Phụ huynh thở phào, hồi hộp chờ quy định mới về dạy thêm có hiệu lực

12/02/2025 13:46:45

Sau khi nhiều cơ sở giáo dục và giáo viên thông báo dừng dạy thêm theo quy định của Thông tư 29, nhiều phụ huynh “thở phào” vì từ nay con mình có thể chính thức chấm dứt ngày tháng học thêm không thực sự cần thiết mà chẳng lo bị thua thiệt bạn bè.

Nhận tin cô giáo chủ nhiệm dừng dạy thêm tại nhà từ giữa tháng 1, anh Nam (Đống Đa, Hà Nội) như mở cờ trong bụng. "Con mới lớp một, học cả ngày ở trường, tối lại qua nhà cô học, cuối tuần đến trung tâm tiếng Anh. Tôi nhìn con mà xót xa. Từ đầu năm học tôi đã không đồng ý cho con đi học thêm nhà cô, nhưng vợ cứ sợ không tham gia thì cô giận, rồi con không được ưu ái, thiện cảm trên lớp", ông bố 34 tuổi chia sẻ. 

Anh Nam cho biết, bản thân anh muốn con có nhiều thời gian vui chơi và thấy việc học là một niềm yêu thích, chứ không phải nỗi ám ảnh. Vợ anh không hẳn vì kỳ vọng con giỏi giang vượt trội mà phần lớn cho con học thêm do sợ làm mất lòng giáo viên. Vợ chồng anh vài lần tranh cãi vì chuyện này. 

"Tôi chỉ hy vọng các trường và thầy cô thực hiện nghiêm túc quy định ở thông tư mới, để bọn trẻ, ít nhất là ở bậc tiểu học, được thoát khỏi guồng quay học thêm, thi cử, hay phải đi học thêm chỉ vì mong muốn, lợi ích của người lớn", anh Nam bộc bạch. 

Chưa từng cho hai con - hiện học cấp 2 và cấp 3 - theo lớp học thêm bên ngoài của giáo viên dạy chính khóa, chị Xuân (Hoài Đức, Hà Nội) vẫn thấy "phấn khởi" khi tới đây các quy định về dạy thêm học thêm của thông tư 29 có hiệu lực. 

"Tài chính gia đình không dư giả, tôi cũng thấy việc cho trẻ học tràn lan không cần thiết. Các con tôi hầu như chỉ học thêm để củng cố kiến thức và làm quen với cấu trúc bài thi vào một năm trước kỳ thi chuyển cấp. Tôi thường chọn giáo viên dạy con theo 3 tiêu chí là giỏi chuyên môn, nhiệt huyết dạy và thuận tiện - tức là ở gần để con tự đến được, hoặc học online", chị Xuân lý giải. 

Dù vậy, chị thừa nhận, đôi khi chị áy náy khi thấy con sốt ruột, lo lắng vì bạn bè đi học thêm nhiều, theo lớp bên ngoài của giáo viên nên có thể thuận lợi hơn khi thi cử.

"Bạn cùng lớp con tôi một tuần học thêm bên ngoài 8 buổi để chuẩn bị cho kỳ thi đánh giá năng lực và thi đại học, với chi phí cao gấp hàng chục lần học phí chính khóa. Con tôi chỉ tự học và tham gia 2 khóa Toán và Tiếng Anh online giá rẻ. Nghe có vẻ tôi xấu tính quá, nhưng rõ ràng, nếu siết quy định về học thêm, các cha mẹ khác phải cân nhắc hơn khi cho con đi học, thì có lẽ con tôi sẽ được tiếp cận công bằng hơn trước các kỳ thi", chị Xuân bày tỏ. 

Từng cùng con có trải nghiệm tiêu cực với việc học thêm, chị Hằng ở Nam Từ Liêm (Hà Nội), cũng thấy "nhẹ nhõm" khi cô giáo con thông báo dừng học thêm ở trường và bên ngoài. 

Chị nhớ 2 năm trước, vốn không đăng ký cho con lớp 6 đi học thêm nhưng chỉ sau vài tuần bị “phủ đầu” bằng những lời trách móc từ giáo viên chủ nhiệm rằng trong lớp bé thiếu tập trung, hay nói chuyện, làm bài cẩu thả... chị đành gật đầu để con tuần 2 buổi đến lớp học thêm của cô.

Theo lời chị, nhiều phụ huynh khác cũng không muốn con theo lớp tại nhà cô chủ nhiệm, nhưng có tới 80-90% tặc lưỡi đăng ký vì sợ con bị “kỳ thị”. "Vậy là, con mệt, mất thời gian, cha mẹ tốn tiền bạc, chỉ đổi lại để con được đối xử bình thường, không bị chê bai trước lớp. Tôi chỉ mong xóa sổ hẳn những lớp học thêm kiểu đó, nên rất ủng hộ khi thông tư mới quy định giáo viên không được dạy thêm học sinh mình dạy lớp chính khóa", chị Hằng nói. 

