Loạt bài điều tra hồi tháng 8/2014 của Tiền Phong phản ánh, người tham gia kỳ thi tuyển công chức tại Cục QLTT biết trước đề thi, người trúng tuyển chủ yếu là con, cháu lãnh đạo ngành Công Thương. Danh sách thí sinh trúng tuyển (công bố kèm theo công văn số 21 của Cục QLTT ngày 24/12/2013) 10 người.
Cục QLTT - Bộ Công Thương, nơi để xảy ra sai phạm nghiêm trọng trong kỳ thi tuyển công chức gây nhức nhối dư luận một thời gian dài. Ảnh: Như Ý. |
Tại thời điểm tháng 8/2014, qua điều tra, PV phát hiện trong 10 thí sinh trúng tuyển có nhiều người là con, cháu lãnh đạo ngành Công Thương. Cụ thể, thí sinh Đỗ Mạnh Quân (sinh ngày 30/4/1989, đạt 351 điểm vị trí trúng tuyển: Phòng Tuyên truyền và Quan hệ đối ngoại) là cháu ông Đỗ Thanh Lam, Phó bí thư Đảng ủy, Phó cục trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Cục QLTT. Thí sinh Đào Ngọc Thắng (sinh ngày 7/10/1989, 310 điểm trúng tuyển vào Phòng Chống buôn lậu) là cháu ông Đào Minh Hải, nguyên Cục phó QLTT, nguyên Chánh văn phòng Bộ Công Thương; thí sinh Lưu Bách Trường (sinh ngày 26/5/1990, 327 điểm, trúng tuyển vào Phòng Chống hàng giả) là con ông Lưu Bách Chiến, Đội trưởng Đội QLTT số 2, Chi cục QLTT Hà Nội...
Đáng ra phải khởi tố vụ án
Ngày 14/6, trao đổi với PV, nguyên một lãnh đạo Cục QLTT cho biết, ông Trương Quang Hoài Nam trước khi được luân chuyển vào làm Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ là Cục trưởng QLTT, là Chủ tịch Hội đồng thi tuyển công chức. “Sai phạm của ông Nam là nặng nhất. Bộ Công an đã điều tra chỉ rõ; Bộ Nội vụ có kết luận thanh tra rõ ràng. “Nhưng không hiểu được bưng bít kiểu gì, ông Nam vẫn được luân chuyển vào Cần Thơ làm Phó chủ tịch thành phố”, vị này nói.
Cũng theo vị này, người sai phạm tiếp theo là ông Trịnh Văn Ngọc (đang là Cục trưởng QLTT). Tại thời điểm đó, ông Ngọc là Phó Cục trưởng kiêm Phó chủ tịch Hội đồng thi tuyển công chức. “Cũng như ông Nam, sai phạm của ông Ngọc đã quá rõ ràng nhưng lãnh đạo Bộ Công Thương không những không xử lý, còn cho Phụ trách Cục QLTT một thời gian rồi bổ nhiệm làm Cục trưởng”, vị này nói.
Theo ông Cương, sau đó, Bộ Công Thương tổ chức thi tuyển lại, nhưng thực ra cũng chỉ để hợp lý hoá kỳ thi công chức sai phạm trước đó, nhằm tránh bị thí sinh kiện tụng.
Điều động kiểu “túm tóc lôi lên”
Xung quanh việc điều động con trai nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, có thể vì biết Vũ Quang Hải là con trai của ông Hoàng, nhưng cả một tập thể Ban cán sự lãnh đạo Bộ Công Thương cũng không có một sự đấu tranh nào trong chuyện này.
“Tại sao lại có sự đồng thuận ở đây? Đây chính là trường hợp mà dân gian người ta thường gọi là “túm tóc lôi lên”. Tức là vừa mới ra trường, đưa ngay về vị trí lãnh đạo doanh nghiệp. Làm một vài năm, doanh nghiệp thua lỗ nghiêm trọng lại tìm đường chạy. Chạy xong lại nhảy về công chức. Về công chức ngồi vị trí lãnh đạo cấp vụ ngay. Cấp vụ chán, một thời gian sau, thấy chỗ nào trống mà hay hơn lại bắt đầu đưa đi”, ông Cương nói.
“Lẽ ra trong vụ việc sai phạm thi tuyển công chức tại Bộ Công Thương, nếu làm đến cùng phải xem lại tư cách đạo đức của ông Trương Quang Hoài Nam. Đây là người phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Ngoài ra, phải xem xét lại việc luân chuyển đối với ông Nam cũng như việc cất nhắc ông Trịnh Văn Ngọc lên làm Cục trưởng QLTT”. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương |
Theo Phong Cầm (Tiền Phong)