115 phụ huynh đã gửi đơn kiến nghị tập thể đến trường Quốc tế Mỹ, Sở GD-ĐT TP.HCM với mong muốn con được chuyển sang học online để hoàn thành năm học.
Theo các phụ huynh, học kỳ II chỉ còn 2 tháng, việc chuyển trường sẽ rất khó, đặc biệt với học sinh cuối cấp. Các phụ huynh chấp nhận đóng học phí trọn kỳ cuối để trường vận hành hoạt động dạy học trực tuyến.
Đồng thời, phụ huynh kiến nghị lập ra ban đại diện phụ huynh quản lý dự án học tập trực tuyến - phối hợp với trường để vận hành đúng pháp lý, đảm bảo quyền lợi của học sinh và phụ huynh.
Theo một diễn biến khác của vụ việc, UBND TP.HCM cho biết, có 7 cơ sở giáo dục đồng ý tiếp nhận học sinh từ Trường Quốc tế Mỹ, với tổng học sinh có thể tiếp nhận là trên 1.088 em. Đó là các trường: Quốc tế Úc, Quốc tế châu Âu, Quốc tế TPHCM, Quốc tế dạy bằng tiếng Anh, Quốc tế Anh Việt, Quốc tế Bắc Mỹ, Quốc tế Mỹ (TAS).
UBND TP.HCM đang giao Sở GD-ĐT tiếp tục làm việc với các cơ sở giáo dục và sớm có báo cáo về phương án tăng cường giáo viên dạy chương trình tú tài Quốc tế (IB) cho các học sinh nêu trên khi chuyển đến trường mới.
Trước đó, ngày 18/3, sau thời gian dài vướng lùm xùm tài chính, nhiều giáo viên bị nợ lương, bảo hiểm xã hội của Trường Quốc tế Mỹ không đến trường giảng dạy khiến hơn 1.200 học sinh phải nghỉ học. Một ngày sau đó, dù trường thông báo mở cửa trở lại đón học sinh nhưng các em đến trường chủ yếu ngồi ở căn tin vì không có giáo viên.
Ngày 21/3, một nhóm phụ huynh của trường đã gặp lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM. Tại buổi gặp với lãnh đạo Sở GD-ĐT, các phụ huynh đề nghị tiếp quản và điều hành Trường Quốc tế Mỹ. Theo bà Lê Thuỵ Mỵ Châu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, đây là việc nằm ngoài vai trò và trách nhiệm của Sở.
Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam thành lập năm 2006. Hiện nay, trường có hơn 1.200 học sinh theo học chương trình Tú tài quốc tế (IB).
Theo UBND TP, tính đến tháng 3/2024, đội ngũ nhân sự đang công tác tại trường gồm 129 giáo viên người nước ngoài, 26 giáo viên Việt Nam, 103 nhân viên. Đối với giáo viên người nước ngoài, trường đã thanh toán 70% lương tháng 1/2024 đang nợ lương tháng 2; đối với giáo viên người Việt, trường đã hoàn tất thanh toán lương tháng 1, đang nợ lương tháng 2.
Đến ngày 7/3, bà Nguyễn Thị Út Em cam kết bằng văn bản về lộ trình trả lương cho giáo viên để duy trì hoạt động dạy học. Cụ thể, đến ngày 11/3, sẽ trả bảo hiểm quốc tế và 10% lương tháng 1; đến ngày 14/3, sẽ thanh toán 20% còn lại của lương tháng 1 và toàn bộ lương và tiền nhà tháng 2 cho giáo viên.
“Nhưng đến thời điểm hiện tại, ghi nhận bà Nguyễn Thị Út Em không thực hiện được nội dung trả lương như cam kết”, báo cáo cho biết.
Theo Lê Anh (VietNamNet)