Phụ huynh 'choáng váng' với sách Giáo dục thể chất lớp 1 đầy thuật ngữ khó, nội dung bị nhận xét 'hoàn toàn phi thực tế'

18/10/2020 22:01:19

Sách Giáo dục thể chất lớp 1 bị nhiều phụ huynh đánh giá là vượt tầm tiếp nhận của học sinh 6 tuổi.

Sau những phản ánh của phụ huynh và học sinh về những bất cập về nội dung trong sách tiếng Việt lớp 1, mới đây dư luận lại tiếp tục "choáng váng" bởi nội dung sách Giáo dục thể chất trong bộ Cánh Diều với những yêu cầu dành cho… thần đồng.

Sách nặng lý thuyết, nhiều chi tiết thừa

Sách Giáo dục thể chất lớp 1 bộ Cánh Diều gồm có 3 phần chính: Kiến thức chung, Vận động cơ bản và Thể thao tự chọn.

Phần Kiến thức chung hướng dẫn trẻ cách vệ sinh sân và chuẩn bị dụng cụ tập luyện.

Phần Vận động cơ bản có 3 chủ đề: Đội hình đội ngũ (4 bài), Bài tập thể dục (7 bài), Tư thế và kỹ năng vận động cơ bản (4 bài).

Ở phần Thể thao tự chọn, trẻ được học 2 chủ đề là Bóng đá mini và Bóng rổ. Mỗi chủ đề kéo dài trong 6 bài, mỗi bài hướng dẫn một kỹ năng khác nhau.

Phụ huynh 'choáng váng' với sách Giáo dục thể chất lớp 1 đầy thuật ngữ khó, nội dung bị nhận xét 'hoàn toàn phi thực tế'
Sách Giáo dục thể chất lớp 1 bộ Cánh Diều gây tranh cãi.

Trao đổi trên Zing, một giảng viên Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao nhận xét, chương trình học như vậy là quá nặng, hoàn toàn không phù hợp với học sinh lớp 1. "Giáo dục thể chất lớp 1 nên chú trọng về mặt kỹ năng thay vì lý thuyết. Trong tiết học dài 45 phút, giáo viên cần tập trung rèn luyện khả năng vận động, thay vì ép trẻ nạp quá nhiều kiến thức", ông cho biết.

Theo ông, phần dạy các em cách vệ sinh sân và chuẩn bị dụng cụ tập luyện từ những bài học đầu tiên là những "chi tiết thừa" bởi trẻ mới vào lớp 1, kỹ năng đọc - hiểu chưa hoàn thiện, rất khó để hiểu hết kiến thức sách truyền tải. "Phần này theo tôi nên dành cho giáo viên, những bài giảng không cần thiết khiến sách dày hơn, nặng hơn, gây nhiều khó khăn cho trẻ".

Ở phần Bóng đá mini, lý thuyết trong sách khá dài, có nhiều thuật ngữ lạ.

"Các bài tập đội hình - đội ngũ và bóng đá được trình bày nặng về lý thuyết. Dù các nhà biên soạn sách đã dành hẳn một trang để giải thích thuật ngữ khó như "khẩu hình", "đội hình đội ngủ"... trong sách nhưng vẫn khó có thể nắm bắt với trẻ lớp 1, vốn vẫn đang chập chững học chữ", một phụ huynh có con học lớp 1 chia sẻ.

"Yêu cầu trong sách quá cao với trẻ lớp 1, không thể thực hiện nổi"

Một huấn luyện thể thao bóng đá cộng đồng cho rằng, môn bóng rổ chỉ nên dành cho học sinh cấp hai trở lên vì đòi hỏi nhiều kỹ thuật khó, nặng, học sinh lớp 1 rất vất vả để làm quen.

Phụ huynh 'choáng váng' với sách Giáo dục thể chất lớp 1 đầy thuật ngữ khó, nội dung bị nhận xét 'hoàn toàn phi thực tế' - 1
Môn bóng rổ được nhận xét không phù hợp với học sinh lớp 1.

