UBND huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) đang xúc tiến việc đền bù, giải phóng mặt bằng cho dự án Khu dân cư kết hợp chỉnh trang đô thị Sa Huỳnh.
Được UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt cuối năm 2017, dự án do Công ty Cổ phần Đầu tư - Phát triển đô thị Ân phú làm chủ đầu tư, với mục tiêu "xây dựng một khu đô thị văn minh, hiện đại... gắn chặt với cảnh quan xung quanh, tạo diện mạo mới cho đô thị nhằm cải thiện chất lượng và môi trường sống cho người dân".
Tổng vốn đầu tư hơn 210 tỷ đồng, dự án triển khai trên 20 ha xã Phổ Thạnh, phía Tây giáp quốc lộ 1, phía Đông giáp đầm nước mặn Sa Huỳnh. Trong đó, gần 4 ha là đất đã được xây dựng sẽ được nhà đầu tư chỉnh trang, gần 16 ha là đất ở xây dựng mới.
Trên phần đất ở xây dựng mới, chủ đầu tư xây nhà liên kế trên 337 lô đất, 112 lô để xây biệt thự. Diện tích đất còn lại để trồng cây xanh, làm khu thương mại, giao thông... Phần đất này có hơn 10 ha chồng lấn lên ruộng muối của khoảng 50 hộ diêm dân Sa Huỳnh.
Ông Nguyễn Duy Trinh - Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh cho rằng, dự án triển khai là phù hợp trong bối cảnh tuổi lao động nghề muối đang già đi, giá muối bấp bênh, đầu ra không ổn định, việc giảm sản lượng, tăng giá trị sẽ giúp đảm bảo cuộc sống của người làm muối.
Trong cuộc họp mới đây, phần lớn người dân đã đồng ý chủ trương nhưng chưa ưng thuận mức giá bồi thường (110 -120 triệu đồng/500 m2). "Theo tôi nhà đầu tư cần hỗ trợ thêm thì người dân mới đồng ý", ông Trinh nói.
Song, cũng theo ông Trinh, đồng muối truyền thống có vai trò quan trọng với cuộc sống người dân và hệ sinh thái nước mặn ở địa phương. "Phải giữ diện tích còn lại chứ không lấy thêm nữa", Chủ tịch xã khẳng định.
Nhiều lo ngại cho đồng muối nổi tiếng nhất miền Trung
Trên đồng muối, nhiều diêm dân tỏ ra tiếc nuối khi đất ruộng bị thu hồi cho dự án. Ông Kiều Bá Đoàn cùng vợ và con đang vun muối thành đống, nói rằng nhà ông vẫn còn bảy người theo nghề muối. Với 6 sào (500 m2), mỗi năm gia đình ông thu nhập khoảng 50 triệu đồng.
"Làm muối cực, giá cả bấp bênh nhưng chỉ bỏ công. Đây là cái nghề cha ông để lại, ít bữa mất cần câu cơm có cục tiền cũng mau hết. Nhưng chủ trương thì phải chấp hành", ông nói.
Ông Nguyễn Văn Hùng, chủ nhân hai sào muối lo ngại khi khu dân cư mới được xây lên, nước thải sẽ làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái đồng muối, việc xây dựng các tòa nhà cao tầng sẽ che chắn gió, ảnh hưởng đến quá trình kết tinh của hạt muối.
Nhiều diêm dân nói rằng con cháu họ không còn muốn theo nghề muối, nhưng mức giá bồi thường còn thấp so với hiệu quả từ đồng muối mang lại.
Trong khi đó, ông Trần Em - Chủ tịch huyện Đức Phổ cho rằng, khu nhà ở chỉ xây dựng ở một phần đồng muối, không che chắn gió. Ông nhìn nhận, việc giảm diện tích sẽ giúp nguồn lực đầu tư, cải tạo ruộng muối tập trung vào diện tích còn lại.
Đồng muối Sa Huỳnh là vựa muối nổi tiếng ở miền Trung, có diện tích hơn 110 ha, với gần 600 hộ diêm dân sản xuất, sản lượng khoảng 7.000 tấn mỗi năm.
Diêm dân đa phần làm muối trên nền đất, thời gian kết tinh ngắn, lại lẫn tạp chất nên chất lượng muối không cao. Nhiều năm qua, diêm dân chịu cảnh giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định.
Tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành nhiều quy hoạch, đề án liên quan đến việc cải tạo hạ tầng kỹ thuật đồng muối, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho diêm dân nhưng các chính sách này chưa có hiệu quả.
Theo Phạm Linh (VnExpress.net)