9h sáng 25/2 (tức mồng 10 tháng Giêng), lễ khai Hội xuân Yên Tử diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm thuộc dự án Khu Trung tâm lễ hội Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh).
Du khách ngỡ ngàng vì phải mua vé tham quan thắng cảnh
Tại ngày khai hội Yên Tử, nhiều người dân, du khách thắc mắc trước việc tỉnh này thu phí trở lại sau 10 năm dừng thu. Thậm chí, một số người bức xúc và cho rằng, mức phí thu như vậy là không hợp lý.
Anh Nguyễn Hiếu (35 tuổi), du khách đến từ Hà Nội cho biết, đến Yên Tử anh phải đóng rất nhiều khoản phí như gửi xe, phí cáp treo, xe điện. “Trong khi đó, năm nay chúng tôi lại phải đóng thêm một khoản phí nữa là phí tham quan danh lam thắng cảnh khu di tích Yên Tử với mức 40.000 đồng/lượt. Đi chùa mà phải nộp phí thì mất hết ý nghĩa. Thêm nữa, mức phí như vậy cũng là khá cao”, anh Hiếu chia sẻ.
Theo anh Hiếu, 3 năm trước anh đã đến Yên Tử và không bị thu khoản phí danh lam thắng cảnh Yên Tử. Nhưng năm nay anh lại rất ngỡ ngàng khi bị thu khoản phí nêu trên. Anh Hiếu mong rằng, chính quyền địa phương nên nghiên cứu, cân nhắc giảm phí cho người dân.
Bà Nguyễn Thị Hải (Thái Bình) cho hay, du khách đến với Yên Tử bằng tấm lòng thiện tâm và ai cũng mong muốn đi lễ chùa đầu năm để cầu tài lộc, may mắn cho gia đình trong năm mới. “Nhưng đằng này đi chùa lại phải mất tiền thu phí danh lam thắng cảnh thì không hay, thiếu hợp lý. Nếu mức phí vẫn giữ nguyên, sang năm chúng tôi sẽ không đến Yên Tử nữa”, bà Hải chia sẻ.
Thu phí trùng tu tôn tạo và đầu tư hạ tầng khu di tích Yên Tử
Ủy ban nhân dân TP.Uông Bí cho biết, sẽ chi 20% tổng số tiền thu phí danh lam thắng cảnh cho hoạt động của tổ chức bộ máy Ban quản lý di tích và rừng Quốc gia Yên Tử và các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.
80% khoản thu phí còn lại nộp ngân sách Nhà nước để bổ sung nguồn lực cho TP.Uông Bí thực hiện một số nhiệm vụ đầu tư và quản lý danh thắng Yên Tử, gồm: quản lý, tổ chức lễ hội; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ; an toàn vệ sinh thực phẩm; cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường; tuyên truyền, quảng bá; tu bổ, bảo dưỡng, sửa chữa các di tích, công trình hạ tầng; phục vụ nghiên cứu khoa học; đào tạo, nâng cao trình độ và tổ chức bộ máy quản lý; chi đầu tư xây dựng, trùng tu, tôn tạo danh lam thắng cảnh Yên Tử.
Để việc triển khai và quản lý thu phí tham quan đầy đủ, đúng quy định, UBND TP.Uông Bí đã xây dựng các phương án đảm bảo an ninh trật tự, bổ sung trang thiết bị hiện đại như: máy vi tính, máy POS quẹt thẻ tín dụng, hệ thống camera kiểm soát việc bán, soát vé tham quan và công cụ hỗ trợ khác phục vụ công tác an ninh.
UBND TP. Uông Bí cho biết thêm, trong thời gian từ 2007 đến 2017, nguồn tiền công đức, giọt dầu được Ban trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh quản lý để tập trung đầu tư, tôn tạo Chùa Đồng và xây dựng Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Việc sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng, tôn tạo tại khu di tích và rừng Quốc gia Yên Tử, duy trì hoạt động của bộ máy Ban quản lý di tích và rừng Quốc gia Yên còn hạn chế. Do vậy, việc thu phí danh lam thắng cảnh, di tích và rừng Quốc gia Yên Tử nhằm nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ tại Yên Tử, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của du khách khi đến với Yên Tử là cần thiết và phù hợp.
UBND TP. Uông Bí cho hay, ngoài việc căn cứ trên các quy định của pháp luật, việc thu phí được sự nhất trí thông qua của 100% đại biểu có mặt (trong đó có Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh khóa XIV) trong cuộc họp về nội dung thu phí danh lam thắng cảnh Yên Tử.
Trước đó 13/12/2017, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã thông qua nghị quyết 88/2017/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định thu phí, lệ phí, trong đó có việc thu phí tham quan danh lam thắng cảnh khu di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử, TP Uông Bí.
Theo Nghị quyết này, từ ngày 1/1/208, tỉnh sẽ thu phí tham quan danh thắng Yên Tử với 40.000 đồng/lần/người lớn và 20.000 đồng/lần/trẻ em; việc miễn, giảm phí được áp dụng cho một số trường hợp theo chính sách của nhà nước.
Di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử là di tích cấp quốc gia được Nhà nước công nhận năm 1974. Đến năm 2012 được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Khu di tích Yên Tử gắn liền với cuộc đời và tên tuổi, sự nghiệp của Phật Hoàng Trần Nhân Tông và Thiền phái Trúc Lâm, là Trung tâm Phật giáo của Việt Nam.
Theo Nguyễn Đức (Dân Việt)