Quy hoạch bị 'băm nát': Có bảo kê, lợi ích nhóm không?

15/07/2019 10:37:16

“Có dư luận rằng, trong việc điều chỉnh quy hoạch có vấn đề lợi ích, thỏa thuận chia chác. Người nào điều chỉnh quy hoạch, người đó nắm lợi ích trong tay. Vấn đề dư luận đặt ra hoàn toàn có cơ sở, bởi muốn điều chỉnh, người ta phải chạy, phải mất chi phí bôi trơn. Nhưng, đây là tình trạng đi đêm, nên rất khó để bắt tận tay, day tận trán”, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện chia sẻ với PV quanh thực trạng quy hoạch biến tướng tại một số thành phố lớn.

Kiếm chác lúc “hoàng hôn nhiệm kỳ”

Trước vụ việc khởi tố Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh, Quốc hội cũng có giám sát tối cao về đất đai đô thị. Rõ ràng, tình trạng quy hoạch bị phá vỡ đang trở thành vấn đề nhức nhối, đặc biệt ở các thành phố lớn hiện nay?

Vấn đề phá nát quy hoạch, bản thân tôi cùng các đại biểu Quốc hội đã đề cập nhiều. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung còn dùng từ mạnh hơn là “băm nát” quy hoạch. Cá nhân tôi từng chất vấn Thủ tướng, Bộ trưởng Xây dựng về việc này. Có cảm giác chúng ta đang sống trong thời kỳ loạn quy hoạch.

Quy hoạch bị 'băm nát': Có bảo kê, lợi ích nhóm không?
Người dân phải có quyền tham gia từ khâu đầu tiên đến khâu quyết định quy hoạch

Trên thực tế chúng ta phải chi rất nhiều tiền, với hàng chục nghìn tỷ đồng cho việc lập quy hoạch. Nhưng dư luận lại đánh giá, kể cả ở đô thị và nông thôn đều rất lôm nhôm, không có sự đổi mới, sáng tạo về quy hoạch. Kể cả tại các khu đô thị mới cũng không đáp ứng được yêu cầu về mặt tổng thể, không rõ bản sắc, dấu ấn. Sáng tạo ở đâu thì không biết, nhưng bộ mặt quy hoạch của chúng ta là có vấn đề.

Người ta có nhiều lý do để thay đổi quy hoạch, nhưng rõ ràng có sự tùy tiện. Báo cáo giám sát của Quốc hội đã khẳng định điều này. Sự tùy tiện thể hiện ở việc điều chỉnh được quy hoạch nhiều lần cho một dự án, làm trái quy hoạch mà không bị xử lý...

Theo ông, điều gì dẫn đến sự thay đổi quy hoạch một cách tùy tiện như vậy?

Dư luận cho rằng, trong việc điều chỉnh quy hoạch có vấn đề về lợi ích. Người nào điều chỉnh quy hoạch là người đó nắm lợi ích trong tay. Anh cho cơi nới mật độ xây dựng, nâng tầng, điều chỉnh công năng của các công trình… Tất cả đều thể hiện sự thiếu khoa học và dư luận cho rằng có yếu tố tiêu cực, thỏa thuận, chia chác. Vấn đề dư luận đặt ra hoàn toàn có cơ sở, bởi muốn điều chỉnh để có thêm lợi nhuận, người ta sẽ phải chạy, phải mất chi phí bôi trơn chứ không ai tự nhiên cho không cả. Đây là chuyện đi đêm, nên khó có thể “bắt tận tay, day tận trán”, không có lửa làm sao có khói?

Một nguyên nhân khác, bên cạnh trình độ quy hoạch thấp, có thể nói, việc quản lý nhà nước vẫn còn yếu kém, tầm nhìn hạn hẹp. Điều lo ngại không chỉ là vấn đề tầm nhìn mà chính là sự kiếm chác, trục lợi. Đặc biệt với những trường hợp “hoàng hôn nhiệm kỳ”, người ta có thể điều chỉnh cả một khu đô thị để trục lợi. Đây là thực trạng rất đáng báo động và cần phải siết lại.

Từ vụ khởi tố vừa qua, dư luận cũng đặt vấn đề trách nhiệm của chính quyền cơ sở và lực lượng thanh tra xây dựng, có hay không việc làm ngơ, bỏ qua cho các sai phạm?

Quy hoạch bị 'băm nát': Có bảo kê, lợi ích nhóm không? - 1
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng

“Tôi đề nghị phải đình chỉ ngay một số quan chức có trách nhiệm. Nếu cần thiết, quan chức về hưu rồi cũng phải làm rõ, xem xét khởi tố. Chứ không phải đánh được chỗ nào thì đánh, còn lại thì xuê xoa với nhau, rất phản cảm, dân không chấp nhận. Phải xử lý nghiêm các loại vi phạm, không loại trừ đối tượng nào, không có vùng cấm nào hết”. ông Lưu Bình Nhưỡng

Chúng ta đã có luật rồi thì phải thực hiện cho nghiêm túc. Bên cạnh đó cần phải xem xét một cách thận trọng, chính xác và đảm bảo tính khách quan, công khai trong quy hoạch. Bản chất nhà nước đang đi làm thuê cho người dân, còn người dân làm chủ nhưng lại không hề biết gì thì không được. Cần phải công khai, dân chủ, lấy ý kiến người dân chứ không thể thích công bố lúc nào thì công bố, thích điều chỉnh thế nào thì điều chỉnh. Cần phải siết chặt khâu kỷ luật quy hoạch.

