Quan họ vẫn ngả nón xin tiền

20/02/2016 07:50:53

Dù chưa đến chính hội nhưng hàng nghìn du khách thập phương đã về trẩy hội Lim (thị trấn Lim, Tiên Du, Bắc Ninh) trong ngày 19/2 (tức ngày 12 tháng Giêng âm lịch). Theo ghi nhận của phóng viên, vẫn còn tồn tại tình trạng “ngả nón xin tiền” ở nhiều lán hát.

Dù chưa đến chính hội nhưng hàng nghìn du khách thập phương đã về trẩy hội Lim (thị trấn Lim, Tiên Du, Bắc Ninh) trong ngày 19/2 (tức ngày 12 tháng Giêng âm lịch). Theo ghi nhận của phóng viên, vẫn còn tồn tại tình trạng “ngả nón xin tiền” ở nhiều lán hát.

Quan họ vẫn ngửa nón xin tiền ở hội Lim năm nay.

 
Chiều 19/2 dù chưa đến ngày chính hội nhưng hàng nghìn du khách thập phương đã về thị trấn Lim, trẩy hội nghe quan họ. Ngay từ đầu đường, hàng chục cửa hàng chơi trò phi tiêu nổ bóng trúng thưởng diễn ra dù lực lượng công an, dân phòng…đi tuần thường xuyên. Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, trên đồi Lim, dù hàng chục chiến sĩ cảnh sát, công an, đại diện ban tổ chức, dân phòng đi lại thường xuyên nhưng vẫn tồn tại nhiều địa điểm chơi giải cờ thế ăn tiền.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Văn hóa huyện Tiên Du, Phó Ban chỉ đạo tổ chức hội Lim cho biết, năm nay, bên cạnh sự hỗ trợ của lực lượng công an tỉnh, 100% quân số công an, quân sự của huyện được huy động bảo đảm an ninh cho lễ hội. Ngoài ra cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông các huyện lân cận, lực lượng dân quân tự vệ, đoàn viên thanh niên cũng được huy động hỗ trợ bảo vệ lễ hội, du khách. Các đội quản lý thị trường cũng ra quân nhằm quản lý giá, quản lý các mặt hàng, quản lý vệ sinh, an toàn thực phẩm, trật tự lễ hội. “Chúng tôi thống nhất là thấy trò chơi giải cờ thế ăn tiền là đuổi, tuy nhiên các anh phải thông cảm vì các tụ điểm chơi cờ thế ăn tiền rất dễ di chuyển. Đuổi họ chỗ này thì họ chuyển sang chỗ khác. Với lại cũng chưa có chế tài để xử phạt”, ông Hùng nói. Ông Hùng cho biết, những gian hàng chơi trò “phi tiêu vỡ bóng” không phải là “ăn tiền” mà chỉ là nhận giải thưởng nên không thể xử lý.

Theo ông Hùng, năm nay, Ban tổ chức lễ hội dựng nhiều biển cấm bán, cho thuê áo quan họ; đồng thời xử lý triệt để những tệ nạn mê tín dị đoan, ăn xin, ăn mày. “Những năm trước, việc cho thuê áo quan họ diễn ra nhiều. Các bạn trẻ thay quần áo ngay trước cửa chùa rất phản cảm nên phải cấm”, ông Hùng nói.

Thế nhưng việc cho thuê trang phục rồi thay ngay cổng chùa vẫn diễn ra. Về gửi xe, trước khi diễn ra lễ hội, các địa điểm đã ký cam kết về mức giá gửi xe, tuy nhiên, thực tế giá gửi một chiếc xe máy là 20.000 đồng, gấp nhiều lần so với mức bình thường.

Tình trạng này dù đã bị nghiêm cấm nhưng vẫn xảy ra tại một số lán hát, canh hát quan họ dưới thuyền. Quan sát tại ao xóm Đông Đạo (thị trấn Lim), nơi có hát quan họ dưới thuyền vào chiều ngày 19/2, chúng tôi vẫn nhận thấy các liền anh, liền chị trên thuyền hát các thể loại nhạc đỏ, nhạc trẻ. Tình trạng người dân đưa và nhận tiền diễn ra như chưa từng có lệnh cấm. Tại lán hát của CLB quan họ xã Tri Phương, có hai liền chị cầm theo khay trầu têm cánh phượng đi ra cả phía bên ngoài chiếu hát, chìa về phía khán giả. Có khá nhiều người đã bỏ tiền vào khay với giá trị từ 100 nghìn đồng trở xuống. Tuy nhiên, khi được hỏi về các trường hợp đã bị phát hiện và xử lý có biểu hiện “ngửa nón xin tiền”, ông Hùng cho biết, đến chiều ngày 19/2, vẫn chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm (?).
 
>> Chưa khai hội, khấn thuê, lễ mướn đã vây khách "vay" tiền Bà Chúa Kho
>> Hội Yên Tử: Dùng cả chứng minh thư “đánh bóng” chùa Đồng

Theo Trường Phong - Nguyễn Trường (Tiền Phong)

Nổi bật