Khi Tổng thống Bush (con) nghẹn bánh quy ngã dập mặt giữa trận bóng bầu dục, phải đi cấp cứu, chẳng mấy người Mỹ chê ông ăn tham. May là Bush không ở Việt Nam...
Con đường từ một cậu bé bán thuốc lá dạo chợ Gò Vấp, từ một thiếu niên đi cày thuê cuốc mướn đến một nhà khoa học thành danh ở Mỹ, GS. TS Trương Nguyện Thành đã trải nghiệm vô số thử thách khó khăn.
Nhưng cho đến bài phỏng vấn hôm qua, vài ngày sau vụ việc, GS Thành vẫn "không hiểu tại sao" một chuyện rất nhỏ trong phương pháp giảng dạy sinh động và sáng tạo của mình, lại bị dư luận thử thách bằng nhiều gạch đá đến như vậy.
Chống ngủ gật cho sinh viên bằng cách… cho ngủ thật
"Làm thế nào để sinh viên không ngủ gật trong giờ học?", TS Nguyễn Thành Nam, Phó chủ tịch HĐQT ĐH FPT đã đưa ra đáp án bất ngờ.
TS Nam cho rằng không thể chống lại việc học trò ngủ gật giữa bài giảng cực kỳ nhàm chán của thầy. "Tốt nhất là cho họ ngủ thật".
Có những lớp đại học đã "ngủ thật" rất bài bản bằng cách phân công các nhóm chia ca để ngủ."Nếu cả lớp ngủ cùng lúc thì thầy cô sốc và bọn em không muốn làm thầy cô buồn, dù bài giảng không khác nào ru ngủ" – họ chia sẻ.
Ngay khi GS Thành nói với sinh viên "chờ thầy 1 phút", rồi vào toilet thay thế bộ quần áo đạo mạo bằng bộ quần áo phá , nhằm minh họa trực quan cho buổi giảng chủ đề "phát triển tư duy sáng tạo", tôi chắc chắn rằng những sinh viên hay ngủ nhất cũng tỉnh ngủ.
Không có điều gì thú vị hơn việc một người thầy sử dụng chính quần áo, cơ thể mình làm giáo cụ trực quan.
Nhiều chục năm trước, nhiều người trong lớp đại học báo chí chúng tôi đã sốc toàn tập khi biết một bí mật về môn lịch sử.
Một thầy giáo luôn đọc cho sinh viên chép bài từ đầu đến cuối tiết.
Sau này, một ai đó đã mượn được cuốn vở ghi chép của một sinh viên chăm chỉ học trước đó 10 khóa . Chúng tôi tỉ mẩn đối chiếu cuốn vở với những gì thầy đọc 10 năm sau.
Không sai 1 từ nào. Đơn giản là thầy đọc thuộc lòng 100% toàn bộ nội dung 45 tiết học.
Chúng tôi chép miệng thông cảm vì biết thầy là bộ đội chiến đấu chuyển ngành sau 1975, dù nửa lớp luôn ngủ gục trên bàn, phần còn lại cần mẫn chép chính tả.
Xử lý ảnh: Mạnh Quân. |
"Tao tránh thai kỹ lắm rồi mà sao vẫn có thai"
Việc thầy đọc – trò chép ấy, hôm nay vẫn diễn ra đâu đó ở một số môn và một số trường, kể cả đại học và trên đại học.
Câu chuyện lý thuyết suông và hướng dẫn chay nhàm chán ấy không chỉ xảy ra ở ngành giáo dục, mà còn làm nên những "giai thoại có thực" trong ngành dân số.
Nhiều năm trước, các cán bộ dân số đã kể cho tôi nghe câu chuyện tưởng như đùa nhưng có thật.
Vì ngại ngùng, vì thiếu "đạo cụ" cán bộ dân số đã không dùng mô hình bộ phận sinh dục nam để hướng dẫn cách sử dụng bao cao su cho đồng bào vùng sâu vùng xa.
Họ lồng bao cao su vào ngón tay cái của mình để hướng dẫn sử dụng.
Một thời gian sau, họ bị kiện vì vợ người được phát bao cao su vẫn có thai.
Người chồng nói với cán bộ: "Khi ngủ với vợ, tao đã tránh thai rất kỹ bằng cách đeo bao cao su vào ngón tay cái như cán bộ hướng dẫn, mà vợ tao vẫn có thai là sao?".
