình bà Sa có 12 thành viên, nhưng trong sơ yếu lý lịch bà Thảo khai chỉ có 4 thành viên.

Ông Nguyễn Thượng Hải xác nhận, đơn tố cáo của người dân là đúng. Bà Thảo có giải trình về vụ việc này đồng thời xin thôi việc. “Thời điểm xảy ra sự việc, tôi còn trẻ, suy nghĩ chưa chín chắn và nông nổi. Chính vì muốn có việc làm để mưu sinh trong lúc gia đình rất khó khăn. Nên tôi mượn hồ sơ của chị gái để xin việc làm. Chứ hoàn toàn không có mục đích nào khác. Qua làm việc, tôi thấy việc làm của tôi là sai trái và xin thành khẩn nhận khuyết điểm của mình và xin nhận mọi hình thức kỷ luật của Đảng, của tổ chức. Tôi nhận thấy bản thân đã vi phạm và xin thôi việc tại Văn phòng Tỉnh ủy”- Trích bản giải trình của nữ Trưởng phòng Hành chính - Quản trị man khai nhân thân lý lịch, người tới lúc này vẫn ký tên là Trần Thị Ngọc Ái Sa.

Theo điều tra của Tiền Phong, tên thật của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa là Trần Thị Ngọc Thêm, chứ không phải Trần Thị Ngọc Thảo.

Theo Hoàng Thiên Nga (Tiền Phong)

Nổi bật