Rút phần trả lời chất vấn trực tiếp của Thủ tướng

12/06/2017 19:15:00

Chương trình các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ ba của Quốc hội vừa được điều chỉnh ngày 12/6 không còn thời lượng dành cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp đăng đàn vào cuối giờ chiều ngày 15/6 như chương trình dự kiến trước đó.

Chương trình các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ ba của Quốc hội vừa được điều chỉnh ngày 12/6 không còn thời lượng dành cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp đăng đàn vào cuối giờ chiều ngày 15/6 như chương trình dự kiến trước đó.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ không trực tiếp đăng đàn tại phiên chất vấn kỳ họp này?

Ở chương trình được quyết định một tuần trước, UB Thường vụ Quốc hội xếp lịch từ 16h05 đến 16h45 ngày 15/6 (trong khoảng 40 phút) để Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu ý kiến và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, sau phần đăng đàn của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình – người được Thủ tướng uỷ quyền trả lời chất vấn trước Quốc hội kỳ họp tại này.

Nay, theo chương trình đã được điều chỉnh thì phần trả lời chất vấn của Phó thủ tướng Trương Hoà Bình sẽ kéo dài từ 14h đến 16h45 chiều 15/6.

Trước đó, cuối mỗi phiên chất vấn bốn vị bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hoá - thể thao và du lịch, Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, các Phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực đều thay mặt Thủ tướng trả lời những chất vấn thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ.

Các Phó thủ tướng sẽ cùng “chia lửa” với các Bộ trưởng trong các phiên chất vấn 4 tư lệnh ngành là Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

Theo tập hợp của Tổng thư ký thì tại kỳ họp này có rất nhiều vấn đề đại biểu muốn chất vấn người đứng đầu cơ quan hành pháp, trong đó có tình trạng bội chi ngân sách nhà nước, nợ công tăng và ở mức cao, giải pháp khắc phục.

Các đại biểu cũng muốn chất vấn người đứng đầu Chính phủ về tiết kiệm chi thường xuyên, kết quả và giải pháp thực hiện. Vấn đề thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng; tái cơ cấu nông nghiệp (quy hoạch vùng, cơ cấu sản phẩm, nguồn lực, thị trường về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng, chống sạt lở khu vực đồng bằng Sông Cửu Long).

Một số đoàn đại biểu còn muốn chất vấn Thủ tướng về giải pháp xử lý các khoản nợ xấu, các dự án thua lỗ kéo dài, trong đó làm rõ việc xử lý 12 đại án tham nhũng và giải pháp thu hồi tài sản bị thất thoát. Đại biểu cũng muốn người đứng đầu Chính phủ trả lời về hướng xử lý các dự án “nghìn tỷ” đắp chiếu và việc xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng đó; giải quyết những dự án đầu tư không hiệu quả, doanh nghiệp thua lỗ kéo dài được Chính phủ báo cáo tại kỳ họp thứ 2 đến nay (10 dự án thua lỗ lớn, thoái vốn nhà nước, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước).

Bên cạnh chất vấn trực tiếp khi Thủ tướng đăng đàn, một số vị đại biểu cũng gửi văn bản chất vấn Thủ tướng và các thành viên Chính phủ khác.

Theo P.Thảo (Dân Trí)

Nổi bật