Ngày 15/4, dư luận xôn xao trước thông tin triệt phá đường dây người mẫu, diễn viên bán dâm giá nghìn đô. Ngay lập tức, nhiều phương tiện thông tin đã nhanh chóng "khai thác" tên, tuổi, quê quán và cả hình ảnh những người mẫu, diễn viên vừa bán dâm.
Hai người mẫu, diễn viên môi giới và bán dâm trong đường dây nghìn USD bị bắt quả tang ngày 15/4 |
Độc giả VietNamNet đã có một cuộc tranh luận, trong đó đa số các ý kiến đều nhìn ra sự bất công khi "kẻ bị phạt người lại được tha". Bạn đọc Tiểu linh nói: "Một sự phân biệt đối xử không chấp nhận được".
Bạn đọc này nhận định rằng, sự bất bình đẳng diễn ra ngay cả trong giới tội phạm khi mà các cô gái thiếu tiền làm liều lại chịu hậu quả còn cánh đàn ông lắm tiền thì được bảo vệ, dù cùng có một hành vi phạm tội.
Đồng tình, bạn đọc Nguyên Vũ cũng viết: "Tôi không thấy nước nào lại “ngược đời” như ở Việt Nam: công khai tên người bán dâm, còn tên người mua dâm lại giấu, không có cầu lấy đâu ra cung?Cùng nêu cả tên những người bán dâm và những kẻ mua dâm để đảm bảo tính khách quan, công bằng trong xã hội".
"Nếu người đi bán dâm bị công khai danh tính, bị nêu hình ảnh trên báo chí thì người mua dâm cũng tương tự. Khi hành vi mua bán dâm chưa được phép có nghĩa mọi sự sai sót liên quan đến hành vi này đều là những hành vi phạm pháp và cần được xử lý một cách nghiêm minh", một bạn đọc khác nhận định.
Độc giả Tràng An nói: "Đừng hô hào không công khai tên người mua vì nhân văn, vì họ còn gia đình, con cái, bè bạn, công việc... Vậy người bán không có những người thân và mối quan hệ như thế sao? Việc công khai tên tuổi của người mua dâm ảnh hưởng thế nào thì đối với người bán dâm ảnh hưởng như thế ấy".
Người mua dâm không phải là tội phạm
Tuy nhiên, trao đổi với VietNamNet về vấn đề trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Hà Nội) lại cho rằng: "Người mua dâm trước tiên không phải là tội phạm. Hành vi mua dâm là hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý hành chính. Do đó những qui định xử lý người mua dâm phải tuân theo các qui định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội.
|
Người mẫu sinh năm 1990 H.H bị bắt trong khi đang bán dâm tại một địa điểm trên đường Láng-Hòa Lạc (Hà Nội) tháng 5/2012 |
Trên báo Thanh niên, luật sư Nguyễn Thành Công - Công ty Đông Phương Luật, Đoàn luật sư TP.HCM, cũng nhận định: Theo quy định của Đ.31 Bộ Luật Dân Sự về “Quyền của cá nhân đối với hình ảnh” thì việc sử dụng hình ảnh cá nhân phải được người đó đồng ý.
Ở đây dù bị cơ quan điều tra bắt quả tang hành vi mua bán dâm nhưng các đối tượng này vẫn chưa phải là tội phạm và có đầy đủ quyền công dân trong đó có quyền cá nhân đối với hình ảnh, danh tính của mình.
Trong khi đa số chị em ủng hộ đề xuất công khai tên người mua dâm để răn đe thì các đấng mày râu lại lo ngại sẽ có nhiều hệ lụy xấu cho gia đình.
"Cánh đàn ông chúng tôi khi có nhu cầu sẽ tìm cách cặp bồ (vì như thế không được xem là mua bán dâm), như vậy sẽ có nhiều bà vợ mất chồng, con không cha, nhà cửa tan nát. Vậy thà để các ông "thỏa mãn dục vọng" còn hơn là tan cửa nát nhà", anh Hùng (Hà Nội) nói.
Người đọc Trần Đông Phương cho biết: "Các trường hợp như ma túy, trộm cướp, hiếp dâm thì gây nguy hiểm cho địa bàn dân cư, tức là thông cáo để người khác biết mà tránh, tự bảo vệ mình. Còn khách mua dâm thông cáo để cho các đối tượng biết để làm gì? Khi bị công khai con cái, cha mẹ của người ấy sẽ phải chịu sự dè bỉu và các em đến trường bằng cách nào? Bên cạnh đó, bản thân người bị công khai có còn lao động và làm việc được như trước không?".
Đã ly hôn vợ nhưng chưa đi bước nữa, anh Hà (Từ Liêm, Hà Nội) thừa nhận từng nhiều lần "bóc bánh trả tiền" với gái mại dâm. Theo anh, đây là nhu cầu tự nhiên và không có lý do gì đáng bị phạt bằng cách bêu tên, ảnh lên các phương tiện thông tin đại chúng.