Quốc hội sắp phê chuẩn nhân sự thay các ông Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam

03/01/2023 18:10:20

Quốc hội sẽ xem xét phê chuẩn bổ nhiệm hai phó thủ tướng sau khi phê chuẩn miễn nhiệm các ông Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam tại kỳ họp bất thường.

Chiều 3/1, Trưởng ban Công tác đại biểu Quốc hội trả lời báo chí về nội dung miễn nhiệm chức vụ phó thủ tướng đối với ông Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam tại kỳ họp sắp diễn ra.

Tại họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV vào chiều 3/1, báo chí đặt hàng loạt câu hỏi liên quan đến công tác nhân sự.

“Vừa qua, Trung ương đã quyết định cho Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thôi giữ chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thôi giữ chức vụ Ủy viên Trung ương Đảng và cho ý kiến nhân sự để trình Quốc hội làm quy trình phê chuẩn bổ nhiệm người thay thế chức vụ Phó Thủ tướng. Xin hỏi, tại kỳ họp bất thường này, Quốc hội có làm thủ tục miễn nhiệm 2 ông Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam và phê chuẩn bổ nhiệm 2 nhân sự thay thế hay không?", báo Thanh Niên hỏi.

Trả lời, Trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh khẳng định, công tác nhân sự là một nội dung quan trọng nằm trong chức năng của Quốc hội về quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Theo bà Thanh, qua nhiều nhiệm kỳ Quốc hội và nhiệm kỳ này, đầu nhiệm kỳ, công tác nhân sự bao giờ cũng là nội dung quan trọng.

Quốc hội sắp phê chuẩn nhân sự thay các ông Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam
Trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thưởng vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh 

"Tại kỳ họp bất thường lần này, Quốc hội sẽ xem xét 3 nội dung về công tác nhân sự gồm: Cho thôi nhiệm vụ đại biểu; phê chuẩn miễn nhiệm nhân sự; phê chuẩn bổ nhiệm theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ đối với các nhân sự mới", bà Thanh nói.

Bà Thanh cũng cho biết, nội dung nhân sự sẽ được tiến hành từ cuối giờ sáng ngày 5/1 và sẽ kết thúc vào chiều 5/1 - ngày khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ 2 Quốc hội khóa XV.

Chiều ngày 4/1, tại phiên họp trù bị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới chính thức trình Quốc hội nội dung chương trình kỳ họp bất thường thứ 2, trong đó có nội dung về nhân sự nói trên. 

"Công tác nhân sự cũng là công việc thường xuyên, công tác cán bộ là việc làm rất hệ trọng, Tổng Bí thư cũng nhắc nhiều lần đến việc tổng kết công tác cán bộ, đây là công tác then chốt của then chốt", bà Thanh nhấn mạnh.

Do vậy, việc lựa chọn nhân sự để bố trí, hoặc kịp thời thay thế các vị trí, chúng ta cũng phải dần làm quen với việc diễn ra bình thường, việc phát hiện nhân tài bố trí sử dụng cán bộ để đảm bảo gánh vác công việc chung của đất nước của từng cơ quan; việc thay thế kịp thời đối với nhân sự không đảm bảo cũng là việc thường xuyên của Đảng.

Bà Thanh nhắc đến Nghị quyết 28 Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới nêu rõ quan điểm: “Kịp thời thay thế cán bộ bị kỷ luật, cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm; kiên trì thực hiện "có vào, có ra, có lên, có xuống" trong công tác cán bộ”.

Đồng thời, Đảng cũng có chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Kết luận 20 của Bộ Chính trị cũng khuyến khích cán bộ thấy rằng nếu mình không đảm bảo điều kiện thực hiện nhiệm vụ, thực hiện tinh thần nêu gương, thấy mình không đủ điều kiện từ sức khỏe đến lý do khác, mà thấy rằng không thực hiện được nhiệm vụ một cách xuất sắc thì khuyến khích làm đơn xin thôi, giữ các trọng trách, nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ của đại biểu.

Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh 63 tuổi, quê Nam Định, là Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, XI, XII, XIII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, XIII; đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV, XV. Sự nghiệp của ông Minh gắn với ngành ngoại giao với 41 năm công tác. Năm 1981, sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại giao Hà Nội, ông làm cán bộ tại Bộ Ngoại giao, sau đó là Tùy viên Đại sứ quán Việt Nam tại Anh.

Học xong thạc sĩ Luật và Ngoại giao tại Đại học Fletcher (Mỹ), ông làm Vụ phó Các tổ chức quốc tế. Sau bốn năm công tác ở cơ quan đại diện Việt Nam tại Liên Hợp Quốc và Mỹ, ông về nước làm Quyền vụ trưởng, rồi Vụ trưởng Các tổ chức quốc tế, trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao.

Tháng 8/2007, ông làm Thứ trưởng Ngoại giao và bốn năm sau làm Bộ trưởng ở tuổi 52. Ông Phạm Bình Minh có 9 năm làm Phó thủ tướng, từ tháng 11/2013 đến nay, trong đó 8 năm kiêm Bộ trưởng Ngoại giao và làm Phó thủ tướng thường trực từ tháng 9/2021.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam 59 tuổi, quê Hải Dương là phó tiến sĩ kinh tế thế giới và quan hệ kinh tế quốc tế, Ủy viên Trung ương Đảng khóa X (dự khuyết), XI, XII, XIII. Từ tháng 10/1994, ông có 10 năm công tác tại Văn phòng Chính phủ với vai trò Vụ phó Quan hệ quốc tế, quyền Vụ trưởng ASEAN, rồi thư ký, trợ lý cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Tháng 3/2003, ông làm Phó chủ tịch tỉnh Bắc Ninh. Tháng 8/2005, ông giữ chức Thứ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông. Tháng 11/2007, ông có 4 năm công tác tại Quảng Ninh, giữ nhiều chức vụ như Phó bí thư, Chủ tịch tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy. Tháng 8/2011, ông Đam về Trung ương làm Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - trở thành thành viên Chính phủ trẻ nhất khi được bổ nhiệm.

Ông làm Phó thủ tướng từ tháng 11/2013 và giữ cương vị này qua ba nhiệm kỳ liên tục. Ông cũng là Phó thủ tướng trẻ nhất trong Chính phủ Việt Nam các khóa XIII, XIV.

NT (Nguoiduatin.vn)