Trao đổi với VietNamNet về Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ 14/2 tới đây, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), từng cho biết, siết quy định về dạy thêm nhằm tránh việc giáo viên cắt giảm kiến thức trên lớp, kéo học sinh ra ngoài để dạy thêm. 

Ông khẳng định, dạy thêm học thêm là nhu cầu của cả người học lẫn người dạy, nhưng thực tế có tình trạng học sinh dù không muốn vẫn phải học thêm ở các lớp do thầy cô, trường học của mình tổ chức để bài kiểm tra không lạ lẫm và mình không "lạc" trong số đông các bạn cùng lớp đi học thêm. Trong khi đó, nhiều học sinh có nhu cầu vui chơi, tập luyện thể thao nhưng không đủ thời gian.

"Chúng ta cần khắc phục tình trạng học sinh hàng ngày tới trường dày đặc lịch học từ sáng đến khuya, không có thời gian nghỉ ngơi hay tự học, vận dụng kiến thức. Thay vào đó, làm sao để các em học tập nhưng vẫn có thời gian, không gian tham gia các hoạt động vui chơi, tập luyện thể thao... Tôi tin những  người tâm huyết sẽ thấy điều này cần thiết”, ông Thành nói.

Cả gia đình từng trải qua những ngày tháng "căng như dây đàn" khi con trai cả chạy đua trước kỳ thi vào 10, chị Thanh Tâm (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) thấm thía việc con vì học thêm quá nhiều mà kiệt sức, gia đình không còn thời gian gắn kết. Chị hy vọng với những quy định mới về dạy thêm, học thêm, các con mình có nhiều thời gian nghỉ ngơi, vui chơi hơn. 

“Vợ chồng tôi làm công nhân ở cụm công nghiệp Bắc Từ Liêm, lương cả hai chỉ 16 triệu. Con lớp 9 có 8 buổi học thêm Toán, Văn, Tiếng Anh mỗi tuần, mỗi buổi 2-3 tiếng, chi phí tới 9 triệu/tháng. Con học ở trường cộng học thêm nên có những ngày mẹ con không có lúc nào trò chuyện, gia đình chẳng còn cuối tuần vì chủ nhật con học thêm nhiều hơn ngày thường", chị Tâm nhớ lại.

Thấy con quá mệt mỏi, áp lực, chị bảo cháu xem buổi nào không thực sự cần thiết thì nghỉ, ở nhà tự học, đọc tài liệu nhưng bé buồn bã nói "như thế cô không thích, con cũng không theo kịp các bạn, trượt thì chết". Chị chỉ biết động viên và chăm chút con ăn uống đầy đủ. 

Nữ phụ huynh này bày tỏ: "Học thêm dạy thêm ngày càng trở thành cuộc đua khốc liệt, giờ có quy định siết lại, tôi thấy mừng", người mẹ chia sẻ.

Cùng tinh thần này, trong khi nhiều phụ huynh lớp con than vãn khi nhà trường thông báo ngừng dạy thêm, anh Nguyễn Phi Hùng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) lại thấy đó là "tin tốt".

"Vấn nạn dạy thêm, học thêm lâu nay đã nói nhiều nhưng chưa làm triệt để. Phụ huynh quá quen với việc cho con học thêm và 'trăm sự nhờ cô giáo' thì đây cũng là lúc nên nhìn lại vai trò giáo dục của gia đình. Và hơn hết, chính giáo viên nhìn lại xem mình đã làm hết trách nhiệm chưa... Thầy cô nay phải trau dồi phương pháp giảng dạy để học sinh tự tìm đến thay vì dùng những cách ép  buộc".

Phụ huynh này cho rằng, thường một chính sách mới ra đời đều gặp phản ứng từ dư luận. "Thay vì lo lắng, than thở trước những thay đổi, chúng ta cứ nghiêm túc thực hiện, khó đâu gỡ đó. Như nhà tôi, với việc quản lý con khi cháu nghỉ học thêm ở trường, cả gia đình cùng ngồi lại trò chuyện, bàn bạc, để con tham gia lên kế hoạch. Cả nhà sẽ vất vả hơn, nhưng tôi tin chúng ta có thể biết sử dụng thời gian ý nghĩa hơn”, anh nói. 

Phụ huynh thở phào, hồi hộp chờ quy định mới về dạy thêm có hiệu lực

Theo Hoàng Thanh - Hoàng Linh (VietNamNet)

Nổi bật