Ngày 9/7/2022 là ngày có lẽ cả cuộc đời này, chị Nguyễn Thu Anh (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng không thể quên.
Đó là ngày Sở GD-ĐT Hà Nội công bố điểm chuẩn vào lớp 10 và con gái chị chỉ thiếu 1 điểm để có “tấm vé” vào lớp 10 trường THPT công lập như mong ước của cả gia đình. Thế nhưng, đến giờ, mỗi khi nhắc lại chuyện cũ, phụ huynh này vẫn chưa vơi nỗi buồn.
Năm ngoái, với 33 điểm, con gái chị Thu Anh trượt cả 3 nguyện vọng vào THPT Xuân Phương (điểm chuẩn 35,5), THPT Mỹ Đình (điểm chuẩn 39,5) và THPT Hoài Đức A (điểm chuẩn 34).
Cũng năm 2022, khi trường THCS thông báo đăng ký nguyện vọng, chị Thu Anh cùng con cũng tham khảo khắp nơi và nghe tư vấn của thầy cô đăng ký nguyện vọng theo thứ tự trường có điểm chuẩn hàng năm cao hơn sẽ đặt cao hơn. Nguyện vọng cuối dành cho trường có điểm chuẩn thấp nhất để đề phòng "trượt hai nguyện vọng đầu vẫn còn chỗ vớt vát".
"Hai vợ chồng tôi đều làm công nhân trong cụm công nghiệp Từ Liêm với tổng thu nhập cả hai khoảng hơn 10 triệu/tháng. Toàn bộ số tiền lương phải chi cho 3 con đang tuổi ăn học, sinh hoạt phí và trích ra một phần nhỏ để dự phòng khi ốm đau. Mơ ước duy nhất của hai vợ chồng là các con được học trong trường công lập để giảm bớt gánh nặng về tài chính”, chị kể.
Nhà 5 miệng ăn, trông chờ vào đồng lương còm cõi khi hai vợ chồng làm công nhân. Thế nhưng, doanh nghiệp làm ăn khó khăn nên công việc ít, thu nhập ngày một giảm. Cứ tan ca, chồng chị Thu Anh lại tranh thủ chạy vài cuốc xe ôm để phụ vào sinh hoạt phí hàng ngày.
Năm ngoái, con gái trượt lớp 10 công lập chị Thu Anh gầy đi 4kg vì băn khoăn suy nghĩ không biết con đường phía trước của con thế nào.
“Hai tuần liên tục, gần như đêm tôi thức trắng vì không biết làm thế nào với con. Tôi biết con mình không phải học lực xuất sắc nhưng cháu cũng học khá, lại ngoan ngoãn, chăm chỉ nên cho con đi học nghề thì thương con. Gon vào trường tư đủ điểm nhưng ngặt nỗi bố mẹ lại không có tiền", chị nhớ lại.
Cũng theo chị Thu Anh, ngày ấy, đêm nào chồng cũng ra sân hút thuốc, biết chồng lo lắng cho tương lai của con gái nhưng bố mẹ nghèo quá nên họ không còn sự lựa chọn nào.
"Cuối cùng, vợ chồng tôi bàn với con đi học nghề. Con bé khóc hết nước mắt vì ước mơ của con là được đi học lớp 10 như bạn bè cùng trang lứa.
Con xin tôi học trường tư, sau này đi làm nhất định sẽ trả lại bố mẹ số tiền ăn học. Nhưng con không hiểu rằng nếu có tiền chúng tôi có tiếc gì đâu”, chị Thu Anh nhớ lại.
Sau những động viên của gia đình, con gái chị Thu Anh đã chấp nhận đi học nghề nail. Thế nhưng, đến giờ, đó vẫn là điều khiến người mẹ như chị đau đáu. Chị nói, giá như chỉ tiêu lớp 10 công lập nhiều hơn một chút, có lẽ con gái chị giờ đây cũng đang tung tăng trên sân trường như bạn bè cùng và tương lai con cũng rộng mở hơn.
Trường hợp của con gái chị Thu Anh chỉ là một trong nhiều gia đình làm công nhân và lao động tự do khác không đủ tài chính cho con học trường tư.
"Những người mẹ như tôi mong mỏi lãnh đạo thành phố cũng như ngành giáo dục có điều tra, khảo sát từ đó quy hoạch về xây dựng trường học. Bởi mỗi năm chỉ khoảng 60% học sinh được vào lớp 10 công lập là tỷ lệ quá thấp và tước đi nhiều cơ hội học tập của các em", người mẹ này nói.
*Tên nhân vật đã được thay đổi.
Theo thông tin từ Sở GD-ĐT Hà Nội, năm học 2021-2022, toàn thành phố có 129.000 học sinh dự xét công nhận tốt nghiệp THCS, tăng 19.000 em so với năm học trước.
Thực hiện công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, khoảng 60% số học sinh tuyển vào trường THPT công lập, 21% số học sinh tuyển vào trường THPT tư thục, 10% số học sinh tuyển vào trung tâm giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) và khoảng 9% số học sinh tham gia học nghề.
Theo Hoàng Thanh (VietNamNet)