Sáng nay, "phi thuyền không gian" đầu tiên của Việt Nam đã biến thành vệ tinh viễn thông

16/05/2016 10:56:00

Lúc 4h sáng nay, 16/5, ‘phi thuyền không gian’ đầu tiên của Việt Nam đã bay thành công ở trần bay 25km và ‘biến thành’ vệ tinh viễn thông.

Lúc 4h sáng nay, 16/5, ‘phi thuyền không gian’ đầu tiên của Việt Nam đã bay thành công ở trần bay 25km và ‘biến thành’ vệ tinh viễn thông.

Từ sa mạc thuộc thị trấn Alice Spring (Australia), Thạc sỹ Phạm Gia Vinh - trưởng nhóm thiết kế, chế tạo khí cụ bay tầng bình lưu cho biết, ‘phi thuyền không gian’ đầu tiên của Việt Nam đã được phóng vào môi trường cận vũ trụ ở và hoạt động ổn định ở độ cao 25km và được mô phỏng một vệ tinh viễn thông.
 
Vị trí hiện thời của khí cụ bay 

Khí cụ bay rời mặt đất lúc 4h sáng nay. Khi thông tin này được xuất bản, cuộc thử nghiệm mô phỏng vệ tinh viễn thông vẫn đang diễn ra. Dự kiến đến khoảng 10h sáng nay, ‘phi thuyền’ sẽ đáp xuống trái đất.

Theo Thạc sỹ Phạm Gia Vinh, khí cụ bay được đưa vào môi trường cận vũ trụ bằng khinh khí cầu. Khi đến độ cao định sẵn, khinh khí cầu sẽ tự ngắt ra khỏi khí cụ bay. Khi đó, ‘phi thuyền’ sẽ hoạt động độc lập, thực hiện các nhiệm vụ được điều khiển từ mặt đất.

Trong lần thử nghiệm này, ‘phi thuyền’ được bay thử nghiệm trong bán kính 200 km với trần bay tối thiểu 28 km, thời gian bay 5 tiếng.

Ngày 13/5 năm ngoái, 'phi thuyền' do Phạm Gia Vinh làm kiến trúc sư trưởng chế tao đã mang thành công chuột vào không gian ở độ cao 29,5km trong cuộc thử nghiệm bay tại thành phố Hyderabad (Ấn Độ). 
 
Trưởng nhóm thiết kế Phạm Gia Vinh tại nơi thử nghiệm bay sáng nay
Trưởng nhóm thiết kế Phạm Gia Vinh tại nơi thử nghiệm bay sáng nay 

Sau gần 2 tiếng đồng hồ bay ở độ cao cận vũ trụ, phi thuyền mang theo 3 con chuột đã trở về trái đất an toàn trong niềm vui bất tận của nhóm nghiên cứu, chế tạo.

Dự án chế tao khí cụ bay tầng bình lưu được liên kết với tập đoàn InGenius của Singapore.

Chanel News Asia dẫn lời ông Lim Seng, nhà sáng lập đồng thời là Giám đốc quản lý của tập đoàn InGenius cho biết 3 con chuột vẫn an toàn trở về sau chuyến đi qua cả giới hạn Armstrong (độ cao mà áp suất không khí cực thấp) bằng cách sử dụng kinh khí cầu tầng bình lưu.

 
Video: Đưa chuột lên vũ trụ bằng phi thuyền không người lái

Thí nghiệm này được xem như một hoạt động kiểm tra trước khi nhóm nghiên cứu đưa con người bay vào không gian trong thời gian tới, dự kiến diễn ra tại thị trấn Spring (Australia).

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Quốc phòng xem xét, cấp phép bay thử nghiệm trình diễn khí cụ bay tầng bình lưu của Công ty trên theo quy định hiện hành.

Trả lời báo VTC News, Thạc sỹ Phạm Gia Vinh cho biết dự kiến nhóm sẽ tiến hành bay trình diễn tại Bình Dương sau khi được phép chính thức của Bộ Quốc phòng. Địa điểm bay phù hợp vẫn đang được gấp rút tìm kiếm.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam rất quan tâm đến dự án này. Ông đã gặp gỡ với Phạm Gia Vinh để nghe anh trực tiếp trình bày nghiên cứu cũng như những dự định liên quan đến dự án khoa học đầy tham vọng của chàng trai trẻ đam mê bay.

 
Video: Phạm Gia Vinh và cộng sự chế tạo phi thuyền
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp nghe Phạm Gia Vinh trình bày dự án khoa học đầy tham vọng của mình
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp nghe Phạm Gia Vinh trình bày dự án khoa học đầy tham vọng của mình 

Sau đó, Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Quân cùng các chuyên gia khoa học hàng không cũng đã có buổi gặp gỡ Phạm Gia Vinh để lắng nghe đề xuất, giúp đỡ anh trong quá trình chế tạo và thử nghiệm khí cụ bay tầng bình lưu.

TS Vũ Quốc Huy, Phó trưởng Bộ môn Kỹ thuật Hàng không & Vũ trụ, Viện Cơ khí Động lực, ĐH Bách khoa Hà Nội đánh giá đây sẽ là một bước tiến vượt bậc của Việt Nam trong nghiên cứu khoa học hàng không vũ trụ. 

Với tầm bay từ 30 đến 50 km, thiết bị này cho phép thực hiện các thí nghiệm y học, môi trường, nghiên cứu khí quyển cao của trái đất. 

Khí cụ bay này cũng có thể mang các thiết bị quan sát, nghiên cứu tia vũ trụ và mang các thiết bị nghiên cứu ở môi trường cận vũ trụ. Khí cụ còn có thể kiểm nghiệm các thiết bị vệ tinh (camera, ăng ten, radar v.v.) trước khi tích hợp và đưa ra ngoài không gian.

Ở độ cao khoảng 30 km, thiết bị này sẽ giúp các nhà khoa học dễ dàng quan sát, nghiên cứu sự hình thành, đường đi của các cơn bão. Ưu điểm của thiết bị này có thể chuyển dữ liệu về nhanh hơn vệ tinh bằng cách gửi trực tiếp hình ảnh thu thập được về trái đất.

Trong lĩnh vực an ninh thông tin, khi vệ tinh hỏng có thể sử dụng khí cụ bay như một trạm thu, phát sóng trong thời gian một tuần để phục vụ sửa chữa. Bên cạnh đó, khí cụ bay có thể làm các hệ thống radar phục vụ cho Quốc phòng và nghiên cứu khoa học.

 
Video: Quy trình sản xuất phi thuyền Việt Nam thử nghiệm thành công vào không gian
Theo Hải Nam (VTC.vn)