Thành quả lập hiến, lập pháp
Quốc hội khóa XIII đã hoàn thành việc xây dựng và thông qua bản Hiến pháp 2013, thể chế hóa đường lối của Đảng và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. |
Tuy vậy, Chủ tịch cũng thẳng thắn thừa nhận hoạt động lập pháp còn không ít hạn chế. Việc thường xuyên phải điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chưa được khắc phục. Một số đạo luật chưa phản ánh đầy đủ, sát thực nên hiệu quả điều chỉnh và tính khả thi không cao.
Quốc hội khoá XIII cũng ban hành nhiều nghị quyết quan trọng quyết định việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; điều chỉnh các mục tiêu 5 năm sát thực tiễn hơn; tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội...
Chủ tịch đánh giá nhiều quyết sách đã giải quyết kịp thời bức xúc từ cuộc sống như: quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện; hỗ trợ đóng tàu đánh bắt xa bờ, bảo vệ chủ quyền biển đảo...
Chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được thông qua sau quá trình thảo luận, cân nhắc, xác định đây là dự án quan trọng đặc biệt cấp quốc gia, có ý nghĩa lớn với sự phát triển kinh tế - xã hội phía Nam và cả nước.
"Yếu tố trọng dân, vì dân, bám sát thực tiễn trong quyết sách của Quốc hội nhiệm kỳ này được thể hiện rõ nét. Mỗi phát biểu của đại biểu đều xuất phát từ đời sống thường nhật, lấy mục tiêu lo việc của dân để bàn thảo và quyết định các vấn đề hệ trọng của đất nước", Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng khẳng định.
Nghị quyết về giám sát và lấy phiếu tín nhiệm
Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội đã tiến hành chất vấn trực tiếp người đứng đầu cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ.
Hoạt động giám sát tối cao theo chuyên đề đã được tập trung vào những vấn đề bức xúc và cấp thiết của cuộc sống như chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề; quy hoạch thủy điện; đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tái cơ cấu kinh tế; tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật...
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cũng chỉ ra dù có nhiều cải tiến nhưng hoạt động giám sát của Quốc hội còn hạn chế. Một số trường hợp chưa xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể liên quan, biện pháp xử lý. "Việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của cử tri chưa đạt yêu cầu; giám sát việc thi hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa được thực hiện tốt và kết quả thấp", ông nói.
Nhiệm kỳ khóa XIII cũng là lần đầu Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. "Toàn bộ quy trình lấy phiếu tín nhiệm được làm một cách dân chủ, công khai, minh bạch để công luận, cử tri và nhân dân cả nước theo dõi, giám sát", Chủ tịch khẳng định.
Trách nhiệm về những yếu kém
Dù vậy, Quốc hội cũng nhận rõ phần trách nhiệm với những tồn tại, yếu kém của đất nước. Đó là chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn; cơ cấu ngân sách chưa hợp lý, bội chi cao, nợ công tăng; tái cơ cấu kinh tế chậm; ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm...
Thực trạng cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí cũng chưa đạt yêu cầu; tình hình tội phạm, trật tự an toàn xã hội còn phức tạp; nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo đứng trước thách thức mới...
"Những vấn đề này Quốc hội đã có nhiều giải pháp nhưng chưa đạt hiệu quả. Nguyên nhân của những hạn chế trên một phần là do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế thế giới và những hạn chế, yếu kém vốn có của nền kinh tế. Mặt khác cũng có phần do Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội chưa quan tâm thỏa đáng đến việc thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước", Chủ tịch thừa nhận và cho hay thực tế, đại biểu chưa được cung cấp đầy đủ thông tin, thiếu thời gian nghiên cứu, chưa có điều kiện sử dụng chuyên gia tư vấn, phản biện để phân tích trước khi biểu quyết.
Theo Hoàng Thuỳ (VnExpress.net)