Tôi cũng đồng tình với quan điểm của GS Đặng Hùng Võ khi cho rằng, bản thân cơ quan nhà nước phải làm rõ được nghi vấn của người dân: Có hay không tình trạng bảo kê, lợi ích nhóm? Thực tế nếu không có bảo kê, không có lợi ích nhóm thì doanh nhân có tài đến mấy, gan đến mấy cũng không thể làm như thế được. Dứt khoát phải có cơ sở nào đó để các doanh nghiệp, doanh nhân “vững tâm” vi phạm. Tức là người ta nghĩ sẽ không bao giờ bị xử lý, hoặc nếu có thì cũng chỉ xử lý qua loa, trong khi đó lợi ích họ đạt được từ việc này lại vô cùng lớn.

Vấn đề nữa, có thông tin báo chí đưa là vì sao đã có kết luận thanh tra từ năm 2016 rồi mà lại không công bố? Thanh tra rồi nhưng lại không công bố là có vấn đề. Nên nhớ, việc quyết định công bố kết luận thanh tra là người đứng đầu. Mặt khác, tại sao lại chỉ nói đến vi phạm của doanh nghiệp mà lại không nói đến vi phạm của cán bộ, của cơ quan quản lý nhà nước? Người dân chỉ cần đập tường, khoét cửa sổ thôi, lập tức thanh tra địa phương đã có mặt xử lý. Vậy mà người ta xây dựng cả năm trời với những tòa nhà chọc trời, chẳng lẽ anh lại không biết gì?

Trong việc này cần phải xử lý một cách công bằng, xem xét ở các khía cạnh. Vi phạm không chỉ của doanh nghiệp mà còn phải xét đến vi phạm của cán bộ quan chức.

Liên quan đến vụ việc của ông Lê Thanh Thản, tôi đề nghị phải đình chỉ ngay một số quan chức có trách nhiệm. Nếu cần thiết, quan chức về hưu rồi cũng phải làm rõ, xem xét khởi tố. Chứ không phải “đánh” được chỗ nào thì “đánh”, còn lại thì xuê xoa với nhau, rất phản cảm, dân không chấp nhận. Phải xử lý nghiêm các loại vi phạm, không loại trừ đối tượng nào, không có vùng cấm nào hết.

Ðể dân giám sát, quyết định quy hoạch

Thực tế cho thấy không ít trường hợp quy hoạch lần đầu thì công khai, nhưng khi điều chỉnh quy hoạch sau đó lại lén lút, gây bất bình trong nhân dân?

Người ta kiếm chác cũng ở chỗ lén lút ấy. Trong khi đó người dân tin vào chính quyền, coi đó là việc của chính quyền mà lại không nghĩ mình mới là người nắm quyền. Chính vì vậy, cần phải để người dân tham gia sâu sát hơn nữa vào quá trình quy hoạch.

Không chỉ tham gia mà còn phải thực hiện quyền giám sát?

Ở đây không chỉ là quyền giám sát mà người dân còn có quyền tham gia vào việc quyết định. Người dân phải có quyền tham gia từ khâu đầu tiên đến khâu quyết định. Sau đó mới đến khâu tổ chức thực hiện và khâu giám sát. “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Điều đó là bất di bất dịch và chúng ta cần phải thực hiện theo nguyên tắc này.

Vấn đề muôn thủa đặt ra là, cần phải làm gì để những quy hoạch đô thị không bị băm nát, thưa ông?

Chúng ta đã có luật rồi thì phải thực hiện cho nghiêm túc. Bên cạnh đó cần phải xem xét một cách thận trọng, chính xác và đảm bảo tính khách quan, công khai trong quy hoạch. Bản chất nhà nước đang đi làm thuê cho người dân, còn người dân làm chủ nhưng lại không hề biết gì thì không được. Cần phải công khai, dân chủ, lấy ý kiến người dân chứ không thể thích công bố lúc nào thì công bố, thích điều chỉnh thế nào thì điều chỉnh. Cần phải siết chặt khâu kỷ luật quy hoạch. Trong quá trình làm quy hoạch, cần thảo luận, lấy ý kiến rộng rãi, khi nào đảm bảo được sự đồng thuận cao, lúc đó chúng ta mới công bố. Thậm chí còn phải đấu thầu quy hoạch, mời cả nước ngoài tham gia, để tạo ra những tác phẩm mới về quy hoạch kiến trúc.

Đặc biệt, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng chứ không phải chỉ có chính quyền. Vì Đảng đóng vai trò lãnh đạo, nên chỗ nào quy hoạch sai, nơi nào xảy ra sai phạm, phải xử lý cấp ủy đầu tiên, sau đó mới đến chính quyền, rồi cuối cùng mới đến doanh nghiệp. Phải xử lý theo quy trình từ trên xuống dưới như vậy, còn lâu nay chúng ta lại đang làm ngược quy trình xử lý.

Cảm ơn ông.

Theo Thành Nam (Tiền Phong)