Rất nhiều cá rô phi chết trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè tháng 5-2016 - Ảnh: Hữu Khoa |
Nhiều đại biểu cho rằng cá trên kênh NT-LN được sự quan tâm của nhiều người dân TP. Vì vậy, không ít người cảm thấy xót xa khi chứng kiến cảnh cá chết hàng loạt trên dòng kênh và mong mỏi TP sớm có những biện pháp chấm dứt tình trạng này.
Cá rô phi chiếm 84%
Nghiên cứu của nhóm thực hiện đề tài “Cơ sở khoa học về sức tải thủy vực và chiến lược quản lý đàn cá trên kênh NL-TN” cũng cho rằng trong hơn 10 loài thủy sản sinh sống dưới kênh NL-TN (trê lai, lóc, rô đồng, rô phi, chép...) thì số lượng cá rô phi chiếm nhiều nhất - ước mật độ gần 7 con/m2 và ước tính theo tỉ lệ, rô phi chiếm tới 84,2% cá sống dưới kênh.
Rô phi và cá chép là những loài cá được cho là không có hệ hô hấp phụ, thích ứng với điều kiện môi sinh ở kênh, nhưng lại nhạy cảm với môi trường thay đổi đột ngột. Điều này được chứng minh trong các lần xuất hiện cá chết nhiều thì hai loại cá này là chủ yếu.
Lý giải vì sao cá rô phi sinh trưởng, phát triển nhiều như vậy, trong khi từ năm 2013 đến nay, TP mới tổ chức thả cá một lần với hơn 250.000 con, PGS.TS Vũ Cẩm Lương (ĐH Nông lâm TP.HCM), chủ nhiệm đề tài nói trên, cho rằng ngoài việc người dân phóng sinh thì đặc điểm loài cá rô phi là ấp, giữ con trong miệng nên ít bị cá khác ăn.
Với mật độ cá như hiện nay, PGS.TS Vũ Cẩm Lương nhận định là quá nhiều, vượt sức tải thủy vực của dòng kênh, cần phải được “tỉa bớt”, nhưng ở mật độ như thế nào là phù hợp thì cần phải nghiên cứu chuyên sâu thêm.
Đồng tình với ý kiến trên, các đại biểu cho rằng cần có giải pháp căn cơ, như thực hiện việc nạo vét lớp bùn hữu cơ tích tụ dưới kênh, cũng như kiểm soát nước thải, nhưng việc này cần có thời gian và kinh phí thực hiện.
PGS.TS Vũ Cẩm Lương đề nghị: “Phải sống chung với tình trạng hiện nay và chỉ thực hiện các giải pháp mang tính chất trước mắt, có thể thực hiện nhanh”.
Đó là quản lý đóng - mở cửa ngăn triều NL-TN sao cho hợp lý, theo nguyên tắc không tháo nước trong kênh quá kiệt, không đưa nước vào cực đại giữa khuya và sáng sớm (thời điểm oxy trong nước thấp nhất trong ngày).
Bên cạnh đó, chủ động thực hiện cung cấp thêm oxy cho nước kênh NL-TN bằng các hình thức như tạo thành những vòi phun nước trên kênh, nước phun lên hút oxy rồi đưa oxy xuống nước, hay làm những quạt nước tạo oxy như mô hình quạt nước tại các ao nuôi tôm.
“Việc này, một số quốc gia như Thái Lan đã từng thực hiện thành công” - ông Lương cho biết.
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ: Các giải pháp đề xuất trong nghiên cứu khi nào sẽ được áp dụng, để mùa mưa những năm sau không còn hiện tượng cá chết hàng loạt trên kênh NL-TN?
Bà Huỳnh Thị Kim Cúc, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP, cho rằng: “Lãnh đạo cũng như người dân TP đều mong mỏi chuyện cá chết hàng loạt trên kênh NL-TN không còn xảy ra. Nhưng việc này là rất khó, vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Sở và các cơ quan liên quan sẽ áp dụng nhiều biện pháp, cố gắng giảm mức thấp nhất hiện tượng cá chết trên kênh”.
Về kết quả nghiên cứu cũng như các giải pháp đề xuất của PGS.TS Lương, bà Cúc cho biết đang chờ báo cáo hoàn chỉnh để kiến nghị cụ thể với UBND TP.
Nhân viên Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM vớt cá chết trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chiều 17-5 - Ảnh: HỮU KHOA |
Cá chết liên tục 3 năm liền
Ông Trần Văn Sơn, phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP), cho biết liên tục ba năm liền (từ năm 2014 đến nay) năm nào cũng xảy ra hiện tượng cá chết trên kênh NL-TN.
Thời điểm cá chết có lúc gần nhau, khoảng tháng 4, tháng 5. Mỗi lần cá chết, ít thì vài tấn, nhiều hàng chục tấn (số cá chết được cơ quan chức năng công bố ngày 18 và 19-5-2016 là trên 70 tấn).
Về nguyên nhân cá chết, ông Sơn cũng cho rằng do vấn đề ô nhiễm. Thời điểm cá chết thường xảy ra lúc giao mùa, lượng nước mưa đầu mùa cuốn các chất gây ô nhiễm xuống lòng kênh, làm xáo trộn các chất ô nhiễm dưới đáy, thậm chí quá trình nước mưa chảy xuống kênh làm phát sinh một số khí độc khiến cá chết.
Vậy chất lượng nước trên sông có phù hợp cho cá sinh trưởng? PGS.TS Vũ Cẩm Lương cho rằng trên tuyến kênh này có ba trạm quan trắc chất lượng nước, hằng quý và giữa năm đều đăng thông tin quan trắc trên mạng.
