Quá tải xe máy 'vô chủ' ở TP HCM, Đồng Nai

13/10/2018 09:12:53

Lượng phương tiện vi phạm bị tạm giữ quá thời hạn đang trong tình trạng quá tải bãi giữ bởi việc xử lý kéo dài do thủ tục rườm rà, hành lang pháp lý chưa rõ ràng

Tại TP HCM hiện đang tồn đọng hàng ngàn phương tiện vi phạm (chủ yếu là xe máy) quá thời gian tạm giữ nhưng không có người đến nhận. Trong khi đó, chỉ riêng năm 2017, tại TP có hơn 10.000 phương tiện phải mang đi đấu giá do không có người nhận. Còn tại Đồng Nai, cơ quan chức năng tỉnh này cho rằng việc bán đấu giá xe vi phạm "vô chủ" không đủ bù chi phí kho bãi trong thời gian tạm giữ quá dài.

Khắp nơi quá tải

Đại diện Đội Tuyên truyền điều tra giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm giao thông đường bộ, thuộc Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC08) Công an TP HCM, cho biết qua kiểm tra và thống kê tại TP, hầu hết các phương tiện vi phạm không có người đến nhận tập trung ở khu vực vùng ven, chợ đầu mối với nhiều người lao động tự do. Do đó, các phương tiện của những người vi phạm trên thường có giá trị rất thấp nên khi bị tạm giữ họ thường chọn giải pháp bỏ luôn. Vì thế, lượng xe vi phạm "vô chủ" ngày càng nhiều dẫn đến quá tải bãi chứa.

Quá tải xe máy 'vô chủ' ở TP HCM, Đồng Nai
Lượng xe máy vi phạm “vô chủ” tồn đọng sau thời gian dài tạm giữ gây lãng phí lớn Ảnh: GIA MINH

Trao đổi với phóng viên ngày 12-10, một cán bộ thuộc Đội CSGT Nam Sài Gòn cho biết năm 2017, riêng đơn vị này có khoảng 500 phương tiện bị tạm giữ không có người nhận hoặc quá hạn. Còn theo Đội CSGT Phú Lâm, tình trạng xe vi phạm không có người đến nhận diễn ra nhiều vào các năm 2015-2017, bắt đầu giảm vào năm 2018 do lượng xe cũ, xe "mù" đã bị tịch thu khá nhiều. Tuy nhiên, số lượng xe vi phạm và tồn đọng do không có người tới nhận vẫn rất lớn, gây quá tải và khó cho việc quản lý, bảo quản tại bãi chứa.

Ghi nhận của phóng viên ở nhiều bãi chứa xe vi phạm tại TP HCM cũng cho thấy do hạn chế về quỹ đất nên các điều kiện an toàn như PCCC cũng như việc bảo quản phương tiện khó bảo đảm. Tại nhiều bãi giữ xe dễ dàng nhìn thấy nhiều xe vi phạm bị tạm giữ đã hư hại nghiêm trọng, gỉ sét bởi thời gian dài bị tạm giữ nhưng không có người đến nhận.

Tại Đồng Nai, thông tin từ công an tỉnh này cho biết trên địa bàn hiện còn 7.755 phương tiện bị tạm giữ nhưng trong đó có đến 6.997 phương tiện đã quá thời hạn, có quyết định xử phạt nhưng các chủ sở hữu, người vi phạm không đến giải quyết. Vì lượng xe vi phạm tồn đọng quá nhiều, gây áp lực đối với sức chứa tại các kho bãi do thiếu quỹ đất, kéo theo các tiêu chuẩn, điều kiện an toàn tại các bãi giữ xe khó đáp ứng yêu cầu.

Cần pháp lý rõ ràng

Theo đại diện Đội Tuyên truyền điều tra giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm giao thông đường bộ (PC08 Công an

TP HCM), theo quy trình hiện nay, với những phương tiện vi phạm khi lập biên bản xử phạt mà không có giấy tờ, CSGT phải đến tận nơi đăng ký biển số xe hoặc đề nghị địa phương xác minh phương tiện. Nếu xe đó có chủ sẽ phát thông báo, yêu cầu đến xác nhận và thực hiện quyết định xử phạt. Sau 3 lần không có người đến sẽ đăng thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng và hết 90 ngày, phương tiện đó vẫn không có người đến nhận thì sẽ thanh lý. "Công an TP nhận nhiệm vụ phân loại các phương tiện không có giấy phép lưu hành và giấy tờ không đầy đủ, từ đó chia ra từng lô hàng, còn Sở Tài chính đảm nhiệm bán đấu giá" - đại diện đơn vị trên cho hay.

Quá tải xe máy 'vô chủ' ở TP HCM, Đồng Nai - 1
Những chiếc xe “mù” thế này khi vi phạm và bị tạm giữ thì người điều khiển thường chọn giải pháp… bỏ luôn Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai khẳng định việc xử lý phương tiện tồn đọng đang gặp khó khăn, do vướng nhiều thủ tục nên rất mất thời gian để tiến hành thanh lý theo quy định. Mặt khác, đa phần phương tiện vi phạm có giá trị thấp nên khi thanh lý, nguồn thu từ những phương tiện này không đáp ứng chi phí kho bãi, giám định, đăng công báo…

Trước thực trạng trên, cả 2 địa phương khẳng định để tránh lãng phí thì nhất thiết phải rút ngắn thời gian xử lý xe vi phạm diện "vô chủ". UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị cần có quy định rút ngắn thời gian, số lần thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng; đề nghị giám định ngay các phương tiện có giá trị thấp bị tạm giữ mà chủ phương tiện không đến nhận.

Theo luật sư Nguyễn Tri Đức, (Đoàn Luật sư TP HCM), việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu hiện phải đáp ứng nhiều quy định cùng các thủ tục liên quan. Với những phương tiện bị tịch thu, quy định việc đấu giá phải được thuê tổ chức đấu giá ở nơi xảy ra vi phạm để thực hiện. Trường hợp không thuê được tổ chức bán đấu giá hoặc tang vật, phương tiện vi phạm hành chính không còn giá trị, không bán đấu giá được thì phải thành lập hội đồng đấu giá để thực hiện. Việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu phải được lập thành biên bản có chữ ký của các thành viên hội đồng. Đáng nói, nhiều phương tiện không còn giá trị sử dụng nhưng vẫn phải tiến hành đầy đủ các phương thức, trình tự thủ tục như trên. Với các phương tiện đã quá thời hạn tạm giữ nhưng không có người đến nhận thì hiện chưa có hướng dẫn cụ thể, làm phát sinh nhiều bất cập như chi phí lưu kho, bến bãi, phí bảo quản…

Từ những tồn tại trên, ông Đức nhấn mạnh cần có một hành lang pháp lý với các hướng dẫn cụ thể, rút ngắn các thủ tục liên quan đến việc xử lý các phương tiện bị tịch thu. Tuy nhiên, để tránh có hiện tượng lạm quyền, ngoài các thông tin như quy định xử lý trong biên bản thì trước khi thanh lý tài sản trong một khung thời gian nhất định, cơ quan thẩm quyền cần có văn bản gửi các địa phương nơi có hành vi vi phạm thông tin cho chủ xe, người vi phạm hoặc xác nhận nếu xe "vô chủ".

“Những phương tiện có giá trị thấp, không có người đến nhận hoặc xe không đủ điều kiện tham gia giao thông thì có thể thực hiện ngay đấu giá, thanh lý tài sản để tránh lãng phí” - luật sư Nguyễn Tri Đức kiến nghị. 

Theo Xuân Hoàng- Lê Phong- Gia Minh (Nld.com.vn)

Nổi bật