Trải qua bao năm tháng, khu tập thể cũ kỹ này đã bị xuống cấp nhiều và hiện tại đang là mối lo ngại của khoảng 50 nhân khẩu tại đây về việc mất an toàn và nguy cơ đổ sập. |
Khu tập thể nhìn từ tầng 1. |
|
Cót ép, bạt, gỗ ép được tận dụng để che chắn mưa gió và bụi cho khu tập thể. |
Có mặt tại khu tập thể này vào một buổi chiều đầu đông, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự dột nát, cũ kỹ, xuống cấp của khu tập thể này. Đặc biệt, khu tập thể được xây dựng bằng vôi vữa, kết hợp với khung thép, mái được lợp tấm lớp xi măng thay vì đổ bê tông như bao khu tập thể khác nên đã bộc lộ nhiều hạn chế.
Trong quá trình sinh sống, các hộ dân sinh sống buộc phải đối phó với việc tường bị bong tróc, nước bị thấm, mưa dột hoặc giữ an toàn khi sinh sống tại đây. |
Dãy đối diện trên tầng 2 người dân cũng buộc phải dùng gỗ để đỡ mái nhà. |
Chính vì vậy, các hộ dân buộc phải sử dụng bạt, cót ép, gỗ, tấm nhựa để che chắn để tránh mưa, tránh bụi, tránh vết đổ nứt rơi xuống. Không chỉ thế, ở con ngõ phía đối diện khu tập thể, đường được cơi nới nên những hộ gia đình sống ở tầng 1 bị thụt xuống dưới đến 20cm so với mặt đường. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt của người dân.
|
Một gia đình trên tầng 2 phải dùng bạt che chắn mưa và tránh bụi bẩn rơi xuống. |
Tiếp chúng tôi, bà Minh – một người dân sống tại tầng 2 cho biết: “Nhà xuống cấp quá, mái lại làm bằng tấm lợp xi măng nên mưa gió lâu ngày bị thủng nên đã xảy ra việc mưa dột. Chính vì vậy, một số gia đình buộc phải sử dụng bạt, cót ép hay gỗ để đỡ mái, tránh nước mưa cũng như tránh bụi, đỡ khung nhà chứ không sẽ sợ sập”. |
Khu tập thể được đỡ bằng dầm thép nhưng hiện tại khung thép đã có dấu hiệu mối mọt. |
Không chỉ thế, ngay cả lối hành lang của khu tập thể cũng bị mục nát khiến một số người dân buộc phải sử dụng các biện pháp tạm thời để chống đỡ. Những căn hộ tập thể ở đây trung bình chỉ khoảng 20 mét vuông/hộ do nhà được phân theo diện chính sách.
Ông Phạm Duy Mỹ, sống tại phòng 204, Tập thể Viện 108 từ năm 1997 đến nay cho biết, căn hộ gia đình ông đang ở chỉ rộng chừng 18m2. Sau mỗi mùa mưa bão, nhiều vị trí trần nhà lại bị thấm dột. Những năm qua, ông đã nhiều lần phải thuê người tu sửa căn hộ để bảo đảm an toàn cho gia đình. |
Nhà dựng tạm bợ bằng tấm nhựa trên tầng 2. |
Về việc duy tu bảo dưỡng nhà, người dân vô cùng bức xúc khi hàng chục năm qua, chưa có bất cứ lần nào đơn vị quản lý tòa nhà tổ chức khảo sát, sửa chữa. Các hộ phải tự bỏ tiền túi cải tạo các hạng mục hư hỏng để bảo đảm an toàn.
Nói về điều này, ông Bùi Quang Khải – Chủ tịch UBND phường Thanh Lương cho biết, khu nhà là một trong những trọng điểm về an toàn nhà ở dân cư trên địa bàn. Nắm bắt được nguy cơ có thể đổ sập bất cứ lúc nào của khu nhà, UBND phường đã bố trí trụ sở Công an phường, các trường Tiểu học Thanh Lương, THCS Hai Bà Trưng để sẵn sàng địa điểm sơ tán các hộ sinh sống tại khu tập thể khi có thông tin mưa bão khẩn cấp.
Để bảo đảm an toàn cho cuộc sống người dân về lâu dài, phường cũng đã có nhiều văn bản báo cáo, đề xuất UBND quận Hai Bà Trưng, sở ngành liên quan và trực tiếp là Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 – đơn vị quản lý tòa nhà sớm xem xét và có biện pháp xử lý. |
Hình ảnh tạm bợ, bệ rạc, mất an toàn của khu tập thể này nhìn từ dưới lên. |
Được biết, vào hồi tháng 9 vừa rồi, UBND quận Hai Bà Trưng đã phối hợp với Sở Xây dựng, Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà Hai Bà Trưng và UBND phường Thanh Lương tổ chức xuống kiểm tra hiện trạng công trình nhà tập thể Viện 108.
Bằng trực quan nhận thấy, kết cấu khung thép đã han gỉ, tường gạch ẩm mốc xuất hiện nhiều vết nứt, nền nhà bong, mái lợp xi măng đã hư hỏng ngấm dột, xà gồ mái bằng gỗ đã mối mọt. Hiện trạng công trình đã xuống cấp nghiêm trọng, có dấu hiệu nguy hiểm.
Trong thời gian tới các cơ quan chức năng sẽ có hướng xử lý. Các hộ gia đình sống ở đây chỉ còn cách khắc phục để "sống chung" chờ ngày có khu này được cải tạo nâng cấp.
Theo Lê Bảo (aFamily.vn/Trí thức trẻ)