Tuy nhiên, cũng theo ông Lương, kết quả đó chỉ là thông tin tổng hợp phục vụ cho công tác báo cáo chứ chưa thể hiện tình hình môi trường cho sự phát triển của đàn cá.
“Ví dụ, nếu đo nồng độ oxy trong nước phải thực hiện đo lúc mặt trời chưa mọc, vì thời điểm này oxy trong nước xuống thấp nhất, còn khi nắng lên thì oxy đã được tăng lên nhiều. Và thời điểm cá bị sốc thường vào lúc sáng sớm” - ông Lương kết luận.
Ông Lương còn lý giải thêm cá trên kênh NL-TN có thể chịu đựng được sự thay đổi môi trường nước dưới kênh, nhưng là sự thay đổi diễn ra trong một thời gian dài chứ không chịu được sự thay đổi môi trường đột ngột.
Cụ thể, độ pH trong nước tốt cho cá ở mức 7, nhưng cá có thể chịu được ngưỡng pH là 5, nếu sự thay đổi này từ từ, trong thời gian dài. Trường hợp pH đang ở ngưỡng 7, nhưng sau một ngày đột ngột giảm xuống còn 5 hoặc 6, cá có thể bị sốc, cộng nhiều yếu tố khác dẫn đến cá chết hàng loạt.
PGS.TS Vũ Cẩm Lương cũng chỉ ra rằng kênh NL-TN là kênh giữa lòng đô thị. Mặc dù hệ thống cống ngầm phía dưới dẫn nước thải ra sông Sài Gòn nhưng vẫn có hiện tượng nước chảy tràn cuốn các chất cặn ô nhiễm xuống kênh.
Khi có mưa, dòng chảy thay đổi, làm cho môi trường nước kênh thay đổi đột ngột dẫn đến hiện tượng cá chết hàng loạt như thời gian qua.
Đó là chưa kể hiện nay dưới đáy kênh có một lớp bùn hữu cơ tích tụ nhiều khí độc, khi dòng chảy thay đổi làm những túi khí này bục ra, phát tán ra môi trường... H2S, NH3.
Cá an toàn nhưng không nên ăn Trả lời phóng viên báo Tuổi Trẻ: cá trên kênh NL-TN có an toàn để ăn?, PGS.TS Vũ Cẩm Lương cho biết kết quả kiểm tra của Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP cho thấy cá dưới kênh NL-TN không tồn dư kim loại nặng. Xét chỉ tiêu an toàn thực phẩm thì đạt ngưỡng an toàn. Tuy nhiên, hiện nguồn nước ô nhiễm còn chứa một số hóa chất khác chưa được quy định trong tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, nên ông Lương khuyến nghị người dân không nên dùng cá dưới kênh để ăn, đồng thời không nên phóng sinh cá rô phi vì số lượng cá này dưới kênh quá nhiều. |
TS Nguyễn Văn Hảo (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2): Nguồn nước bị ô nhiễm Cá chết là do oxy hòa tan trong nước xuống rất thấp và nguyên nhân là do ô nhiễm hữu cơ. Đó là chỉ thị để thấy kênh NL-TN đang bị ô nhiễm nghiêm trọng và chưa có biện pháp hữu hiệu để xử lý. Vì thế, bơm oxy và “tỉa cá” chỉ giải quyết phần ngọn. Cái chính là phải ngăn được nguồn ô nhiễm thải vào kênh. Vậy nên cần kiểm soát các nguồn thải và có biện pháp hữu hiệu để làm sạch nguồn nước. Cá có sống được hay không là một chỉ thị sinh học cho thấy các nguồn thải vào kênh NL-TN đã được kiểm soát tốt hay chưa. Vì thế, sau này chúng ta vẫn phải tiếp tục thả cá để biết được chỉ thị sinh học đó. TS Nguyễn Tuần (nguyên chủ tịch hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2): Phải giám sát trạm xử lý nước thải Việc xử lý hiện tượng cá chết trên kênh NL-TN bằng giải pháp bơm oxy, “tỉa cá”, theo tôi, không triệt để và tốn kém. Cá nuôi bè hoặc cá nuôi ao có mật độ lớn hơn rất nhiều so với cá được thả xuống kênh NL-TN thời gian qua. Thế mà cá thả xuống kênh này chết rất nhiều, không sinh sôi được. Bơm oxy vào kênh để cứu cá xem ra không khả thi, vì diện tích kênh rộng lớn như vậy bơm bao nhiêu oxy cho đủ, bơm xong oxy bay vào không khí thì cá hưởng được bao nhiêu? Nguyên nhân gốc rễ làm cá chết trên dòng kênh này theo tôi là do nguồn nước bị ô nhiễm, cá chết vì sự độc hại của hàng loạt chất ô nhiễm. Có hai nguyên nhân chủ yếu khiến nước kênh NL-TN hiện nay tiếp tục làm cá chết: các trạm xử lý nước thải ở hai bên bờ kênh xử lý chưa tốt hoặc hoạt động chưa tốt, và cơ quan quản lý vẫn chưa kiểm soát được nguồn nước thải vào kênh. Tôi đề xuất phải giám sát những trạm xử lý nước thải vào kênh, quản lý chặt những nhà máy - nhất là nhà máy nhỏ lẻ, và về lâu dài phải đưa công ty, xí nghiệp sản xuất công nghiệp ra khỏi TP. MỸ DUNG ghi |