In mới nhưng nội dung vẫn cũ?
Cuối tuần qua, trước sự quan tâm của dư luận về tình trạng in ấn và phát hành SGK lâu nay, NXB Giáo dục Việt Nam đã có những thông tin liên quan đến vấn đề này.
Theo đó, xung quanh những ý kiến về việc SGK thay đổi liên tục hàng năm, ông Hoàng Lê Bách- Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam khẳng định, nội dung SGK được giữ ổn định từ khi biên soạn bộ sách vào năm 2002 đến nay, NXB không được phép tự ý thay đổi hoặc thiết kế thêm phần nội dung của SGK để học sinh viết vào dẫn tới sách phải bỏ đi sau mỗi năm học.
Theo ông Bách, trong trường hợp có những thay đổi lớn về quản lý nhà nước hoặc có những phát hiện mới trong khoa học ảnh hưởng sâu rộng cần phải điều chỉnh, Bộ GDĐT sẽ chỉ đạo chỉnh sửa, cập nhật nội dung SGK.
Ông Bách cũng cho biết, trong nhiều năm qua, NXB Giáo dục Việt Nam đã phát động và duy trì phong trào sử dụng lại SGK cũ. Thực tế mỗi năm có gần 35% lượng SGK cũ được học sinh (HS) sử dụng lại. Ông Bách cũng khẳng định: SGK không thiết kế để HS viết vào sách.
Tuy nhiên, trên thực tế lượng HS sử dụng lại sách cũ tại Hà Nội và các thành phố lớn không nhiều. Việc HS viết vào sách, kể cả SGK và sách bài tập ở nhà, bài tập tham khảo là có thật. Trong “rổ” tiêu dùng đầu năm học mới, một trong những khoản chi bắt buộc cho mỗi HS đều bao gồm tiền mua một bộ SGK mới. Như vậy ai đã bắt HS viết vào SGK, ai đã bắt HS bỏ tiền mua SGK mới hàng năm?…
Điều đáng nói là theo lý giải của đại diện NXB Giáo dục Việt Nam, nếu SGK không hề thay đổi về nội dung, thì tại sao lại phải thường xuyên in và phát hành SGK mới. Trong khi lẽ ra mỗi một lần in mới, những số liệu liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội cũng cần được cập nhật để những bài học của thầy - trò sinh động và bám sát thực tiễn hơn. Đơn cử một ví dụ rất nhỏ, như trong cuốn SGK Địa lý lớp 10 nâng cao đang được lưu hành, những số liệu dẫn chứng cho sự phát triển và phân bố của ngành giao thông vận tải ở nước ta hiện vẫn dừng lại ở năm 2003.
So với thực tiễn, những con số này đã cũ những 15 năm. Hay những bài học về Lịch sử trong SGK lớp 9, số liệu về tình hình dân số của Cuba được cập nhật từ năm 2000. Hoặc những thông tin, số liệu trong cuốn Atlat về Lịch sử, Địa lý hiện vẫn dừng lại ở năm 2008.
Sử dụng hiệu quả sách tham khảo
Lâu nay, chiếc cặp của HS tiểu học quá nặng, âu cũng bởi ngoài 2 môn học chính là Toán và Tiếng Việt, các em còn phải “cõng” thêm vô số những cuốn sách tham khảo. HS lớp 1 có đến gần chục đầu sách tham khảo, bổ trợ.
Đặc biệt, nhiều nơi còn có sách dành riêng cho HS tại địa phương. Cuối năm học cũ, hầu hết các nhà trường đều đưa ra danh mục những đầu sách, đồ dùng học tập cần mua. Dù mới học lớp 1, các em phải mua nhiều loại sách khác nhau, đến phụ huynh cũng không nhớ hết tên. Danh mục SGK và sách bổ trợ cho HS lớp 1 tại Hà Nội lên đến 24 cuốn.
Trong đó, có đến 7 cuốn sách bổ trợ là vở luyện chữ đẹp quyển 1, luyện đọc hỗ trợ học vần, Thực hành mỹ thuật 1/1 (theo định hướng phát triển năng lực), Thực hành mỹ thuật 1/2 (theo định hướng phát triển năng lực), Thực hành Tiếng Việt và Toán lớp 1/1, Thực hành Tiếng Việt và Toán lớp 1/2, Ôn tập kiểm tra đánh giá năng lực học sinh môn Tiếng Việt 1/1.
Trong bộ SGK đã có cuốn Tập bài hát nhưng trường vẫn yêu cầu mua thêm cuốn Âm nhạc Hà Nội. Không cần biết sách có cần thiết cho HS không nhưng nhà trường đã đưa ra thì phụ huynh buộc lòng phải mua.
Hay với HS lớp 3, bộ SGK cũng kèm thêm rất nhiều cuốn sách tham khảo như Âm nhạc Hà Nội, Giáo dục phòng chống bạo lực học đường, Giáo dục an toàn giao thông, Giáo dục quyền và bổn phận của trẻ em, Thực hành kỹ năng sống, Giáo dục nếp sống thanh lịch- văn minh… Trong khi thời khóa biểu của nhiều trường không thấy phân bổ những tiết học liên quan tới SGK tham khảo. Sự lãng phí đã được nhìn thấy rõ, gần như những cuốn sách tham khảo ấy còn mới nguyên cho đến khi các cháu chuyển sang năm học tiếp theo.
Tại buổi chia sẻ thông tin cuối tuần qua, vô số những băn khoăn về trách nhiệm, vai trò của NXB cũng như các công ty thành viên trong việc phát hành tài liệu tham khảo tới các trường học đã được đặt ra. Chẳng hạn, NXB Giáo dục Việt Nam có trách nhiệm thế nào khi hiện nay các bộ SGK bán trong trường học đều được kèm theo các vở bài tập; NXB có khẳng định chắc chắn rằng chỉ đưa danh mục SGK chứ không có thêm các tài liệu tham khảo, sách bổ trợ khác tới các nhà trường; các đơn vị thành viên của NXB tự ý đưa vào danh mục SGK những tài liệu khác khiến phụ huynh “không biết đâu mà lần” thì NXB sẽ giải quyết như thế nào? Đại diện NXB Giáo dục Việt Nam giải thích đơn vị này không phát hành SGK tới các trường học, mà đó là công việc của các công ty phát hành sách ở địa phương.
Trong khi đại đa số các trường học hiện nay đều có hệ thống thư viện phục vụ học sinh. Các trường học ở thành phố đều tổ chức học bán trú, các em cũng có điều kiện đọc sách ở thư viện nhiều hơn. Như vậy lẽ ra sách tham khảo là sách tự nguyện, ai cần có thể đọc thêm ở thư viện nhà trường, không nên ghép và ép chung vào với bộ SGK.
Bày tỏ lo ngại về lợi ích nhóm khi triển khai viết SGK cho chương trình GDPT mới tới đây, PGS Phạm Tất Dong chia sẻ: Trong khi chờ đợi ban hành chương trình, có NXB hiện đã tổ chức viết trước, sau đó sẽ chỉnh sửa. Như vậy, chẳng phải đã đón đầu trước rồi? Nhưng trên thực tế, làm sao họ biết chương trình được duyệt như thế nào mà viết? Sẽ nghi ngờ có tay trong chứ? Cho dù một chương trình, nhiều bộ SGK thì các nhóm viết vẫn phụ thuộc vào các NXB. Nếu giữa họ có những ràng buộc nào đó thì độc quyền đúng là sẽ chuyển sang lợi ích nhóm, người nhiều người ít tất sinh ra đấu đá…
Theo Minh Quang (Daidoanket.vn)