Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Giáp Thìn 2024, để chào đón năm con rồng, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát, trú tại làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) đã cho ra mắt bộ sưu tập 1.000 tác phẩm mang hình tượng rồng. Trong đó, thu hút sự chú ý hơn cả là chiếc ghế hình rồng được mạ vàng.
Anh Phát cho biết, bộ sưu tập 1.000 tác phẩm này có tên gọi là “con Rồng cháu Tiên” được làm từ nhiều chất liệu như gỗ, sơn mài, gốm, kim loại, thể hiện sự đa dạng của nghề truyền thống, sắp đặt thể hiện câu chuyện từ truyền thuyết nói về xuất thân của người Việt.
“Truyền thuyết “con Rồng cháu Tiên” nói về xuất thân của người Việt là nòi giống rồng tiên, rồng chỉ Lạc Long Quân, tiên chỉ Âu Cơ. Đây cũng là tên gọi dùng trong thơ ca Việt Nam với hàm ý thể hiện sự đoàn kết giữa các dân tộc trên đất nước Việt Nam”, anh Phát phân tích.
Theo anh Phát, con rồng là hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hoá, tín ngưỡng của người Việt. Rồng được coi là biểu tượng linh thiêng, tượng trưng cho sức mạnh, quyền lực, may mắn, cũng là linh vật đứng đầu trong tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng).
Vì vậy, để chào đón năm 2024, anh đã bắt tay vào làm 1.000 tác phẩm mang ý nghĩa con rồng cháu tiên, vừa dùng để trưng bày vừa bán cho khách tham quan có nhu cầu với giá từ 5-15 triệu đồng/sản phẩm.
Đặc biệt, chiếc ghế hình con rồng với 5 móng vững chãi và mạnh mẽ, đuôi rồng như lá bồ đề, tư thế uốn lượn như chuẩn bị bay lên, có giá lên tới 2 tỷ đồng.
“Chiếc ghế hình rồng cao 1,65 mét, cao 2 mét được thể hiện bằng chất liệu sơn mài trên gỗ lũa, mạ vàng 24k. Hình ảnh tiên được tôi sắp đặt rất nhiều trên khoảng không phía trên rồng thể hiện sự hoà hợp giữa rồng và tiên”, anh Phát cho hay.
Từ khi lên ý tưởng đến khi hoàn thành chiếc ghế hình rồng, anh Phát mất khoảng 2 năm. Ngoài ra, anh còn dùng hết khoảng 2.500 lá vàng, tương đương với 500g vàng 24k để đắp lên chiếc ghế “độc nhất vô nhị” này.
Bộ sưu tập “con Rồng cháu Tiên” được anh phát cho ra mắt vào ngày 9/12/2023 và trưng bày, bán, phục vụ khách thăm quan đến hết ngày 22/2/2024.
Trước đó, anh Phát cũng đã cho ra mắt bộ sưu tập 1010 tượng trâu sơn mài, 2.000 bức tượng hổ sơn mài, 2023 tượng mèo sơn mài để chào đón Tết Tân Sửu 2021, Tết Nhâm Dần 2022 và Tết Quý Mão 2023.
Theo Hồng Cảnh (Nguoiduatin.vn)