Như tin đã đưa, tối 16/11, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký công điện số 23 về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP. Cụ thể, từ ngày 17/11, Hà Nội triển khai các biện pháp cao để kiểm soát chặt đối với người về từ các tỉnh, thành.
Theo Công điện hỏa tốc số 23 của UBND TP. Hà Nội, từ ngày 17/11, thành phố tăng cường cách ly, xét nghiệm đối với người về từ các tỉnh, thành phố khác.
Trong đó, đối với người đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh đi về từ khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao (cấp độ 4 và 3, tương ứng với màu đỏ và màu da cam) và các tỉnh, thành phố có số ca mắc cao như: TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai… cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú (có Quyết định cách ly của địa phương) trong vòng 7 ngày thay cho tự theo dõi sức khỏe tại nhà.
Một số ý kiến cho rằng, quyết định này sẽ ảnh hưởng tới tiến độ đi lại, công việc của nhiều người nếu đi công tác hoặc di chuyển tiếp mà Hà Nội là trạm dừng.
Trong khi đó, Hà Nội là đầu mối chính trị, kinh tế, nên nhu cầu đến Hà Nội làm việc trong thời gian ngắn rất lớn.
Lý giải về quyết định mới này của Hà Nội, ngày 17/11, báo Trí Thức Trẻ dẫn ý kiến của đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, Hà Nội thực hiện không trái với quy định tại Nghị quyết 128 của Chính phủ, Quyết định 4800 của Bộ Y tế về "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" và Công văn 8399 của Bộ Y tế (ban hành ngày 6.10) về việc áp dụng biện pháp phòng, chống dịch đối với người về từ TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An.
Trên thực tế, một tháng qua, dịch của Hà Nội được nhận định xâm nhập từ những người về từ các vùng có dịch, rồi lây lan cộng đồng.
Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tính đến nay, thành phố ghi nhận hơn 100 ca mắc COVID-19 về từ các tỉnh có dịch (kể từ ngày 11/10), từ đó phát sinh nhiều ca nhiễm thứ phát (lây nhiễm trực tiếp từ những người về từ vùng có dịch).
Điển hình, như phản ánh trên báo Lao Động, có trường hợp trú tại phố Đình Ngang, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, về từ TPHCM nhưng không tuân thủ quy định tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong 7 ngày. Cô gái này đã tiếp xúc, lây nhiễm cho nhiều người khác, gây khó khăn cho công tác truy vết, dập dịch.
"Do đó, Hà Nội yêu cầu cách ly tại nhà 7 ngày đối với người về từ vùng có dịch là hợp lý, cần thiết để đảm bảo an toàn", vị cán bộ cho hay.
Công điện 23 của UBND TP. Hà Nội quy định về việc tăng cường cách ly, xét nghiệm đối với người về từ các tỉnh, thành phố khác:
- Đối với người đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh đi về từ khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao (cấp độ 4 và 3, tương ứng với màu đỏ và màu da cam) và các tỉnh, thành phố có số ca mắc cao như: TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai… cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú (có Quyết định cách ly của địa phương) trong vòng 7 ngày thay cho tự theo dõi sức khỏe tại nhà.
Đồng thời xét nghiệm 2 lần vào ngày thứ nhất và ngày thứ 7 thay cho chỉ xét nghiệm 1 lần vào ngày thứ nhất.
- Đối với những người tiêm chưa đủ liều hoặc chưa tiêm vaccine Covid-19 đi về từ khu vực nguy cơ cao (cấp độ 3, tương ứng màu da cam): cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú 7 ngày (có Quyết định cách ly của địa phương), tiếp tục tự theo dõi sức khỏe tại nhà hoặc nơi lưu trú trong vòng 7 ngày tiếp theo và luôn thực hiện biện pháp 5K; xét nghiệm 2 lần vào ngày thứ nhất và ngày thứ 7 từ khi tới Hà Nội (thay cho việc tự theo dõi sức khỏe tại nhà và không chỉ định xét nghiệm).
- Những người đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 về Hà Nội từ khu vực nguy cơ (cấp độ 2): Tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong vòng 7 ngày, xét nghiệm 1 lần vào ngày thứ nhất.
- Những người chưa tiêm, tiêm chưa đủ liều vaccine Covid-19 đi về từ khu vực nguy cơ (cấp độ 2): Tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày; xét nghiệm 2 lần vào ngày thứ nhất và ngày thứ 7.
Tất cả các trường hợp trên ngay khi về đến Hà Nội phải khai báo y tế và thông báo, cam kết với chính quyền địa phương; trong suốt thời gian cách ly, tự theo dõi sức khỏe luôn thực hiện 5K.
Nếu có bất kỳ triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 như: ho, sốt, đau rát họng, mất hoặc giảm khứu giác, vị giác... cần báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để được lấy mẫu xét nghiệm và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Hà Nội giao Sở Y tế đảm bảo xử lý nhanh, kịp thời kiểm soát dịch bệnh trong mọi tình huống trên địa bàn; tổ chức tập huấn quản lý, giám sát cách ly đảm bảo an toàn phòng, chống dịch; định kỳ giám sát việc thực hiện tại cơ sở.
Biên Thùy (Nguoiduatin.vn)