Cuối cùng thì người đã có phát ngôn ấn tượng: "Từng mét đất của thành phố Đà Nẵng được soi rất kỹ", đã bị soi rõ trong kính chiếu yêu của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Khi thông tin về việc vi phạm đến mức phải kỷ luật hai quan chức cao cấp nhất Đà Nẵng, tràn ngập trên mạng xã hội, thì có một thông tin nhỏ gây xúc động.
Đó là hình ảnh vợ chồng Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đi ăn bữa cơm 2.000 đồng – quán cơm được Nguyên Tổng biên tập báo Pháp luật TP.HCM mở ra để phục vụ người nghèo.
Bữa cơm mà ông Trương Tấn Sang và phu nhân thấy ngon miệng đến độ trên đĩa không còn thức ăn thừa. Ông Nam Đồng tiết lộ, ngày khai trương quán cách đây mấy năm, Chủ tịch Sang đã cùng vợ đến ăn, rồi sau đó tiếp tục đồng hành giúp đỡ.
Nhìn hình ảnh ông Trương Tấn Sang, tôi nhớ ngay đến những tấm ảnh biệt phủ nguy nga toàn gỗ quý của Chi cục trưởng kiểm lâm Quảng Trị gây xôn xao dư luận suốt hai ngày nay.
Rút kinh nghiệm từ những biệt phủ được tích cóp từ nghề buôn chổi đót, chạy xe ôm, ông Chi cục trưởng nói rằng tài sản này do kinh doanh nhiều năm mới có.
Tài sản rất lớn, nhưng di sản họ để lại là gì ngoài sự bức bối, phẫn nộ của nhân dân?
Khi còn tại nhiệm, ông Trương Tấn Sang cam kết: "Nhà tôi nhỏ thôi, 51 mét vuông, tôi xin nguyện rằng sẽ không lấy cái vi-la nào đâu, kể cả khi về hưu dứt khoát tôi không lấy một mét vuông đất nào hết".
Nhìn nụ cười ông Trương Tấn Sang, nhìn những cái bắt tay, ánh mắt và cách gọi thân thương "chú Tư" của những người đang phải xếp hàng ăn bữa cơm từ thiện ở quan Nụ Cười, tôi thấy ông hạnh phúc, thanh thản.
Trong những di sản ông để lại, chắc chắn có sự ấm áp và niềm tin về một vị lãnh đạo tử tế.
Ông Nam Đồng, chủ của chuỗi 6 quán cơm từ thiện Nụ Cười, là một người làm báo giỏi và rất khác biệt. Nhiều chuyện về sự "ki bo tích cực" của ông, bây giờ vẫn được anh em phóng viên kể như một giai thoại.
Khi làm Tổng biên tập tờ báo uy tín Pháp luật TP.HCM, ông đã rất tiết kiệm. Có chuyến đi công tác Hà Nội, thậm chí ông chon cách xin ngủ nhờ ở văn phòng đại diện của Báo Phụ nữ, vì không muốn báo phung phí tiền thuê khách sạn.
Từ lối sống đến ăn vận, Nam Đồng đều xuề xòa, giản dị.
Một người tiết kiệm như vậy nhưng lại sẵn sàng bỏ ra rất nhanh nhiều chục triệu một lần để phóng viên điều tra có thể thâm nhập, khám phá những đường dây hắc ám của lợi ích nhóm. Thời ông làm TBT, rất nhiều loạt bài điều tra nổi tiếng được đăng tải.
Di sản của một người làm báo như ông còn được tiếp tục bồi đắp sau khi về hưu bằng cách đem lại nụ cười cho người nghèo khó.
Những người tử tế, ai cũng sẽ có di sản của riêng mình.
Hậu vận sám hối và hậu vận cô đơn
Di sản mà "người cha của Singapore" Lý Quang Diệu để lại cho dân là một đảo quốc phồn vinh, một trung tâm tài chính của thế giới, dù trước đây nó chỉ là một làng chài nghèo.
Nhưng ngay cả việc sử dụng ngôi nhà của Lý Quang Diệu sau khi qua đời, cũng là việc được dân chúng đem ra mổ xẻ: Ngôi nhà ấy nên trở thành đồ thừa kế cho con cháu, hay phải coi nó là di sản quốc gia.
