Cả mẹ lẫn con cùng buồn vì trượt "học sinh xuất sắc"
Tâm trạng của chị Nguyễn Hồng Mai (Tây Hồ, Hà Nội) kể từ sau buổi tổng kết năm học của con gái tới nay không được tốt.
“Con là một cô bé chăm chỉ và cầu toàn. Năm lớp 1, con vẫn xếp top đầu của lớp và giành được danh hiệu học sinh xuất sắc. Tuy nhiên tới năm nay, dù môn Toán và Tiếng Việt của con đều được 9, 10 điểm nhưng con chỉ được đánh giá xếp loại “Hoàn thành tốt” chỉ vì môn Âm nhạc và Mỹ thuật xếp loại "Hoàn thành". Trong khi đó, ở lớp con có tới 20/65 bạn đạt “Hoàn thành xuất sắc”".
Kết quả này khiến chị Mai vô cùng tiếc nuối, bởi lẽ, trong năm lớp 2, vì một vài lý do về công việc khiến chị không thể sát sao tới việc học của con.
“Hôm tổng kết, con òa khóc khi biết mình không được danh hiệu học sinh xuất sắc” - chị Mai buồn bã kể lại.
Chị Mai cho biết cả hai vợ chồng chưa từng gây áp lực học hành cho con. Thậm chí, chị từng nghĩ rằng “với một năm học khó khăn vì dịch bệnh, thấy con vẫn khỏe mạnh là mừng rồi”. Nhưng khi chứng kiến nỗi buồn của con, chính chị cũng bị cuốn theo và rơi vào trạng thái hỗn độn cảm xúc.
“Nhìn con khóc mà mình cũng cảm thấy có lỗi. Dù mẹ liên tục an ủi rằng ‘Chắc cô giáo muốn con làm tốt hơn nữa’, nhưng vẫn không biết bao nhiêu lần con hỏi ‘Có phải con kém hơn các bạn nên mới không được học sinh xuất sắc không? Như vậy lên lớp 3 khó hơn con có học nổi không?’. Mẹ phải giải thích mãi con mới bớt nghi ngờ về năng lực của mình”.
Những học sinh có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học của các môn học đạt 9 điểm trở lên mới được đánh giá Hoàn thành xuất sắc.
Chị Mai cũng thừa nhận rằng đến bây giờ mới biết kết quả học tập ở tiểu học ít nhiều ảnh hưởng tới cơ hội vào lớp 6 của con, do một số trường top đầu yêu cầu học sinh cần phải học giỏi toàn diện, đặc biệt trong những năm lớp 2–5.
“Thế nên, mình càng tiếc vì đã không để ý đồng hành, ôn tập cùng con. Giống như môn Âm nhạc, buổi tối chỉ cần mình mở Youtube về các bài hát trên lớp cho con nghe và học thuộc, có lẽ kết quả đã khác” - chị Mai thất vọng nói.
Cùng chung tâm trạng, chị Thu Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng ngổn ngang cảm xúc khi biết con “trật” danh hiệu học sinh xuất sắc.
“Tôi không áp lực chuyện học hành của con, cũng không quan trọng tờ giấy khen lắm, nhưng vẫn thấy thương con. Con trẻ cũng sẽ cảm thấy tủi thân khi các bạn có giấy khen mà mình không có”.
Chị Hà cho biết dù điểm các môn của con chị tương đối cao, trong đó con đạt 10 điểm Toán, 9 điểm Tiếng Việt, nhiều môn học đạt “Hoàn thành tốt”, nhưng chỉ vì môn Mỹ thuật được đánh giá Hoàn thành mà con không đạt học sinh xuất sắc.
“Không phủ nhận tính quan trọng của tất cả các môn học, nhưng cách đánh giá cảm tính này tôi thấy có vấn đề. Ví dụ như môn Mỹ thuật vốn là môn năng khiếu, con hoàn thành bài tập đầy đủ, nhưng nét vẽ của con còn non nớt, nên thế nào mới được gọi là tốt?
