Năm học tới 2018 – 2019, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (GDPTTT) sẽ được áp dụng đại trà theo phương pháp cuốn chiếu bắt đầu từ lớp 1. Nhiều phụ huynh lo lắng khi con mình trở thành "đối tượng" đầu tiên được dạy theo phương pháp mới khi mà trường điều kiện trường lớp, thày cô đều chưa đáp ứng.
Chương trình mới sẽ được áp dụng đại trà ở lớp 1 từ năm học 2018 - 2019. (ảnh minh họa: IT). |
Ông Thuyết cho rằng, với cách làm cuốn chiếu như vậy, đến năm học 2022 – 2023, chương trình mới sẽ được dạy ở tất cả các lớp theo đúng thời hạn Nghị quyết 88 của Quốc hội đề ra. “Địa phương cũng sẽ có đủ thời gian để chuẩn bị giáo viên, trang thiết bị dạy học và cơ sở vật chất để từng bước đáp ứng được yêu cầu đổi mới” – ông Thuyết khẳng định.
Ngoài ra, theo ông Thuyết, chương trình dự kiến báo cáo Hội đồng Thẩm định Quốc gia không tổ chức dạy môn Thế giới công nghệ ở các lớp 1, 2; chỉ bắt đầu dạy Tin học và Tìm hiểu công nghệ từ lớp 3. Điều này cũng nhằm giảm áp lực phải trang bị phòng máy tính cho các trường tiểu học ngay từ năm đầu tiên triển khai chương trình mới.
Tuy nhiên, những điều này không làm phụ huynh và giáo viên bớt lo lắng. Năm tới con trai anh Trần Phương (Hoàng Mai – Hà Nội) sẽ vào lớp 1 và là lứa học sinh đầu tiên được áp dụng chương trình mới.
“Hiện nay, trường lớp ở rất nhiều khu chung cư mới thuộc địa bàn quận đang quá tải. Con gái lớn hiện học lớp 3 nhưng thường xuyên phải học vào các ngày thứ 7, chủ nhật và nghỉ vào những ngày giữa tuần để có đủ phòng. Sĩ số lớp con cũng lên tới 60 học sinh. Đông như vậy, quá tải như vậy, thì 1 năm sau liệu có “mọc” kịp trường lớp để đủ điều kiện dưới 30 học sinh/ 1 lớp mà thực hiện những môn học theo kiểu trải nghiệm, sáng tạo không?” – anh Phương lo lắng.
Cũng vì không chịu được cảnh lớp học quá đông, chị Trương Thị Vân Anh (Ba Đình – Hà Nội) phải cho con chuyển từ trường công sang trường tư. Lo lắng khi con gái nhỏ sẽ vào lớp 1 ở thời điểm áp dụng chương trình mới, chị Vân Anh cho rằng, nếu muốn áp dụng đại trà cần “đại trà” cơ sở vật chất trước đã: “Hiện thành phố thì quá đông đúc thiếu trường, thiếu lớp, miền núi thì thưa thớt nhưng trường sở thì quá tệ. Trong khi đó các khu vực nông thôn thì số lượng học sinh ngày càng giảm, trường lớp bỏ hoang nhiều... áp dụng đại trà ngay lập tức sẽ rất khiên cưỡng không chỉ gây áp lực cho học sinh, giáo viên mà còn cho các địa phương” – chị Vân Anh nói.
Lo lắng về trình độ giáo viên, lãnh đạo một trường tiểu học cho biết, nếu áp dụng ngay từ năm sau, sợ rằng giáo viên khó mà theo kịp. “Đối với những giáo viên trẻ, giáo viên mới ra trường, họ có thể làm quen rất nhanh với chương trình mới. Tuy nhiên, đội ngũ giáo viên lớn tuổi thì không thế. Cứ thay đổi là họ kêu khó, kêu khổ... có muốn thay đổi tư duy cũng không thể một sớm một chiều” – vị này nói. Vị này cũng cho biết, năm trước trường mới tập huấn giáo viên dạy học theo chương trình công nghệ giáo dục, chưa “ráo mực” thì chương trình mới lại sắp được áp dụng đại trà khiến chính giáo viên cũng cảm thấy khó mà xoay sở được.
Cô giáo Nguyễn Thị Phương Hoa - giáo viên môn Công nghệ - Trường THPT Hà Thuyên, Bắc Ninh cho biết, để thực hiện chương trình GDPTTT thì việc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên cần được tăng cường hơn nữa. “Chương trình hay nhưng giáo viên không tâm huyết, không đủ năng lực cũng không thể đổi mới thành công” – cô Hoa nói.
Theo Tùng Anh (Dân Việt)