Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 sáng 18/8, quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu như trên và khẳng định các biện pháp ứng phó với ổ dịch ở Đà Nẵng đã phát huy hiệu quả.
Tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và một số địa phương miền Trung đang tăng cường truy vết, xét nghiệm, xác định yếu tố nguy cơ để triển khai biện pháp ngăn chặn dịch bệnh.
Những ngày gần đây, nổi lên ổ dịch ở Hải Dương với ca nhiễm đầu tiên ghi nhận ở quán Thế giới bò tươi. Bộ Y tế xác định khả năng nguồn bệnh xâm nhập vào quán từ khoảng ngày 25 đến 27/7, cùng chủng virus ở Đà Nẵng. Từ quán này, dịch đã lây lan ra cộng đồng, hiện ghi nhận 11 ca nhiễm, những ngày tới có thể thêm ca mới.
Khi phát hiện ca bệnh đầu tiên trên địa bàn, tỉnh Hải Dương đã quyết liệt triển khai biện pháp ứng phó. Bộ Y tế cử ngay các đoàn hỗ trợ, phối hợp khẩn trương truy vết, xét nghiệm nhanh để khoanh vùng dập dịch.
Bộ Y tế nhận định nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng là hiện hữu và phải đặc biệt lưu ý, tiếp tục nâng mức cảnh báo ở các địa phương, nhất là những đô thị lớn, nơi tập trung đông người, mật độ dân số cao.
Tại cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói một trong những yếu tố quyết định thành công của giai đoạn đầu là Việt Nam đã chống dịch "bằng tất cả giải pháp tổng hợp, từ chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền, vận động, nêu gương cho đến xử phạt; huy động được mọi người dân thực sự vào cuộc chủ động phòng, chống dịch vì mình, vì người thân và toàn xã hội".
"Thời gian qua do chúng ta kiểm soát được dịch bệnh tốt dài ngày nên có tâm lý lơi lỏng. Bây giờ là lúc phải nhìn vào thực tế dịch bệnh còn kéo dài, ít nhất một năm nữa vaccine mới có thể đến với mọi người. Chúng ta phải tăng cường các giải pháp để thực sự chung sống an toàn trong dịch bệnh", ông Đam nói.
Theo PGS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế), khi nhập vaccine ở nước ngoài, Việt Nam "chắc chắn vẫn phải thử nghiệm trên người để đảm bảo hiệu lực, an toàn". Thông thường quy trình này kéo dài từ 6 tháng đến một năm, thậm chí một vài năm trước khi được tiêm chủng rộng rãi.
Vì vậy, trước khi có vaccine hữu hiệu hoặc thuốc đặc trị, các chuyên gia nhấn mạnh cần tiếp tục nâng cao tinh thần cảnh giác trong thời gian dài. Việt Nam cần siết chặt "hệ thống phòng thủ", không để dịch bệnh xâm nhập vào cơ quan công quyền, cơ sở sản xuất kinh doanh, trường học, giao thông công cộng, nhất là các điểm xung yếu như bệnh viện, trung tâm dưỡng lão, cơ sở bảo trợ xã hội...
Trước thông tin gần đây xuất hiện tình trạng cơ sở y tế tư nhân tổ chức dịch vụ xét nghiệm nCoV, lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định hoạt động này không được phép. Các bệnh viện, cơ sở y tế đủ điều kiện xét nghiệm phải thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Các địa phương phải quản lý chặt, xử lý nghiêm cơ sở vi phạm.
Đến sáng 19/8, Việt Nam ghi nhận 989 ca nhiễm nCoV, trong đó 525 người bình phục; 25 người tử vong.
Theo Viết Tuân (Vnexpress.net)