'Phương án làm việc lúc 8h30, nghỉ trưa 1 tiếng sẽ gây xáo trộn lớn'

05/05/2019 06:32:36

Chủ tịch Liên đoàn Lao động Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho rằng đây chưa phải là mô hình phù hợp với Việt Nam, nhất là những người đã có gia đình.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) vừa trình Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, trong đó có đề xuất các cơ quan hành chính trên toàn quốc bắt đầu làm việc từ 8h30.

Theo đại diện của Bộ Lao động, đề xuất này nhằm thống nhất giờ làm việc cơ quan hành chính Nhà nước, thông suốt từ trung ương đến địa phương; đồng bộ hóa giờ làm việc, giờ nghỉ ngơi. Tuy nhiên, đề xuất này khiến nhiều chuyên gia, người lao động và cả các cơ quan quản lý băn khoăn.

Người lao động ở thành phố lớn đồng ý phương án thống nhất giờ làm từ 8h30. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị linh hoạt hơn để họ có thời gian tăng gia sản xuất, cải thiện thu nhập.

Sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của người dân

Trao đổi với Zing.vn, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nhận định các cơ quan hành chính ở Hà Nội hiện nay bắt đầu làm việc lúc 8h, nếu lùi xuống 30 phút sẽ gây xáo trộn lớn.

'Phương án làm việc lúc 8h30, nghỉ trưa 1 tiếng sẽ gây xáo trộn lớn'
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến. Ảnh: Thiduakhenthuong.org.vn.

Theo bà Tuyến, việc này ảnh hưởng lớn đến thời gian biểu của người lao động tại các cơ quan hành chính Nhà nước nhất là những người đã có gia đình.

"Hầu hết trường học đều bắt đầu lúc 7h, vậy sau khi đưa con đi học họ sẽ trống ra khoảng 1,5 giờ. Khoảng thời gian trống này lớn gây lãng phí nếu xét trên quỹ thời gian hạn hẹp của nhiều cán bộ, công chức", bà Tuyến chia sẻ.

Bộ LĐTB&XH đưa ra hai phương án về thời gian làm việc của công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

Phương án 1, thời gian làm việc dự kiến là từ 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút (trừ những cơ quan thường trực 24/24 giờ để đảm bảo liên thông công việc hoặc trực tiếp giải quyết công việc với người dân).

Phương án còn lại, giữ nguyên như hiện hành, thời gian làm việc không được quy định trong Bộ luật Lao động mà được quy định tại các văn bản hành chính.

Chủ tịch LĐLĐ Hà Nội cho biết ở Mỹ, Canada hay nhiều nước châu Âu, 8h30- 9h các công ty, cơ quan Nhà nước mới bắt đầu làm việc. Nhưng đây chưa phải là mô hình phù hợp với Việt Nam.

'Phương án làm việc lúc 8h30, nghỉ trưa 1 tiếng sẽ gây xáo trộn lớn' - 1
Cán bộ, công chức sẽ có khoảng 1,5 giờ sau khi đưa con đi học để đến nơi làm việc nếu Dự thảo của Bộ LĐTB&XH được thông qua. Ảnh minh họa: Ngọc Thắng.

"Đúng là ở nhiều quốc gia, nhân viên, công chức đi làm từ 9h nhưng như thế không phù hợp với văn hóa, với thói quen của người Việt. Bên cạnh đó, thời tiết nước ta thường xuyên nắng, nóng nên các địa phương tự chủ được thời gian làm việc sẽ giúp người lao động tránh được thời tiết cực đoan, nhất là vào những ngày mùa hè", bà Tuyến nêu quan điểm.

Bà Tuyến cũng lo ngại việc các cơ quan Nhà nước lùi giờ làm việc 30 phút sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của người dân. 

"Trước 8h là người dân có thể đến các cơ quan Nhà nước để giải quyết các công việc hành chính, giấy tờ. Nếu 8h30 cơ quan mới làm việc, họ lại phải chờ thêm 30 phút nữa. Khoảng thời gian có thể không lớn nhưng gây lãng phí cho xã hội, người dân", bà Tuyến nói.

