Rơi nước mắt với 6 giờ chạy đua mang quả tim từ Hà Nội vào Sài Gòn để ghép

03/07/2019 08:00:40

Một quả tim người vừa được vận chuyển bằng máy bay từ Hà Nội vào Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM để ghép cho bệnh nhân. Thời gian sống của quả tim chỉ được khoảng 6h từ khi lấy ra khỏi lồng ngực, nên việc vận chuyển quả tim này đến với bệnh nhân được xem là một hành trình chạy đua từng giây với thời gian.

Rơi nước mắt với 6 giờ chạy đua mang quả tim từ Hà Nội vào Sài Gòn để ghép
Việc vận chuyển quả tim vượt hàng nghìn cây số từ Hà Nội vào Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM là một hành trình chạy đua từng phút với thời gian. Ảnh: Huân Cao

Quả tim từ Hà Nội đã được ghép cho bệnh nhân ở Sài Gòn

Chia sẻ với Lao Động, đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy xác nhận, vào chiều tối 30.6 vừa qua, bệnh viện đã hoàn thành một ca ghép tim và đang chờ đợi tiến triển của kết quả ca ghép này.

Theo đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy, vào khoảng 16h chiều 30.6, quả tim của một người hiến tặng đã được vận chuyển bằng máy bay từ Hà Nội vào TP HCM.

Ngay sau đó đội ngũ y bác sỹ của bệnh viện cùng lực lượng cảnh sát giao thông và các đơn vị thuộc sân bay Tân Sơn Nhất tiếp cận ngay chân cầu thang ở máy bay để đưa thẳng đến Bệnh viện.

"Nhờ có lực lượng CSGT hộ tống dẫn đoàn, nên thời gian di chuyển quả tim từ sân bay Tân Sơn Nhất về Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ mất hơn 10 phút.

Ngay sau đó, đội ngũ y bác sỹ chuyên ghép tạng của Bệnh viện đã tiến hành ghép ngay quả tim cho bệnh nhân. Đây là lần thứ hai bệnh viện nhận tim từ Hà Nội chuyển vào, và là lần thứ tư bệnh viện ghép tim." - đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy nói.

Rơi nước mắt với 6 giờ chạy đua mang quả tim từ Hà Nội vào Sài Gòn để ghép - 1
Đoàn xe chở quả tim được CSGT hỗ trợ, rời sân bay tiến về Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: cắt từ clip Bệnh viện cung cấp

Chạy đua từng phút giây

Quả tim sau khi được lấy ra từ người hiến tặng vừa qua đời, đã được Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia (Hà Nội) làm thủ tục để chuyển đến Trung tâm Điều phối ghép bộ phận cơ thể người, thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy.

Tại đầu cầu Hà Nội, khoảng 12h trưa ngày 30.6 thùng y khoa đựng quả tim được vận chuyển bằng xe cấp cứu, có xe CSGT Hà Nội hộ tống, dẫn đường đi sân bay Nội Bài để kịp cất cánh chuyến bay lúc 14h.

Điều đáng nói, là thời gian để quả tim "sống được" từ lúc lấy ra khỏi lồng ngực người tặng, đến khi ghép vào bệnh nhân chỉ có khoảng 6h đồng hồ.

Chính vì vậy, việc vận chuyển quả tim là cả một hành trình chạy đua với thời gian, được tính từng phút, từng giây của các lực lượng được giao nhiệm vụ.

Trải qua hành trình bay 2h trên không, chuyến bay đặc biệt trên đã hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất lúc 16h cùng ngày. Ngay lập tức lực lượng an ninh hàng không Tân Sơn Nhất, CSGT TP HCM và các bác sỹ Bệnh viện được phép đi thẳng đến chân cầu thang máy bay để tiếp nhận chiếc thùng y khoa đựng quả tim.

Khi vừa nhận xong, cả đoàn nhanh chóng rời sân bay tiến về Bệnh viện Chợ Rẫy, dưới sự hộ tống của lực lượng CSGT dẫn đường.

Lực lượng CSGT luôn tính toán đi đường nào ngắn nhất, thời gian di chuyển nhanh nhất để đoàn sớm về Bệnh viện. Tất cả đều đang chạy đua với thời gian và được tính theo từng phút, từng giây.

Rơi nước mắt với 6 giờ chạy đua mang quả tim từ Hà Nội vào Sài Gòn để ghép - 2
Quả tim nhanh chóng chuyển vào khu ghép tạng của Bệnh viện Chợ Rẫy.

Cùng thời điểm này, tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Trưởng đơn vị Điều phối ghép bộ phận cơ thể người và Ban Giám đốc bệnh viện cũng đang chờ đợi từng phút.

Đi kèm với sự chờ đợi này là những phương án y khoa, cũng như những chỉ đạo kịp thời của Ban giám đốc Bệnh viện khi tiếp nhận "món quà đặc biệt" từ Hà Nội.

Đúng 16h20 ngày 30.6, đoàn đưa quả tim cập bến Bệnh viện. Ngay sau đó, quả tim nhanh chóng chuyển đến phòng ghép tạng để ekip bác sỹ và chuyên gia ghép tim tiến hành ghép ngay cho bệnh nhân.

Đến 20h tối cùng ngày mọi công tác cho ca ghép đã hoàn thành, lúc này đội ngũ y bác sỹ ca ghép và Ban giám đốc bệnh viện mới thở phào nhẹ nhõm.

Quả tim chỉ có thể bảo quản được 6 tiếng tính từ lúc lấy ra khỏi lồng ngực người cho đến khi ghép vào người nhận. Do vậy, việc vận chuyển quả tim trên vượt hàng nghìn cây số từ Hà Nội vào TP HCM, là một áp lực chạy đua với thời gian của đội ngũ y bác sỹ, lực lượng CSGT, ngành hàng không,... ở cả hai đầu Hà Nội và Sài Gòn.

Theo Huân Cao (Lao Động)