Với 459/464 đại biểu bấm nút tán thành tại phiên họp sáng nay 24/6, Quốc hội thông qua dự án luật Tổ chức TAND năm 2024, thay thế luật Tổ chức TAND năm 2014.
Một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm là quy định về tham dự và hoạt động thông tin (ghi âm, ghi hình) tại phiên tòa, phiên họp. Theo quy định tại khoản 3 điều 141 luật mới, việc ghi âm lời nói được thực hiện trong thời gian diễn ra phiên tòa, phiên họp; riêng việc ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc và tuyên án hoặc công bố quyết định.
Việc ghi âm, ghi hình nêu trên phải được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa, phiên họp, những người có liên quan theo quy định. Trường hợp ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tiến hành tố tụng khác, người tham gia phiên tòa, phiên họp thì phải được sự đồng ý của họ và thẩm phán chủ tọa phiên tòa, phiên họp.
Đồng thời, trong trường hợp cần thiết để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn, Tòa án tiến hành ghi âm, ghi hình diễn biến phiên tòa, phiên họp; việc sử dụng, cung cấp kết quả ghi âm, ghi hình của Tòa án được thực hiện theo quy định của pháp luật và giao Chánh án TANDTC quy định chi tiết.
Như vậy, quy định chính thức tại luật Tổ chức TAND năm 2024 về việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa đã "mở" hơn so với dự thảo trước đây; thể hiện qua việc luật chỉ hạn chế với việc ghi hình (chỉ thực hiện ở phần khai mạc và tuyên án), còn việc ghi âm được thực hiện trong toàn bộ quá trình diễn ra phiên tòa (phải được chủ tọa đồng ý).
Trước đó, TAND tối cao từng đề xuất hạn chế cả việc ghi âm và ghi hình tại phiên tòa, chỉ được thực hiện trong phần khai mạc và tuyên án. Đề xuất này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền tác nghiệp của báo chí, khó đảm bảo sự chính xác của thông tin truyền tải đến bạn đọc.
Tại phiên thảo luận ở hội trường về dự án luật nêu trên, bên cạnh việc ủng hộ siết chặt hoạt động ghi âm, ghi hình tại phiên tòa, một số đại biểu Quốc hội đề nghị nên "cởi mở" hơn với nhóm đối tượng là phóng viên, báo chí tác nghiệp đưa tin.
Về đổi mới TAND cấp huyện, cấp tỉnh theo thẩm quyền xét xử, Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo xây dựng 2 phương án và xin ý kiến các vị đại biểu.
Phương án 1: giữ nguyên quy định của luật hiện hành về TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện.
Phương án 2: đổi mới TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm.
Kết quả, có 194 đại biểu tán thành phương án 1 và 170 đại biểu tán thành phương án 2.
Như vậy, không có phương án nào đạt quá một nửa tổng số đại biểu tán thành nên Thường trực Ủy ban Tư pháp thống nhất tiếp tục giữ nguyên quy định TAND cấp huyện, cấp tỉnh như hiện nay. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, quy định của dự thảo Luật về TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện là phù hợp.
Ngoài các nội dung nêu trên, dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) đã được tiếp thu, chỉnh lý các nội dung cụ thể khác như đã nêu trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo Luật.
Sau khi tiếp thu, hoàn thiện, dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua gồm có 9 chương với 152 Điều.
HL (SHTT)