Không gian mạng đang là “địa hạt” dễ phát sinh lừa đảo
Sau khi báo Tiền Phong có bài “Vướng ‘bẫy’ lừa mất hàng trăm triệu đồng” đăng trên Tiền Phong ngày 6/10/2023, đã có nhiều phụ nữ ở các địa phương khác nhau tiếp tục phản ánh đến báo là mình bị lừa hàng chục, hàng trăm triệu đồng khi đăng ký tham gia cuộc thi “Duyên dáng áo dài dân tộc”.
Chị H ở TP. Hà Nội cho biết, sau khi đọc thông tin trên trang Facebook quảng cáo một doanh nghiệp phối hợp với VTV, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức cuộc thi “Duyên dáng áo dài dân tộc” chị đã đăng ký tham gia. Khi đồng ý tham gia, các đối tượng yêu cầu chị thực hiện thử thách, vào trang của đơn vị tài trợ đặt mua hàng để tăng doanh thu, uy tín, thu hút khách hàng cho đối tác. Các đối tượng hứa: Sau khi mua hàng, chuyển tiền vào tài khoản mà các đối tượng gửi, chị sẽ được nhận lại tiền và tặng 25% giá trị tiền đã mua hàng. Tuy nhiên, cuối cùng chị đã bị lừa hơn 450 triệu đồng.
Với thủ đoạn đó, chúng cũng lừa chị K, ở Bắc Ninh 200 triệu đồng. Chị K cho biết, vì muốn tham gia cuộc thi, chị đã đăng ký gửi thông tin cá nhân để một đối tượng mạo danh là người của VTV lập hồ sơ. Sau khi có hồ sơ, một đối tượng khác liên hệ với chị, kết bạn zalo, lập nhóm chát và yêu cầu thực hiện thử thách. Qua trò thử thách chị đã mất 150 triệu đồng.
Để cảnh báo đến người dân, phóng viên đã trao đổi với Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu, Chuyên gia tội phạm học, Cục Truyền thông, Bộ Công an. Theo Thượng tá Hiếu, trên không gian mạng đang là “địa hạt” diễn ra rất nhiều những cuộc tấn công lừa đảo, thủ đoạn chủ yếu là chúng mạo danh.
Trong trường hợp này, đối tượng lừa đảo lập trang trang Facebook đưa thông tin giả phối hợp với VTV, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức cuộc thi “Duyên dáng áo dài dân tộc” nhân dịp 20/10 để thu hút phụ nữ tham gia.
Để tạo lòng tin các đối tượng đã làm giả các tài liệu gắn lô gô của VTV, của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; đưa ra các phần thưởng lớn “đánh” vào lòng tham, tính hám lợi, tò mò của người dùng mạng xã hội. Khi người dùng mạng quan tâm, chúng sẽ tiến hành đưa nạn nhân vào “bẫy” bằng cách mời vào các nhóm zalo để tương tác riêng, trong nhóm này đều có các đối tượng được cài cắm làm “cò mồi”, nhằm mục đích tạo hiệu ứng đám đông , tạo lòng tin cho nạn nhân.
“Mục tiêu của đối tượng đưa ra các thông tin trước đó chỉ để tạo ‘phễu’ đưa nạn nhân vào nhóm tương tác riêng, rồi đưa ra các màn thử thách. Những thử thách các đối tượng dựng lên đều hướng tới dẫn dụ mọi người thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền. Lúc đầu các đối tượng thanh toán các giao dịch rất sòng phẳng, tạo lòng tin và sự mất cảnh giác và kích hoạt tính hàm lợi của nạn nhân”, Thượng tá Hiếu nêu thủ đoạn của đối tượng lừa đảo.
Cũng theo Thượng tá Đào Trung Hiếu, sau khi tham gia các gói lớn hơn, kết hợp với các đối tượng “cò mồi” thực hiện giao dịch có giá trị lớn, tạo xu thế đám đông. Khi nạn nhân giao dịch với số tiền lớn, đối tượng lấy các lý do khác nhau trì hoãn việc trả tiền cho nạn nhân và yêu cầu nạn nhân đầu tư thêm.
Lúc này các nạn nhân rơi vào tâm lý tiếc tài sản, nếu không đầu tư tiếp sẽ mất hết tiền, nên càng dấn sâu vào “bẫy” của các đối tượng, cuối cùng là mất số tiền lớn.
Tạo thói quen kiểm chứng khi đọc thông tin trên mạng
Theo Thượng tá Đào Trung Hiếu, rất nhiều trò lừa trên mạng liên quan đến thủ đoạn lấy “vỏ bọc” của những cơ quan có uy tín tổ chức các cuộc thi và đích đến là dẫn dụ mọi người tham gia vào các gói đầu tư. Vì vậy, mọi người cần phải cảnh giác, nhìn rõ được bản chất của câu chuyện, chứ không chỉ dừng lại ở một trang quảng cáo, một sự kiện, hay ứng dụng nào đó trên mạng rồi tham gia một cách không kiểm chứng.
“Mỗi người cần nâng cao cảnh giác, có ý thức bảo vệ tài sản của mình, không thể tin những thông tin đọc, nhìn thấy trên mạng. Mỗi người nên tạo cho mình thói quen kiểm chứng, phản biện thông tin trên không gian mạng. Như việc đối tượng dựng lên cuộc thi có sự phối hợp với VTV, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam , nếu mọi người gọi điện đến các cơ quan này để kiểm chứng thì tránh được việc mất số tiền lớn. Ngoài ra, những chương trình mời tham gia mà đích đến liên quan đến tiền và lãi suất cao gấp 3 lần lãi suất ngân hàng thì đều là lừa đảo”, Thượng tá Đào Trung Hiếu cảnh báo.
Thượng tá Đào Trung Hiếu cho biết, tỷ lệ điều tra phá các vụ án lừa đảo qua mạng rất thấp so với thực tế. Việc điều tra việc lừa đảo trên mạng rất khó khăn, vì các đối tượng thường ở nước ngoài, có khi lực lượng chức năng tìm ra địa chỉ của chúng, nhưng rất khó bắt giữ. Vì vậy, mỗi người cần nâng cao ý thức cảnh giác, trang bị cho mình kiến thức phòng ngừa lừa đảo trên mạng, tránh việc trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo qua mạng, khiến tiền mất, tật mang.
Theo Viết Hà (Tiền Phong)