Ở những nơi mà minh bạch trở thành thước đo văn minh của xã hội, mọi góc khuất về tài sản và di sản, đều được soi chiếu rõ.
Trong xã hội đang phát triển như Việt Nam, người có tài sản không thiếu, nhưng người để lại di dản thì không phải dễ kiếm.
Ngược lại, rất nhiều nhân vật không có tài sản gì, vẫn để lại những di sản tinh thần to lớn.
Đó là một anh lính cứu hỏa hy sinh sau khi lao vào lửa đỏ cứu dân; một em bé nhảy xuống lũ dữ cứu bạn; một nhà báo trẻ đăng ký hiến tạng sau khi qua đời; một lão nông nghèo hiến hàng ngàn mét vuông đất làm trường học…
Tài sản của ông Nguyễn Sự Hội An có những gì ngoài căn nhà cũ và chiếc xe đạp? Nhưng Nguyễn Sự đã để lại bức tượng tinh thần của mình hiện diện không chỉ trong văn minh đô thị mà còn trong văn hóa ứng xử với di sản của người Hội An.
Dĩ nhiên, những người như ông Sự sẽ sống những năm tháng tuổi già ung dung nhất.
Không ít người còn nhớ chuyện hai nhân vật đứng đầu một cơ quan lớn chuyên đi thanh kiểm tra, cuối đời chính mình lại dính bê bối.
Một vị lui về quê, sống ở một bản làng nhỏ phía Bắc những ngày cuối đời trong lặng lẽ. Dẫu sao, thái độ ấy cũng chứng tỏ ông là người biết hối hận.
Còn vị khác, sống giữa biệt phủ nguy nga ở một tỉnh miền nam, nhưng tôi tin rằng những năm tháng cuối, ông chả thể ngẩng cao đầu nhìn mặt bà con lối xóm.
Có một vị cấp phó của hai ông này, tự coi mình thanh sạch như Bao Công thời nay. Nghỉ hưu rất nhiều năm nhưng mái đầu tóc bạc trắng ấy vẫn ngẩng cao ngạo nghễ và khí khái đến độ kiên quyết không cho phép báo chí đăng bài phỏng vấn mình nếu cắt đi những phần gai góc nhất.
Mối lợi ngắn và chuyến tàu dài
Khi đến thăm Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng – bệnh viện khởi dựng do công đầu của ông Thanh - tân Bí thư Nguyễn Xuân Anh đã nói một câu rất hợp lòng người: Đừng phụ công lao anh Nguyễn Bá Thanh.
Thế nhưng một năm rưỡi sau khi nhậm chức, ông Nguyễn Xuân Anh đã phụ công người tiền nhiệm khi "góp phần" khiến thành phố xáo động về mặt nhân sự và khủng hoảng về niềm tin.
Đường quan lộ lẽ ra còn dài, nhưng vì vẫn vướng sân si ngắn, ông đã bỏ lỡ cơ hội cầm lái một con tàu đáng mơ ước.
Vài tháng trước, ông Nguyễn Xuân Anh đã có một câu nói ấn tượng: "Mật độ phóng viên nhà báo dày đặc chứng tỏ từng mét đất của thành phố được các phóng viên "soi" rất kỹ, áp lực cho thành phố rất lớn và đòi hỏi các cấp lãnh đạo phải luôn cố gắng".
Hôm nay, người bị soi bởi kính chiếu yêu của Ủy ban Kiểm tra Trung ương lại chính là ông, người không cố gắng vượt qua những cám dỗ cũng là chính ông.
Khi mới nhậm chức, trò chuyện với các bệnh nhi ung bướu, ông Nguyễn Xuân Anh động viên: "Các cháu hãy cố gắng để vượt qua bệnh tật".
Hôm nay, chính ông lại không vượt qua nổi "căn bệnh" mà nhiều quan chức vụ lợi, thiếu trung thực mắc phải.
Ở nhiều nước, người ta làm giàu rồi mới ra làm quan vì muốn để lại di sản cho đời.
Một số công bộc hiện nay lại nghĩ khác: Làm quan để làm giàu. Tư duy nhiệm kỳ, hoàng hôn nhiệm kỳ đều phục vụ cho mục đích ấy.
Chính vì thế, với những người này, di sản chưa thấy đã thấy di họa. Dấu ấn chưa thấy đã thấy hậu vận buồn.
Theo Bùi Hải (Soha/Trí Thức Trẻ)