Trong đề xuất của Bộ LĐTB&XH, giờ nghỉ trưa sẽ được quy định là 60 phút, tránh tình trạng có một số cơ quan, địa phương có giờ nghỉ trưa dài từ 1,5-2 giờ gây lãng phí thời gian.

Về vấn đề này, bà Tuyến hoàn toàn đồng tình với quan điểm của Bộ: "Nhật, Hàn Quốc thường chỉ nghỉ 1 giờ buổi trưa, và tôi cho rằng thế là đủ để người lao động nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động".

Các quốc gia khác có quy định về vấn đề này?

Trao đổi với Zing.vn, TS John Shields, chuyên gia về Khoa học Quản lý và Hành chính công, đại học Ryerson, Canada cho biết những quy định về giờ làm việc đã từng được đưa ra trong quá khứ, nhưng hiện không nhiều quốc gia còn sử dụng.

'Phương án làm việc lúc 8h30, nghỉ trưa 1 tiếng sẽ gây xáo trộn lớn' - 2
TS John Shields, giảng viên đại học Ryerson, Canada. Ảnh: Ryerson.ca.

"Ở Canada, nhân viên công sở, công chức nhà nước từng phải tuân thủ những luật lệ về giờ giấc làm việc. Tuy nhiên, giờ đây đặc điểm công việc nhân viên văn phòng đã khác trước rất nhiều. Điều đó đòi hỏi cần có sự linh hoạt và thời gian không phải ngoại lệ", ông Shields nói.

Giảng viên của đại học Ryerson cho rằng càng ngày càng có nhiều công việc máy tính có thể làm thay con người và họ thậm chí không cần có mặt ở văn phòng vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Bên cạnh đó, công chức có thể trao đổi công việc qua Internet, email dễ dàng, việc có mặt đúng giờ tại nơi làm việc không còn quá quan trọng.

"Việc yêu cầu người lao động có mặt tại văn phòng làm việc đúng giờ là chính đáng, nhưng cần đáp ứng đầy đủ các đặc điểm, tính chất của công việc, của cơ quan, hay thậm chí từng địa phương", vị chuyên gia nói.

Ở Canada, các công sở, trường học thường bắt đầu làm việc lúc 9h, nhưng đó không phải quy định gắn chặt với từng cơ quan. Vẫn có nhiều cơ quan tự chọn cho mình một giờ làm việc phù hợp nhất, có thể sớm hơn hoặc muộn hơn 9h nhưng không quá 1 giờ.

Ông cũng cho biết việc quy định giờ giấc đi làm ở mỗi quốc gia đều khác nhau và rất khó để so sánh xem mô hình nào là lý tưởng, hợp lý hơn. Bởi điều chỉnh thời gian cần cân nhắc nhiều yếu tố. Ông cho rằng Bộ LĐTB&XH muốn đồng bộ giờ đi làm để tạo sự thông suốt là có lý do.

Công chức, viên chức chưa nên vội lo lắng

Nêu ra một số bất cập khi đổi giờ làm, nhưng bà Tuyến cũng nhấn mạnh công chức, viên chức chưa nên vội lo lắng. Nếu đề xuất của Bộ Lao động được thông qua sẽ là một điểm tích cực, thay đổi nếp làm việc cũ.

"Đề xuất của Bộ LĐTB&XH có ý đồ rất rõ ràng, tạo sự liên thông, liền mạch trong quản lý hành chính Nhà nước, đồng bộ thời gian làm việc, nghỉ ngơi của tất cả các cơ quan. Việc này sẽ chấm dứt tình trạng cơ quan này đang làm việc, cơ quan kia còn chưa có ai đến, hay người làm người nghỉ trưa", Chủ tịch LĐLĐ Hà Nội bày tỏ quan điểm.

Ông Shields cho rằng Việt Nam việc đồng bộ hóa giờ làm việc cũng là một thay đổi lớn, có ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống người dân. Cải cách hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước cần nhiều yếu tố, đảm bảo thống nhất về mặt thời gian là một trong số đó.

Tuy nhiên, ông cho rằng Việt Nam cần ứng dụng công nghệ thông tin triệt để hơn nữa, đảm bảo thông suốt, đồng bộ về cả mặt công nghệ, hiệu quả hoạt động.

Theo Sơn Hà (Tri Thức Trực Tuyến)

Nổi bật