Chiều 14/7, tiếp tục phiên họp thứ 24, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo tổng kết Kỳ họp thứ 5 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.
Báo cáo về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 6, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành hơn 11 ngày cho công tác lập pháp. Trong đó, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật, cho ý kiến về 8 dự án luật khác. Dự kiến, Quốc hội dành 1 ngày thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Ngoài ra, Quốc hội dành 11 ngày xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2023 và 2024 và các vấn đề quan trọng khác.
Cụ thể, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ về thực hiện các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công.
Ngoài ra, các đại biểu cũng dành thời gian xem xét các báo cáo về việc thực hiện một số Nghị quyết giám sát chuyên đề, chất vấn của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4; giám sát chuyên đề tối cao và các vấn đề quan trọng khác.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành 3 ngày để chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Đáng chú ý, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Kỳ họp chia thành 2 đợt
Tổng Thư ký Quốc hội đề xuất tiếp tục tổ chức Kỳ họp thứ 6 theo hình thức họp trực tiếp và chia thành 2 đợt như Kỳ họp 5.
Đợt 1, các đại biểu chủ yếu thảo luận các nội dung trình Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp và thảo luận ở tổ các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến.
Đợt 2, các đại biểu chủ yếu biểu quyết thông qua các luật, nghị quyết và thảo luận ở hội trường về các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến.
Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, dự kiến Quốc hội làm việc trong 23 ngày, khai mạc vào thứ Hai, ngày 23/10/2023 (do ngày 20/10/2023 trùng vào ngày thứ Sáu) và bố trí 2 đợt họp theo 2 phương án.
Phương án 1: Quốc hội nghỉ khoảng 1,5 tuần giữa 2 đợt họp và dự kiến bế mạc vào thứ Năm, ngày 30/11/2023. Theo đó, đợt 1 diễn ra từ ngày 23/10 đến ngày 17/11. Đợt 2 từ ngày 27/11 đến sáng 30/11.
Phương án 2: Quốc hội nghỉ khoảng 2 tuần giữa 2 đợt họp và dự kiến bế mạc vào thứ Năm, ngày 7/12. Theo đó, đợt 1 từ ngày 23/10 đến ngày 17/11. Đợt 2 từ ngày 4/12 đến sáng ngày 7/12.
Kỳ họp thứ 6 là lần thứ 4 Quốc hội thực hiện quyền giám sát qua việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Trước đó, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV vào tháng 10/2018, các ĐBQH đã lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danh; năm 2013, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm 47 người, năm 2014 là 50 người.
Ngày 23/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).
Nghị quyết này quy định, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội; Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.
Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Trường hợp không xin từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.
Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” trở lên thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội tiến hành miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.
Theo Thu Hằng (VietNamNet)