Trong nghị quyết ban hành chiều 27/11, Quốc hội quyết nghị tiếp tục giữ Lịch sử là môn học độc lập trong chương trình sách giáo khoa mới.
Lịch sử tiếp tục là môn học riêng trong chương trình sách giáo khoa mới. |
Bên cạnh đó, Quốc hội yêu cầu hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nghiên cứu xây dựng chương trình giáo dục gắn với hoàn thiện nhân cách, đạo đức, lối sống văn hóa cho học sinh; phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ, phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Trước đó, Bộ GD&ĐT ban hành Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể để tiếp thu ý kiến xã hội. Theo Dự thảo, nhiều môn học bị thay đổi về vị trí theo hướng giảm môn bắt buộc và tăng dần tự chọn.
Nếu ở tiểu học, Lịch sử được tích hợp trong bộ môn Khoa học xã hội theo dạng bắt buộc, thì ở cấp THPT, môn học này được phân hóa trở lại trong các môn tự chọn. Cấp THPT sẽ chỉ còn 4 môn bắt buộc gồm: Ngữ văn, Ngoại ngữ 1, Toán, Công dân với Tổ quốc (tích hợp từ ba phân môn Giáo dục đạo đức, Lịch sử, Giáo dục quốc phòng an ninh).
Nhiều ý kiến của các nhà sử học, giáo viên dạy Lịch sử không đồng tình với việc này. Chiều 3/11, Bộ GD&ĐT làm việc với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cùng đại diện Ban Tuyên giáo TƯ, Liên hiệp Hội khoa học Kỹ thuật và các đơn vị liên quan về Dự thảo.
Ngày 15/11, tại Hội thảo khoa học về môn Lịch sử, giới chuyên môn chỉ trích Bộ GD&ĐT đang “khai tử môn Lịch sử” khi xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới.
Chất vấn Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận tại Quốc hội ngày 16/11, đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) cho rằng, thay đổi môn Lịch sử là "sự xáo trộn về tâm can". Người đứng đầu ngành giáo dục cho biết, sẽ cân nhắc kỹ, nếu không phù hợp sẽ không tích hợp môn Lịch sử.
Theo Nguyễn Hưng (Zing.vn)