Con tôi chỉ được đánh giá cùng mức với một vài bạn học (có phần kém hơn) trong lớp, dù thực tế nhiều môn con vẫn đạt điểm 10, hăng hái phát biểu ý kiến, tự giác học tập, thường xuyên được cô giáo tặng “sao”.
Vẫn biết các con cần sự toàn diện, nhưng thiết nghĩ không nên tuyệt đối như thế. Với các con cấp 1, đặc biệt là lớp 1,2 ,3, mọi thứ nên ở mức tương đối thôi. Điều quan trọng, tôi cho rằng, các con cần có sự khuyến khích, động viên để tìm ra điểm mạnh của mình và phát triển” - chị Hà nhận xét.
Và cũng như chị Mai, bà mẹ này cảm thấy “ân hận và tiếc nuối” vì đã không cố gắng để tâm hơn một chút, để có lẽ con sẽ bớt thiệt thòi và có thêm nhiều lựa chọn hơn ở giai đoạn chuyển cấp sau này.
Con sẽ không áp lực nếu bố mẹ biết cách động viên
Về phía giáo viên, với hơn 20 năm làm giáo viên chủ nhiệm, cô giáo Trần Ngọc Huyền (đã đổi tên) cho rằng nếu chỉ nhìn vào điểm số, rất khó để đánh giá chính xác khả năng của một học sinh trong mọi lĩnh vực.
Mặt khác, theo cô giáo này, việc xếp loại, đánh giá học sinh hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Một số trường thậm chí còn đưa ra quy định chỉ 25 - 30% học sinh đạt danh hiệu học sinh xuất sắc.
Do đó, cô Huyền chia sẻ, có những lớp đông học sinh năng lực tốt sẽ phải dùng nhiều tiêu chí để xét duyệt, trong khi có những lớp nhiều em không đạt thì giáo viên lại phải “lỏng tay”.
"Vì thế, tôi biết có những giáo viên dù rất thương học sinh nhưng phải "chặt tay" để đảm bảo "chỉ tiêu xuất sắc" của nhà trường. Những điều này thật khó để nói thật cho phụ huynh thông cảm" - cô Huyền tâm sự.
Dù vậy, cũng có những phụ huynh hoàn toàn thoải mái với kết quả học tập của con cho dù trượt danh hiệu xuất sắc trong gang tấc, như chị Mai Hương (Đống Đa, Hà Nội).
Chị Hương cho biết con trai chị trong cả hai học kỳ các môn Toán, Tiếng Việt đều được 10, nhưng vẫn không được học sinh xuất sắc.
"Nhưng con không cảm thấy buồn, bố mẹ lại càng không vì con biết mình đã cố gắng hết sức rồi" - chị Hương nói.
"Con cũng thắc mắc vì sao bạn chỉ được điểm 9 nhưng vẫn được giấy khen, còn con thì không. Mình cho con xem bảng nhận xét, trong đó môn Thể dục con chỉ xếp mức Hoàn thành và bảo con rằng “Do con lười ăn, chưa chăm tập thể dục nên môn này chưa đạt. Một môn chưa đạt là chưa đủ điều kiện rồi. Sang năm mình sẽ cố gắng hơn nữa cho môn này nhé”. Con nghe giải thích xong rất vui vẻ, không nặng nề gì.
Nhiều khi áp lực của con trẻ lại do chính người lớn tạo ra”.
Chị Hương cũng cho rằng, thay vì ủ dột như con, phụ huynh nên nghĩ cách động viên đúng cách và đồng hành cùng con, giúp đứa trẻ tự tin, dám thể hiện khả năng, sở trường.
“Bé nhà mình dù không đạt danh hiệu gì nhưng bố mẹ vẫn có phần thưởng vì con đã phấn đấu cả năm học để hoàn thành chương trình. Con rất thích thú và chưa bao giờ cảm thấy mình kém cỏi hơn so với các bạn trong lớp” - chị Hương nói.
Theo Thúy Nga (VietNamNet)