Quận Đống Đa "dẫn đầu" về số ca Covid-19 trên toàn thành phố
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, tính đến 18h ngày 13/12, quận Đống Đa đang "dẫn đầu" toàn thành phố về số ca Covid-19 với 2.341 ca. Trong đó, 1.939 ca ghi nhận từ khi "thích ứng an toàn với dịch" theo Nghị quyết 128 ngày 11/10 của Chính phủ.
Điển hình, ngày 29/11, quận Đống Đa ghi nhận tới 177 ca Covid-19, riêng ca cộng đồng chiếm tới 115. Dịch "tấn công" gần như tất cả phường của quận.
Tình hình dịch trên địa bàn quận Đống Đa đang có nhiều diễn biến phức tạp, xuất hiện các khu vực dân cư có số ca mắc tăng nhanh tại các phường: Khâm Thiên, Trung Phụng, Quốc Tử Giám, Văn Miếu, Phương Liên, Khương Thượng và Thổ Quan.
Một lãnh đạo ngành y tế quận Đống Đa tối 13/12 cho biết, hiện lực lượng y tế địa phương đang hoạt động "hết công suất". Ngoài y tế cơ sở, quận còn huy động thêm lực lượng ngoài công lập để đáp ứng với khối lượng công việc hiện tại.
Do F0 tăng nhanh, quận Đống Đa sẽ đưa vào hoạt động cơ sở thu dung điều trị F0 với 600 giường từ chiều 14/12. Cơ sở này được đặt tại khu ký túc xá của Đại học Thủy Lợi. Đây sẽ là nơi điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 nhẹ/không triệu chứng không đủ điều kiện điều trị tại nhà.
"Chúng tôi cử 11 cán bộ y tế vào tham gia chăm sóc, điều trị bệnh nhân. Tuy nhiên để có thể vận hành cả cơ sở thu dung này thì cần một lực lượng lên đến 40 – 50 người, vì còn liên quan công tác hậu cần, an ninh. Do đó, ngoài lực lượng y tế còn có cả công an, quân đội, dân phòng…", vị này thông tin.
CDC Hà Nội: Người dân ở vùng cam nên hạn chế di chuyển
Trao đổi với Zing, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, cho biết đây là việc phù hợp với diễn biến dịch. Chính quyền địa phương cấp quận, huyện được giao trách nhiệm kịp thời điều chỉnh, bổ sung biện pháp phòng, chống dịch theo từng cấp độ.
"Quận Đống Đa đang là vùng cam nên chính quyền quận phải ra quyết định hạn chế một số hoạt động không thiết yếu. Đối với người dân tại đây, họ cũng sẽ được tuyên truyền để hạn chế di chuyển sang các khu vực khác", ông Tuấn nói.
Theo lãnh đạo CDC Hà Nội, thời gian tới khi số ca mắc có khả năng tăng cao, những khu vực được nâng cấp độ dịch lên màu cam và có mật độ dân cư đông sẽ hạn chế một số hoạt động không thiết yếu.
Theo văn bản vừa được UBND quận Đống Đa ban hành, từ 12h ngày 13/12, quận yêu cầu hạn chế hoạt động hội họp, sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng, không tụ tập từ 10 người trở lên nơi công cộng; người tham gia phải được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ và quét mã QR.
Quận dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động tập trung từ 20 người trở lên tại cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại địa điểm công cộng; cấm hoạt động kinh doanh buôn bán tại chợ cóc, chợ tạm.
Nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát chỉ được phép bán hàng mang về, đóng cửa trước 21h hàng ngày; cơ sở lưu trú hoạt động được phép hoạt động không quá 50% công suất.
Trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tạm dừng tổ chức dạy học trực tiếp, chuyển sang dạy và học theo hình thức trực tuyến đến khi có thông báo mới.
Liên tiếp lập 'kỷ lục' mới, tiến sát mốc 1.000 ca F0 trong ngày: Người dân Hà Nội đang bắt đầu chủ quan
Tối 12/12, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thông tin, Hà Nội ghi nhận gần 1.000 ca nhiễm trong một ngày. Đây cũng là ngày ghi nhận số ca mắc cao nhất tại thủ đô kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Trước tình hình đó, nhiều ý kiến cho rằng Hà Nội nên có các giải pháp để siết chặt, tăng cường công tác quản lý, thay đổi hình thức khác với hiện tại. Về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, việc Hà Nội ghi nhận số ca mắc liên tục tăng cao "kỷ lục" những ngày vừa qua là điều dễ hiểu khi các hoạt động được nới lỏng.
"Có thể thấy rằng người dân đã có dấu hiệu chủ quan trong phòng chống dịch. Nhiều ca mắc xuất hiện tại khu vực đông người như chợ, đám cưới, đám hiếu, liên hoan… Hà Nội đã nới lỏng các hoạt động thì ca mắc Covid-19 tăng nhanh là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, thành phố vẫn phải kiểm soát số ca mắc Covid-19, tăng cường kiểm soát hoạt động tập trung đông người. Những nơi tập trung đông người phải kiểm soát số người, cho phép hoạt động nhưng phải tuân thủ các biện pháp 5K. Nếu không thực hiện sẽ rất nguy hiểm.
Bên cạnh đó, phải tiếp cận, theo dõi các bệnh nhân mắc Covid-19 để bệnh nhân không trở nặng, nếu trở nặng không để tử vong", ông Phu nhấn mạnh.
Qua theo sát tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội, ông Phu đánh giá trong thời gian tới chắc chắn ca bệnh sẽ tiếp tục tăng nhiều, thành phố khó mà xét nghiệm được hết ngoài cộng đồng. Ông Phu nói rằng, Hà Nội cần tăng cường mạnh hơn các biện pháp phòng chống dịch như thực hiện 5K, tăng cường mạnh giám sát.
"Điều quan trọng nhất lúc này là phải theo dõi nếu không tăng cường kiểm tra như trước đây. Người dân bắt đầu chủ quan, nếu không làm tốt sẽ dẫn đến bùng dịch khó kiểm soát được. Ví dụ mới đây nhất, lực lượng chức năng phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy vừa qua xác định 5 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 liên quan đến nhà hàng, quán karaoke Monaza số 194 đường Trần Duy Hưng hoạt động sau 21h.
Nếu không thực hiện kiểm tra xử phạt những trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch sẽ không khống chế được. Khi số mắc nhiều, tôi sợ sẽ có nhiều ca nhiễm nặng, nhiều nặng chắc chắn sẽ có ca tử vong", ông Phu nói.
Ông Phu cũng cho rằng, các trường hợp người cao tuổi, người có bệnh nền phải hết sức chú ý hạn chế đi tới những khu vực đông người. Đặc biệt, con cháu phải bảo vệ cho chính người thân của mình bởi nếu để lây lan dịch vào những đối tượng này sẽ vô cùng nguy hiểm.
"Hiện nay, nhiều ca bệnh ngoài cộng đồng nên chúng ta phải thật chú ý bảo vệ sức khoẻ cho bản thân mình cũng như người thân trong gia đình. Càng lúc này, các cơ quan ban ngành thành phố, người dân càng phải đề phòng, nới lỏng chứ không phải buông xuôi thả lỏng", ông Phu cho hay.
Ngọc Trâm (Nguoiduatin.vn)