Sách giáo khoa là bộ sách được xem là chuẩn mực trong việc dạy học. Vì vậy bất kỳ lỗi sai nào trong sách giáo khoa đều ảnh hưởng lớn tới sự tiếp nhận kiến thức của con trẻ. Đặc biệt là những bộ sách dành cho học sinh Tiểu học, khi mà các kiến thức cần được diễn đạt một cách dễ hiểu, dễ tiếp thu nhất.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, liên tiếp các bài tập trong sách giáo khoa lớp 1 được chia sẻ trên mạng xã hội và gây tranh cãi.
Dạy tiếng Việt nhưng lại… dùng sai từ
Cụ thể, trong bài số 31 (môn tiếng Việt, bộ sách Cánh diều) đến bài học về vần “ua, ưa”, sách đã đưa ví dụ về từ chứa vần này. Trong đó, gây tranh cãi là từ “dưa đỏ”, đi kèm là hình minh họa của… quả dưa hấu! Chưa từng có ai gọi quả dưa hấu là dưa đỏ!
Ngoài ra, một bài tập đọc khác cũng trong bộ sách này là "Quạ và chó" cũng sử dụng nhiều từ khó và ít khi được sử dụng. Ví dụ như "khổ mỡ", "cuỗm", "tợp",... rất khó để trẻ lớp 1 có thể đọc hiểu. Chưa kể tới nội dung của bài học là dạy trẻ cách lừa đảo, lươn lẹo.
Câu chuyện bé Hà bị ho nhưng bà lại… bế bé Lê
Vừa qua, một trang sách về bài tập đọc trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 được chia sẻ bởi nội dung khiến chính các phụ huynh vô cùng hoang mang.
Cụ thể, trong trang sách có ba nhân vật là bà - bé Hà - bé Lê. Hà là chị của bé Lê, cậu bé vừa tỉnh dậy ngồi trên giường. Ở bức hình thứ nhất khi Hà bị ho, cô bé đã với bà rằng: "Hà ho, bà ạ". Nhưng thay vì chăm sóc Hà thì ở bức hình 2, bà lại ra dỗ cậu bé trên giường và nói: "Để bà bế bé Lê đã".
Chỉ qua vài bức tranh và một số câu hội thoại, chúng ta đều có thể nhận ra là nhân vật bà và bố đều dành nhiều tình cảm và sự quan tâm tới cậu con trai là bé Lê hơn bé Hà. Có thể câu chuyện mang ý nghĩa là anh chị em trong nhà nên nhường nhịn lẫn nhau, tuy nhiên nếu các bé lớp 1 tự đọc bài thì rất dễ hiểu lầm.
Phụ huynh Trung Đức (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Thực sự đọc bài cảm thấy rõ sự “trọng nam khinh nữ” bởi bé Hà bị cho “ra rìa” bởi chính những người thân thiết trong gia đình. Nếu bài tập đọc này để cho các bé tự đọc thì rất dễ hiểu theo hướng đó. Những người biên soạn đáng lẽ nên nhạy cảm hơn mới phải!”.
Bài học dạy trẻ… gian dối, lươn lẹo?!
Trong cuốn Tiếng Việt, tập 1, bộ sách Cánh diều, nhiều phụ huynh phản ánh bài tập đọc Hai con ngựa cũng có nội dung khá phản cảm. Cụ thể, bài tập đọc như sau:
“Bác nông dân nọ có một con ngựa tía, một con ngựa ô. Ngựa tía biếng nhác. Còn ngựa ô làm lụng vất vả. Một đêm, ngựa tía thắc mắc:
- Chị làm hùng hục như thế để làm gì?
Ngựa ô ngạc nhiên: Không làm thì ông chủ mắng
- Chủ mà giục em làm, em sẽ trốn.
Ngựa ô lẩm bẩm: “Có lí lắm”
Theo đó, bài tập đọc này có phần “xúi” trẻ nên “trốn việc” khi ngựa ô vốn đang chăm chỉ làm việc lại đáp lời “Có lí lắm” khi ngựa tía nói “Chủ mà giục em làm, em sẽ trốn”.
Một phụ huynh bức xúc: “Dạy học sinh các từ chăm chỉ, lười biếng nhưng lại lấy một câu chuyện phản giáo dục, với chiêu trò của 2 con ngựa chỉ nhau cách trốn việc, làm việc thiếu trách nhiệm. Học sinh sẽ học, phát triển tư duy năng lực thế nào từ những câu chuyện tích hợp trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 như thế này? Tôi thật sự lo lắng”.
Cũng trong cuốn sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 bộ sách Cánh diều, ở bài 63 - Ôn tập với phần Tập đọc là truyện dân gian Việt Nam có tên Cua, cò và đàn cá. Câu chuyện này cũng có nội dung gây tranh cãi:
“Cò kiếm ăn ở ven hồ. Gặp cá rô, nó ra vẻ thật thà: Dăm hôm nữa, hồ bị tát cạn, cá tôm sẽ bị bắt hết.
Đàn cá nhờ cò giúp. Cò hứa đưa đàn cá đến xóm bên. Lũ cá nghe cò. Thế là cò dần dần chén hết đàn cá”.
Nhiều phụ huynh cho rằng, nếu nhằm mục đích ôn tập, rèn luyện kỹ năng đọc và vốn từ thì chúng ta có rất nhiều câu chuyện nhân văn, có ý nghĩa giáo dục khác. Nhưng các nhà biên soạn lại lấy những câu chuyện có tính chất lừa lọc, gian xảo, mưu mẹo,... cho trẻ nhỏ đọc.
Chị Thanh Huyền (Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: “Nhiều khi dạy cho con mà mình không biết nên giải thích câu chuyện như thế nào. Ngày xưa chương trình hay bao nhiêu giờ thì toàn những bài tập nhảm nhí”.
Theo H.M (thoidaiplus.giadinh.net.vn)