Số ca mắc ở Việt Nam:
- Tính đến 6h ngày 20/10: Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay: 551 ca tại 15 tỉnh, thành phố gồm: Đà Nẵng (389), Quảng Nam (96), Hải Dương (16), Hà Nội (11), TP. Hồ Chí Minh (08), Quảng Trị (07), Bắc Giang (06), Quảng Ngãi (05), Lạng Sơn (04), Đắk Lắk (03), Đồng Nai (02), Thái Bình (01), Hà Nam (01), Thanh Hóa (01) và Khánh Hòa (01). Đến nay, các ổ dịch đã được kiểm soát ở tất cả các địa phương ghi nhận ca bệnh.
- Tính từ 18h ngày 19/10 đến 6h ngày 20/10: 0 ca mắc mới, trong đó có 0 ca nhập cảnh được cách ly ngay.
Đến hôm nay Việt Nam đã bước sang ngày thứ 48 không ghi nhận ca bệnh COVID-19 ngoài cộng đồng.
Riêng tại Hà Nội, theo Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 17/8 đến nay, đã 63 ngày, Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19 ngoài cộng đồng.
Tại TP Hồ Chí Minh, đến nay, đã 80 ngày không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19 ngoài cộng đồng.
Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 13.537, trong đó:
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 148
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 12.277
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 1.112
Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã chữa khỏi 1.046 bệnh nhân/1.140 bệnh nhân COVID-19.
Tiểu ban Điều trị cũng cho biết đến thời điểm này nước ta không còn trường hợp bệnh nhân COVID-19 nào nặng.
Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2: 10 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 3 ca, số ca âm tính lần 3 là 5 ca.
Số ca tử vong ở nước ta đến nay là 35 ca, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (03) và Quảng Trị (01).
Có tình trạng chưa thực hiện đúng các quy định và hướng dẫn về phòng chống dịch
Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch COVID-19 chiều qua, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cơ bản các ổ dịch đã được kiểm soát, tuy nhiên, nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập luôn thường trực, đặc biệt khi tăng số lượng các chuyến bay đưa công dân Việt Nam và chuyên gia về nước (trong đó có các chuyến bay thương mại, quốc tế). Ngoài ra, thời gian tới là mùa Đông, Xuân, điều kiện thời tiết thuận lợi cho một số các bệnh truyền nhiễm phát triển, lây lan.
“Hiện nay Bộ Y tế đã ban hành rất nhiều hướng dẫn liên quan đến vấn đề này. Tuy nhiên, trong thời gian qua, khi tiến hành kiểm tra lại một số nội địa phương, đơn vị, có tình trạng chưa thực hiện đúng các quy định và hướng dẫn. Có tình trạng lơ là trong vấn đề cách ly, đặc biệt chưa theo dõi, giám sát chặt chẽ những trường hợp cách ly trong cộng đồng và tại gia đình”, Quyền Bộ trưởng nêu rõ.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị các tình huống dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng, về cách ly, giám sát, xét nghiệm, thu dung điều trị, chuẩn bị những vấn đề an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, các địa phương tăng cường năng lực về nhân lực, cơ sở vật chất trong xét nghiệm COVID-19 do tốc độ xét nghiệm hiện nay có xu hướng chậm lại, khoảng 1.500 - 2.500 mẫu/ngày; thực hiện đúng theo phương châm “4 tại chỗ”.
Đồng thời, công tác tuyên truyền tiếp tục chú trọng, tăng cường truyền thông thông điệp 5K, trong đó bắt buộc đeo khẩu trang tại những nơi công cộng.
HP (Nguoiduatin.vn)