Sáng 3/4, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã họp trực tuyến triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
Các thành viên Ban chỉ đạo nhận định đến thời điểm hiện tại chúng ta vẫn kiểm soát được tình hình. Thời gian tới các địa phương cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu đúng, thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và các biện pháp phòng chống dịch để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan trong cộng đồng,...
Đồng thời Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu các địa phương phải xử lý nghiêm khắc các cơ quan, đơn vị, cá nhân thực hiện không tốt, các trường hợp vi phạm quy định về tổ chức cách ly y tế, phòng, chống dịch bệnh,… công bố công khai kết quả xử lý trên truyền thông để lên án các hành vi sai trái, làm gương cho xã hội.
Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu Bộ Y tế ban hành ngay văn bản yêu cầu các địa phương quan tâm đặc biệt đến công tác phòng chống dịch COVID-19 tại các trung tâm bảo trợ xã hội, nhà dưỡng lão…
Liên quan đến triển khai Chỉ thị 16, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh đây là giải pháp quan trọng, rất kịp thời và đúng thời điểm để ngăn chặn triệt để lây nhiễm trong cộng đồng.
Bản chất trong Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, "cách ly toàn xã hội là giãn cách xã hội" – Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh lại.
Việt Nam đã bước sang ngày thứ 3 thực hiện Chỉ thị số 16, người dân cả nước đồng lòng ủng hộ và thực hiện nghiêm túc. Các đại biểu nhấn mạnh, nếu thực hiện đúng, thực hiện nghiêm các chỉ đạo, chắc chắn chúng ta sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Theo Bộ Y tế, Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực trong vòng 15 ngày, đây là khoảng "thời gian vàng" để hạn chế tối đa dịch bệnh lây nhiễm trong cộng đồng. Nếu quyết liệt thực hiện cách ly toàn xã hội thì chúng ta sẽ hạn chế được tổn thất về tính mạng người dân.
Bộ Y tế nêu rõ, cách ly toàn xã hội không phải là ngăn cấm giao thông, "ngăn sông cấm chợ", chưa phải phong toả xã hội; chúng ta vẫn phải duy trì sản xuất, lưu thông hàng hoá an toàn – nhất là hàng thiết yếu, vật tư y tế, hàng hoá xuất khẩu, duy trì xuất khẩu bình thường bằng đường biển, đường bộ. Đồng thời, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin để làm việc tại nhà nhưng vẫn bảo đảm tốt tiến độ, chất lượng công việc.
Theo Bộ Y tế, Việt Nam vẫn đang kiểm soát được tình hình, vì vậy vẫn cần phải đảm bảo các vấn đề về sinh hoạt, sản xuất và kinh tế, xã hội. Tuỳ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh sẽ đưa ra các khuyến cáo, yêu cầu ở mức độ phù hợp.
Bộ Y tế đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục kêu gọi người dân thực hiện nghiêm các quy định về giãn cách xã hội và duy trì các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 của ngành y tế.
Về tình hình "ổ dịch" ở Bệnh viện Bạch Mai, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, chúng ta đã rà soát được toàn bộ số lượng các y bác sĩ, bệnh nhân và những người liên quan có khả năng nhiễm bệnh, qua đó tổ chức cách ly, xét nghiệm,… đến thời điểm hiện tại, cơ bản tình hình đã nằm trong tầm kiểm soát.
Cũng tại cuộc họp, đại diện Bộ Quốc phòng cho biết, thời gian qua Bộ đội Biên phòng đã tăng cường hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ để kiểm soát chặt chẽ công tác xuất nhập cảnh tất cả các tuyến biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở.
Nếu như trước đây, mỗi ngày có tới hàng nghìn lượt người nhập cảnh, thì trong những ngày gần đây số lượng công dân Việt Nam về nước từ các tuyến đường bộ đã giảm rõ rệt (còn dưới 1.000 người/ngày). Tất cả các trường hợp nhập cảnh được tổ chức tiếp nhận, cách ly theo đúng quy định. Tuy gặp nhiều khó khăn về địa hình, khí hậu, song quân đội cũng cố gắng hết sức để bảo đảm hậu cần lâu dài cho cán bộ, chiến sĩ trên các chốt ứng trực dọc biên giới.
Theo Thu Nguyên (Giadinh.net.vn)