Chả phải chỉ có ở vùng xâu vùng xa, vài năm trước các nữ sinh thành thị được dịp hoang mang khi một nữ sinh viết trên diễn đàn: Cô bị dính bầu sau khi đi tắm ở bể bơi.
Các chuyên gia về dân số đã "không nhịn được cười" trước phát minh vĩ đại này.
Cô gái đó và biết bao cô gái khác đã được thụ hưởng một nền giáo dục khép nép, cũ kỹ, không dám phá cách và tư duy sai lầm trong việc dạy giới tính.
Khi TS Lê Thẩm Dương dùng một số "ngôn ngữ không mặt vest, không thắt cavat" để giảng bài trong một lớp rất người lớn – các doanh nhân, ông đã bị phản ứng dữ dội.
Thay vì góp ý nhẹ nhàng trước một vài hạt sạn nhỏ trong phương pháp giảng độc đáo, cuốn hút và khá đời thường, phù hợp với những người rất trưởng thành trong xã hội, thì cư dân mạng chỉ nhìn thấy mấy từ ngữ không giống cách mà họ đã được dạy ở phổ thông.
Họ ném đá mà quên mất rằng mình cần phải hỏi: Những người ngồi trong lớp học của TS Dương, GS Thành thấy buồn ngủ hay cực kỳ hào hứng, thú vị?
Xử lý ảnh: Mạnh Quân. |
Obama không lỗ mãng và Bush không tham ăn
Cây viết Hiệu Minh đã đề nghị: Thế kỷ 21 rồi, đừng nhìn vào cái quần cộc của GS Thành để đánh giá trí tuệ, sự sáng tạo và phẩm chất đạo đức của ông, như thời thầy đồ thế kỷ 19.
Tay trắng vươn lên tầm cao của khoa học, có hàng trăm công trình/ bằng sáng chế được quốc tế ghi nhận như GS Thành, chắc chắn phải có tố chất của một người nghiêm túc.
Nếu nghĩ đến điều đó, thì khi nhìn bộ quần áo của GS Thành, chúng ta sẽ không dễ ném đi một hòn đá giận dữ.
Khi Tổng thống Obama gác 2 chân lên bàn làm việc, chẳng có nhiều người chê ông lỗ mãng. Họ nhìn thấy trước khoảnh khắc ấy là một Obama tinh tế cầm ô che mưa cho nhân viên, làm hề mua vui cho người dân, chơi bắn súng với trẻ nhỏ.
Khi Tổng thống Bush (con) nghẹn bánh quy ngã dập mặt giữa trận bóng bầu dục, phải đi cấp cứu, chẳng mấy người Mỹ chê ông ăn tham. Họ biết, ai trong đời cũng có thể gặp những tai nạn bình thường ấy.
Khi video "con khỉ nhảy múa" lan truyền trên mạng, rất ít ai nghĩ CEO của Microsofl nhiệm kỳ trước, Steven Ballmer, là người có vấn đề thần kinh, dù ông nhảy nhót và la hét như một con khỉ thực sự trên sâu khấu trong suốt 45 giây.
Họ nhìn thấy đằng sau hành động kỳ quặc đó một chiến lược gia vui nhộn, nhiệt huyết, thân thiện và một chuyên gia truyền thông không phải dạng vừa.
Trong một bộ phim Mỹ nổi tiếng, vị Tổng thống đã thú nhận với một cậu bé: Đã có lúc, ông bị tiểu són ra quần.
Trớ trêu thay, việc ấy xảy ra chỉ trước vài phút ông bước lên bục, trước hàng trăm ống kính săm soi của phóng viên, để có bài phát biểu rất quan trọng.
"Ta cũng là một con người. Mà con người thì ai cũng có lần đi tiểu bị vương ra quần" – vị Tổng thống nói với cậu bé.
Chỉ nhìn một vết nước tiểu trên quần, không thể đánh giá đó là một tổng thống luộm thuộm, cẩu thả.
TS bị nhắn tin dọa giết, TS "không nói nữa" và "tôi chán làm thầy lắm rồi"
Phản ứng của dư luận trước phương pháp giảng dạy mới của GS Thành (chỉ mới ở Việt Nam, không mới so với thế giới) đã phần nào cho thấy con đường đổi mới dạy và học ở Việt Nam, còn rất nhiều gập ghềnh.
Điều gập ghềnh quan trọng nhất, giống như GS thành đã chỉ ra: Khi vẫn giữ định kiến cũ thì không thể sáng tạo, đổi mới.
