“Với tình cảm, trách nhiệm trong công tác cán bộ nữ, tôi tin phụ nữ có thể đảm nhiệm tốt các cương vị chủ chốt của Đảng, Nhà nước”, đó là chia sẻ của đại biểu Nguyễn Thị Thanh - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành T.Ư khóa XI, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình sáng nay (21.1), bên lề Đại hội Đảng XII.
Bà Nguyễn Thị Thanh - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành T.Ư khóa XI, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình - trả lời phỏng vấn báo chí. |
Bà đánh giá như thế nào về việc nâng cao vai trò của nữ cán bộ trong nhiệm kỳ tới?
- Với kết quả công tác cán bộ nữ trong nhiệm kỳ vừa qua và cả thời gian gần đây, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, chính sách cụ thể quan tâm đến đội ngũ cán bộ nữ. Với sự phát triển mạnh mẽ của phong trào phụ nữ, kết quả công tác cán bộ nữ, tôi tin thời gian tới, công tác cán bộ nữ trong Đảng, Quốc hội và chính quyền, tổ chức khác sẽ được nâng cao.
Bản thân lãnh đạo nữ sẽ có tâm thế vững vàng hơn, tự tin hơn để vượt qua rào cản đời thường, định kiến về giới để cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp cách mạng, cho Đảng, Nhà nước.
Nhìn sang khu vực có thể thấy một loạt lãnh đạo nữ cấp cao, từ Myanmar, Thái Lan… Theo bà, tương lai lãnh đạo nữ Việt Nam thì sao?
- Chúng tôi luôn tự hào về trí tuệ Việt Nam, trong đó có trí tuệ nữ. Phụ nữ Việt Nam lại có bề dày truyền thống của bà Trưng, bà Triệu và các thế hệ lãnh đạo nữ.
Truyền thống là hành trang quan trọng, cổ vũ chị em nữ phát triển, trong đó có cán bộ lãnh đạo nữ. Với trí tuệ, bản lĩnh của phụ nữ Việt Nam cùng sự nhân hậu sẽ là tiền đề để phụ nữ Việt Nam không thua kém thế giới.
Vậy theo bà, cần cơ chế, chính sách gì để phụ nữ tham gia lãnh đạo, đặc biệt ở cấp cao, thưa bà?
- Giữa quan điểm, chủ trương và cơ chế, quy định phải đi liền với nhau. Có chủ trương mà thiếu cơ chế thì khó có thể đi vào cuộc sống được. Cần các cơ chế, quy định cụ thể hơn buộc mọi cấp, mọi ngành có chính sách quan tâm cụ thể hơn với phụ nữ.
Đơn cử, quy định về tỉ lệ nữ trong các cơ quan lãnh đạo Đảng, dân cử, HĐND, chính sách về đào tạo, độ tuổi. Phụ nữ sẽ dành 10 năm để thực hiện chức năng duy trì nòi giống, sinh con, chăm con. Một lúc làm hai việc đương nhiên sẽ không thuận lợi như nam giới.
Vì thế, cần có chính sách để phụ nữ có cơ hội bình đẳng để phát triển. Đây không phải là ưu tiên mà thực tế là đảm bảo bình đẳng cơ hội xét từ đặc thù phụ nữ.
Ở Việt Nam, lãnh đạo nữ ở cấp cao chúng ta mới thấy ở vị trí cấp phó. Theo bà, thời điểm để phụ nữ có thể đứng đầu các cơ quan T.Ư đã chín muồi?
- Có sự kỳ vọng, tin tưởng của Đảng, tôi tin việc này sẽ có khả năng trở thành hiện thực tại kỳ Đại hội này. Tôi tin vào nữ lãnh đạo, vào công tác cán bộ.
Hội nghị T.Ư 14 đã có phương án thống nhất trình Đại hội. Với tình cảm, trách nhiệm trong công tác cán bộ nữ, tôi tin phụ nữ có thể đảm nhiệm tốt các vị trí chủ chốt của Đảng, Nhà nước.
Sự chuyển giao lớn giữa hai thế hệ lãnh đạo “Tham gia Đại hội XII, tôi được biết đây là lần đầu tiên các Ủy viên Bộ Chính trị nhiệm kỳ khóa XI xin không tái cử nhiều nhất, với 9 đồng chí. Là thế hệ cán bộ không trẻ lắm và mới tham gia một khóa T.Ư, chúng tôi rất khâm phục tình cảm, trách nhiệm của các Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI trước vận mệnh dân tộc, trách nhiệm trong việc tạo cơ hội và đào tạo cán bộ kế cận. Các đồng chí sẵn sàng rời vị trí, tạo cơ hội phát triển cho các cán bộ trẻ kế cận khóa sau, lựa chọn và đề xuất 1 đồng chí ở lại để có sự ổn định, kế thừa, tạo điều kiện cho các thành viên mới bắt nhịp. Với sự bàn giao thế hệ trách nhiệm và tự tin như vậy, Đại hội sẽ tạo ra thời kỳ mới cho đất nước phát triển. Đương nhiên vinh dự càng lớn thì trách nhiệm càng cao. Với tâm thế, tình cảm và trách nhiệm trước Đại hội, tôi tin các Ủy viên BCH Trung ương khóa XII sẽ không phụ lòng tin gửi gắm của các đảng viên và nhân dân”, đại biểu Nguyễn Thị Thanh nói. |