Sau nhiều lần quan sát tại các phiên đấu giá và một thời gian dài làm quen, trò chuyện với giới kinh doanh xây dựng Quảng Ngãi, phần nào câu hỏi "Lợi nhuận từ khai thác cát mang lại quá lớn, hay lý do nào khác mà các phiên đấu giá mỏ cát trong thời gian qua ở Quảng Ngãi luôn có số lượng công ty, doanh nghiệp tham gia như vậy" đã được lộ rõ.
Ông "L.T", Giám đốc một công ty vật liệu xây dựng lớn ở TP.Quảng Ngãi, bộc bạch: "Trong lĩnh vực kinh doanh được ví không sợ lỗ như khai thác cát, nếu nhìn bề ngoài thì việc thu hút đông doanh nghiệp tham gia tại các phiên đấu giá quyền sở hữu các mỏ khoáng sản này là bình thường. Nhưng mấy ai biết rằng trong số này, doanh nghiệp có nhu cầu sở hữu các mỏ cát thật sự chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Còn lại chủ yếu tham gia để kiếm khoản chung chi béo bở".
Vị giám đốc công ty này giải thích: "Bằng hình thức đấu giá công khai, đặc biệt là những mỏ có trữ lượng lớn ở sông Trà Khúc (xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa-TP.Quảng Ngãi), công ty và doanh nghiệp muốn được quyền sở hữu khai thác phải bỏ ra số tiền tính bằng chục tỷ đồng. Vì vậy đòi hỏi công ty, doanh nghiệp trúng thầu phải có tiềm lực mạnh và thị trường tiêu thụ lớn, chứ không thể tham gia đấu để bán nhỏ lẻ cho người dân mua làm nhà".
Các doanh nghiệp, công ty nhỏ ai cũng hiểu điều này nhưng họ vẫn kéo nhau mua hồ sơ và tham gia đấu. Mục đích không phải đấu để trúng thầu mà "phá hôi" bằng cách thay nhau bỏ giá cao, theo đó số có nhu cầu muốn được quyền sở hữu khai thác buột phải đưa giá cao hơn. Kết quả đơn vị nào trúng thầu phải mất một số tiền lớn gấp nhiều lần so với dự tính ban đầu. Vì vậy để tránh sự "phá hôi" này, trước phiên đấu giá những doanh nghiệp và công ty muốn sở hữu phải tìm đến và thỏa thuận "chung chi" cho họ một số tiền nhất định.
Ông "I.T", Giám đốc doanh nghiệp xây dựng có tiếng ở Quảng Ngãi xác nhận: "Tùy theo trữ lượng mỏ cát đấu giá thế nào mà tiền chung chi cho số kiếm tiền bằng cách này khác nhau. Ít thì 30-50 triệu đồng/doanh nghiệp, còn nhiều thì hàng trăm triệu đồng/doanh nghiệp". Nhẩm tính chỉ riêng 3 phiên đấu giá gần đây nhất mà chúng tôi đã tham gia, với số lượng doanh nghiệp, công ty có mặt từ 10- 25 đơn vị/phiên, tiền "chung chi" tính bằng con số tỷ đồng. Theo ông "I.T" dù vậy, nhưng đại đa số các doanh nghiệp chấp nhận cách này, vì số tiền chung chi ít hơn nhiều so với bỏ ra đấu để được trúng quyền khai thác. Điều này giải thích lý do vì sao tại nhiều phiên đấu giá, chỉ sau một vài vòng bỏ giá doanh nghiệp "bị" loại không cảm thấy tiếc rẻ và trên môi vẫn nở nụ cười thật tươi.
Khi được hỏi: "Sự chung chi như vậy có bất hợp pháp và cơ quan chức năng có xử lý được hay không ?", theo các doanh nghiệp dù rất tức, uất ức nhưng đây là cách chính họ lựa chọn và tự thỏa thuận với nhau. Cho nên cơ quan chức năng khó đủ cơ sở để xử lý. Hơn nữa với cách để trúng thầu này, nếu rêu rao ra ngoài thì chẳng khác nào doanh nghiệp tự "lấy lọ bôi vào mặt mình".
Tuy nhiên không phải phiên đấu giá mỏ cát nào, số doanh nghiệp kiếm tiền theo kiểu trên cũng thành công. Tại không ít phiên đấu giá để chủ động cho việc xây dựng công trình của mình đang làm, doanh nghiệp, công ty có nhu cầu thật sự sẵn sàng "chơi tới cùng" mà không cần thỏa thuận với số tham gia.
Gần đây nhất là tại phiên đấu giá mỏ cát tại xã Nghĩa Dũng, TP.Quảng Ngãi vào gần cuối năm 2018 vừa qua, từ chỗ giá khởi điểm được đưa ra 3 tỷ đồng chỉ sau vài vòng bỏ giá, công ty "S.C" đã "chốt" với giá trúng thầu 18 tỷ đồng, cao hơn 15 tỷ đồng trong ánh mắt thất thần của hàng chục doanh nghiệp, công ty đang có mặt.
Theo Công Xuân (Dân Việt)