Ra quyết định cắt điện, nước quán Xin Chào là trái pháp luật

19/08/2016 21:32:00

Đó là khẳng định của các luật sư sau khi kiểm tra quyết định xử lý vi phạm hành chính xử lý vi phạm về xây dựng của ông Nguyễn Văn Tấn, chủ quán cà phê Xin Chào.

Đó là khẳng định của các luật sư sau khi kiểm tra quyết định xử lý vi phạm hành chính xử lý vi phạm về xây dựng của ông Nguyễn Văn Tấn, chủ quán cà phê Xin Chào.

Ông Nguyễn Văn Tấn, chủ quán cà phê Xin Chào, trả lời phỏng vấn của báo chí chiều 23-4 - Ảnh: Duyên Phan

Áp dụng văn bản hết hiệu lực

Luật sư Nguyễn Văn Quynh, Đoàn luật sư Hà Nội, nói: Quyết định của chủ tịch UBND thị trấn Tân Túc, H.Bình Chánh căn cứ vào nghị định 180/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật xây dựng về xử lý vi phạm xây dựng đô thị.

Vấn đề là nghị định này hướng dẫn thi hành Luật xây dựng năm 2003, Luật này đã hết hiệu lực thi hành và được thay thế bằng Luật xây dựng năm 2014.

Một nghị định hướng dẫn thi hành luật, luật đó đã hết hiệu lực thi hành thì đồng nghĩa với việc các văn bản hướng dẫn thi hành luật đương nhiên hết hiệu lực. Vậy mà chủ tịch UBND thị trấn Tân Túc lại căn cứ vào văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thi hành để ra quyết định thì rõ ràng là hành vi công vụ trái pháp luật, hay nói đúng hơn là người thực thi pháp luật mà vi phạm luật.

Theo luật sư Quynh, có thể cơ quan chức năng nói chung, cụ thể trong trường hợp này là chủ tịch UBND thị trấn Tân Túc đã căn cứ vào văn bản số 1401/BXD-TTr của Bộ Xây dựng ban hành ngày 26-6-2015 về việc xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng.

Trong văn bản này, Bộ Xây dựng dẫn các văn bản của Chính phủ, Bộ Tư pháp và thông báo cho cơ quan chức năng địa phương về việc áp dụng một số quy định của nghị định 180/2007/NĐ-CP. Văn bản này hướng dẫn do chưa có nghị định mới, hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng năm 2014 nên sẽ áp dụng một số quy định của nghị định 180 mà nội dung của nó không trái với Luật xây dựng năm 2014.

Tuy nhiên, dù hiểu và căn cứ vào văn bản hướng dẫn này, chủ tịch UBND thị trấn Tân Túc vẫn áp dụng sai. Vì quy định này thể hiện rõ nội dung: “Không áp dụng biện pháp ngừng cung cấp điện, nước, thông báo cho cơ quan có thẩm quyền không cung cấp các dịch vụ điện, nước, các hoạt động kinh doanh và các dịch vụ khác đối với công trình xây dựng vi phạm được quy định tại khoản 2, điều 4, nghị định số 180/2007/NĐ-CPcủa Chính phủ”.

Quy định tại Luật xây dựng năm 2014 cũng không cho phép cơ quan chức năng thực hiện việc cắt điện, nước của công trình xây dựng vi phạm nên việc ra quyết định yêu cầu các đơn vị liên quan cắt điện, nước của ông Tấn là vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, việc lập biên bản vi phạm, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính của chủ tịch UBND thị trấn Tân Túc với hành vi đặt container còn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật sai khác.

Khoản 10, điều 3, Luật xây dựng năm 2014 giải thích: “Công trình xây dựng là sản phẩm được tạo thành bởi sức lao động của con người, vật liệu xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình, được liên kết định vị với đất, có thể bao gồm phần dưới mặt đất, phần trên mặt đất, phần dưới mặt nước và phần trên mặt nước, được xây dựng theo thiết kế. Công trình xây dựng bao gồm công trình dân dụng, công trình công nghiệp, giao thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công trình hạ tầng kỹ thuật và công trình khác”.

Việc đặt một khúc container trên đất nông nghiệp thì có đủ điều kiện để áp dụng đó là công trình xây dựng hay không? 

Cần xem lại năng lực cán bộ

Chưa có căn cứ để nói rằng cơ quan chức năng thị trấn Tân Túc, cụ thể là ông chủ tịch UBND thị trấn Tân Túc có thù tức, hành động trả đũa việc ông Tấn kêu oan nhiều cán bộ có liên quan tới việc làm oan cho ông Tấn. Tuy nhiên, có thể thấy rõ việc hiểu, áp dụng văn bản quy phạm pháp luật ở không ít địa phương, cụ thể trong trường hợp này là UBND thị trấn Tân Túc là đáng báo động.

Một văn bản đã hết hiệu lực thi hành, luật cũng giải thích từ ngữ rất rõ về các khái niệm để những người thực thi áp dụng, thi hành mà vẫn bị hiểu sai, áp dụng sai như vậy là vô cùng đáng tiếc.

Luật sư Trần Hải Đức, Đoàn luật sư TP.HCM, cũng có chung quan điểm với luật sư Quynh, ông còn chia sẻ thêm: Theo điều 119, Luật xử lý vi phạm hành chính quy định các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính bao gồm:

1. Tạm giữ người;

2. Áp giải người vi phạm;

3. Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề;

4. Khám người;

5. Khám phương tiện vận tải, đồ vật;

6. Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

7. Quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất;

8. Giao cho gia đình, tổ chức quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

9. Truy tìm đối tượng phải chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong trường hợp bỏ trốn.

Theo quy định tại điều này, việc cắt điện, nước không phải là biện pháp ngăn chặn, bảo đảm xử lý vi phạm hành chính. Về bản chất, việc cung cấp điện, nước là quan hệ dân sự, kinh tế giữa doanh nghiệp điện lực và doanh nghiệp cấp nước với người dân, không theo mệnh lệnh hành chính. Các doanh nghiệp cung cấp điện, nước cũng không phải là đơn vị thừa hành quyết định hành chính của UBND.

Ngoài ra, Luật xây dựng năm 2014 cũng bỏ quy định về biện pháp ngừng cung cấp điện, cung cấp nước đối với công trình xây dựng vi phạm. Chủ tịch UBND thị trấn Tân Túc ban hành quyết định dựa vào các văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực, áp dụng các biện pháp chế tài trái phép như vậy cần phải được xem xét về trách nhiệm cũng như đánh giá lại về năng lực của cán bộ, công chức, kể cả người tham mưu, giúp việc cho vị chủ tịch thị trấn này.

Theo Gia Minh (Tuổi Trẻ)

Nổi bật