TS Lương Hoài Nam đã tuyên bố không có thêm bất cứ ý kiến gì về cấm xe máy nữa, sau khi tham luận của ông bị ném đá tơi tả. Là một cư dân mạng chăm chỉ, ông vẫn quá sợ đống gạch đá nhiều bất thường.
Một người khác, tiến sĩ M, thậm chí còn bị nhắn tin dọa giết khi ủng hộ lộ trình cấm xe máy ở thành phố lớn.
Người ta có thể không đồng tình về cách tiếp cận, đề xuất của chuyên gia nào đó, nhưng dọa giết họ chỉ vì ý kiến khác với mình, thì về bản chất, rất giống mấy trăm năm trước, nhà bác học Galilei bị xét xử bởi dám nói "trái đất quay xung quanh mặt trời" – ngược với quan điểm của Giáo hội và phần còn lại của thế giới.
20 năm trước, thầy giáo dạy báo chí của chúng tôi đã có lần tâm sự nửa đùa nửa thật: "Tôi chán làm thầy lắm rồi. Nhiều khi, mình đang ở nhà mặc quần sooc, áo ba lỗ, cầm đùi gà gặm rất tự nhiên, thì đùng một cái sinh viên đến chơi.
Thế là phải đi vào nhà "mặc quần áo theo kiểu thầy" – quần chùng áo dài; "gặm đùi gà theo kiểu thầy" – nhỏ nhẹ, tinh tế từng sợi một.
Không gồng mình lên thế thì họ mặc định: Thầy gì mà ăn, mặc thô lỗ. Thầy cũng là con người thôi, có nhiều tay nhiều đầu hơn sinh viên đâu nhỉ?!".
Chán "làm thầy theo kiểu cũ", nên thầy giáo này đã biến những buổi học của chúng tôi thành các phiên thảo luận hào hứng, bằng nhiều cách giảng sáng tạo.
Cách đây ít năm, các phiên họp HĐND TP.HCM sôi động lên hẳn, vì ông "Hội đồng Khoa" đã thay đổi phương pháp phát biểu.
Thay vì nói suông về tình trạng bớt xén trong xây dựng, ông cầm trên tay bằng chứng là một cục bê tông kém chất lượng do đích thân mình lấy về sau khi "vi hành" dưới cống hộp.
Khi xem cách ông Khoa mô tả trực quan sinh động, bạn tôi, một tiến sĩ thở dài: "Giá mà các thầy cô cũng giảng bài theo kiểu ấy, thì học trò đâu có phải bắt chấy, nhổ tóc sâu cho nhau trong giờ học".
GS Hồ Ngọc Đại, một người khởi xướng đổi mới giáo dục từ gần 50 năm, 3 năm trước đã phát biểu: Vào thời điểm này, tất cả các ngành, các nghề của con người và xã hội đã biến đổi rất lớn so với cách đây 15-20 năm, nhưng nghiệp vụ sư phạm của chúng ta thì từ nửa thế kỷ nay không thay đổi gì cả.
Thậm chí còn tệ hại hơn trước vì trước là thầy giảng, trò ghi nhớ nhưng bây giờ là thầy đọc, trò chép.
GS Đại đưa ra một ví dụ: Đổi mới không chỉ là thay chiếc cày gỗ thành chiếc cày inox. Tức là chỉ thay đổi chất liệu. Mà đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phải là thay chiếc cày đi sau con trâu bằng chiếc máy cày.
Xét về khía cạnh phương pháp, việc dùng thân thể mình làm giáo cụ trực quan của GS Thành, cũng là thay "chiếc cày gỗ cổ lỗ" trong cách giảng bài, bằng chiếc máy cày sáng tạo, khác biệt.
Những ngày này chúng ta đang nói về cuộc cách mạng 4.0 trên thế giới và ai cũng hỏi: Việt Nam làm gì để bắt kịp nó?.
Muốn làm cách mạng phải đón đầu, phải sáng tạo, phải đột phá.
Nếu số đông chúng ta vẫn thấy "quá mới" đến mức không chấp nhận nổi một phương pháp giảng dạy đã cũ từ nhiều chục năm trước ở Âu, Mỹ (như GS Thành vừa giảng), thì sự "bắt kịp, đón đầu" ấy chỉ là thứ mỹ từ nhảy múa trong đầu mấy chuyên gia trà đá vỉa hè, trong một ngày thời tiết mát mẻ.
Theo Bùi Hải (Trí Thức Trẻ)