Quốc hội không đồng ý với đề xuất Bí thư, Chủ tịch tỉnh có cảnh vệ

20/06/2017 18:54:00

Chiều 20/6, Quốc hội đã thông qua Luật Cảnh vệ, trong đó không đồng ý đề xuất Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, lãnh đạo các Bộ, ngành, Bí thư, Chủ tịch tỉnh có cảnh vệ.

Chiều 20/6, Quốc hội đã thông qua Luật Cảnh vệ, trong đó không đồng ý đề xuất Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, lãnh đạo các Bộ, ngành, Bí thư, Chủ tịch tỉnh có cảnh vệ.

Quốc hội không đồng ý với đề xuất Bí thư, Chủ tịch tỉnh có cảnh vệ

Báo cáo giải trình trước Quốc hội, Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho biết, tại các buổi thảo luận về Luật Cảnh vệ, một số ý kiến đề nghị bổ sung việc Chánh án Tòa án nhân dân tối cáo, lãnh đạo cấp Bộ, ngành, cấp tỉnh cũng cần có cảnh vệ.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc mở rộng hay thu hẹp đối tượng cảnh vệ cần xem xét trên các nội dung, tiêu chí cụ thể, đồng thời, phải phân biệt rõ giữa hoạt động cảnh vệ với hoạt động bảo vệ để phát huy hiệu quả, phù hợp với tính chất hoạt động của từng lĩnh vực công tác, tránh chồng chéo, tăng biên chế, tổ chức.

"Hơn nữa, nếu bổ sung các đối tượng này thì cũng cần bổ sung các chức vụ tương đương khác. Thực tế cho thấy, quy định về các đối tượng cảnh vệ tại dự thảo Luật Kế thừa pháp lệnh cảnh vệ và thực hiện ổn định phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, điều kiện kinh tế - xã hội đất nước.

Trong điều kiện thật cần thiết, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ QH bổ sung đối tượng cảnh vệ theo quy định tại Khoản 5, Điều 10. Do đó, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật Cảnh vệ", tướng Việt nêu.

Quốc hội không đồng ý với đề xuất Bí thư, Chủ tịch tỉnh có cảnh vệ - Ảnh 1.

Kết quả biểu quyết thông qua Luật Cảnh vệ.

Cũng theo tướng Việt, một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định cụ thể về đối tượng cảnh vệ do quân đội bảo vệ, giao Chính phủ quy định cho thống nhất theo Điểm a, Khoản 2, Điều 18 dự thảo Luật Cảnh vệ.

Nhưng tướng Việt cho hay, việc phân công bảo vệ an ninh tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ là trách nhiệm của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ và Cục An ninh quân đội.

Theo đó, hai bên đã có phối hợp, trong quá trình thực hiện cho thấy, một số đồng chí sỹ quan cấp cao trong quân đội sau khi được bầu giữ các chức vụ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước vẫn thống nhất giao Cục An ninh quân đội giữ nhiệm vụ an ninh cảnh vệ.

Đối với đề nghị bổ sung quy định khi nổ súng trong Luật Cảnh vệ phải tuân thủ nguyên tắc của Bộ luật Hình sự về phòng vệ chính đáng và tình thế cấp thiết, theo giải trình của tướng Việt, dự thảo Luật quy định cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ được nổ súng nhưng phải tuân thủ các nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng và quy định về các trường hợp nổ súng quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Các quy định này đã phù hợp với nguyên tắc phòng vệ chính đáng và tình thế cấp thiết trong Bộ luật Hình sự. Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật Cảnh vệ.

Với một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn các trường hợp nổ súng, có ý kiến đề nghị làm rõ cụm từ "hành vi tấn công trực tiếp", Uỷ ban TVQH nêu rõ, việc nổ súng phải tuân theo các nguyên tắc của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ nổ súng vào đối tượng có "hành vi tấn công trực tiếp" đối tượng cảnh vệ hoặc cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ đang thực hiện nhiệm vụ là căn cứ vào quy định của pháp luật liên quan và tình hình cụ thể để quyết định, nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ, nên việc quy định chi tiết từng trường hợp nổ súng là khó khả thi. 

Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Về ý kiến đề nghị thay cụm từ "bắn cảnh báo" bằng "bắn chỉ thiên", UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý lại Khoản 2 Điều này như dự thảo Luật Cảnh vệ.

Sau đó, Quốc hội đã thông qua dự án luật với 455/462 đại biểu đồng ý (chiếm 92,67%).

Xin ý kiến thu hẹp phạm vi chịu trách nhiệm hình sự về hành vi không tố giác tội phạm

Trước đó, với 434 ĐBQH (88,39%) tán thành, Quốc hội đã thông qua luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13.

Một trong những nội dung được ĐBQH quan tâm là quy định chịu trách nhiệm hình sự của luật sư khi không tố giác tội phạm.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH Lê Thị Nga, qua báo cáo cơ quan có thẩm quyền, cân nhắc kỹ nhiều mặt, UBTVQH xin QH cho tiếp thu một phần ý kiến của ĐBQH, của Ban thường vụ Liên đoàn Luật sư VN để chỉnh lý Khoản 3 Điều 19 của BLHS 2015 theo hướng thu hẹp hơn phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người bào chữa về hành vi không tố giác tội phạm.

Theo đó, người không tố giác là người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 có hiệu lực thi hành từ 1-1-2018.

Theo Hoàng Đan (Trí Thức Trẻ)

Nổi bật