Một cựu VĐV nhảy cao quốc gia, nhận xét nội dung trong sách hoàn toàn phi thực tế. "Với kinh nghiệm nhiều năm huấn luyện vận động cho trẻ con, tôi tin rằng ít nhất phải là học sinh lớp 3 mới sử dụng được cuốn sách dành cho lớp 1 này", cô nói. 

"Sách thể dục trước giờ vốn đã bị chê là nặng thì sách mới này còn nặng hơn. Ví dụ, trước đây trong phần dạy về đội ngũ đội hình chỉ yêu cầu học sinh phân biệt bên trái bên phải; còn với sách mới phải làm thuần thục các động tác quay trái, quay phải, quay ra sau", giáo viên thể dục bậc tiểu học có hơn 20 năm kinh nghiệm nêu ý kiến trên báo Tuổi Trẻ. "Bài 18 yêu cầu học sinh làm quen dừng bóng bằng gan bàn chân, bài 19 là dẫn bóng bằng lòng bàn chân, bài 20 đá bóng bằng lòng bàn chân, bài 21 đá bóng bằng lòng bàn chân vào cầu môn.

Tôi khẳng định không có trẻ 6 tuổi nào làm được những bài tập này. Ở các trung tâm đào tạo bóng đá trẻ, trẻ 6 - 8 tuổi chỉ làm quen, chơi, đuổi theo bóng mà thôi. Những bài tập mang tính kỹ năng vừa kể phải 9 tuổi mới bắt đầu tập và chỉ những em có năng khiếu đá bóng thật sự mới làm được".

Phụ huynh 'choáng váng' với sách Giáo dục thể chất lớp 1 đầy thuật ngữ khó, nội dung bị nhận xét 'hoàn toàn phi thực tế' - 2
Nhiều bài tập mang tính kỹ năng được cho là quá sức với trẻ lớp 1.

Trên một số diễn đàn dành cho phụ huynh có con vào lớp 1, nhiều phụ huynh cũng bày tỏ sự lo ngại vì con học chương trình giáo dục thể chất "quá nặng".

"Khi thấy tên sách thay đổi, không còn là sách "Thể dục" như trước mà là "Giáo dục thể chất" - vì không chỉ có vận động mà cả kiến thức dinh dưỡng, sức khỏe… tôi và rất nhiều phụ huynh cũng kỳ vọng sẽ có thay đổi thực sự trong việc dạy và học môn thể dục. Nhưng thực tế thì hơi thất vọng', anh Trần Nam, phụ huynh ở quận 7, TP.HCM nhận định. "Con đi học về bảo không đi học nữa giờ thể dục thầy quát to lắm. Thiết nghĩ thể dục chỉ cần nói sơ về quy tắc trò chơi, các lưu ý để vận động sao cho đừng bị thương và... để các em chơi, vận động cho khỏe là được".

Phụ huynh 'choáng váng' với sách Giáo dục thể chất lớp 1 đầy thuật ngữ khó, nội dung bị nhận xét 'hoàn toàn phi thực tế' - 3

Tài khoản B.L nhận xét: "Bé nhà tôi học bộ sách Chân trời sáng tạo cũng có những điểm khó tương tự. Ở 3 tuần đầu, học sinh phải học tập hợp hàng ngang, điểm số báo cáo. Giáo dục thể chất là môn học bổ ích và cần thiết nhằm đem lại sức khỏe, sự hào hứng cho học sinh, tuy nhiên, nếu thiết kế không phù hợp thì sẽ đem lại tác dụng ngược là học sinh nhàm chán, không có hứng thú học".

"Theo tôi, sách giáo khoa về Giáo dục thể chất cho trẻ lớp 1 là thực sự không cần thiết, chỉ cần sách giáo viên là đủ. Học sinh tuổi này đọc viết thông thường còn chưa rành, huống gì phải đọc và hiểu đủ loại thuật ngữ. Thay vì dạy luôn trẻ thực hành kỹ năng, giáo viên lại phải giải thích từng thuật ngữ một cho theo đúng chương trình sách giáo khoa, như vậy càng mất thời gian hơn, trong khi thời lượng dành cho môn Giáo dục thể chất vốn đã ít ỏi. Tóm lại vừa phí thời gian vừa tốn thêm tiền biên soạn sách rồi chi phí cho phụ huynh", anh Khánh, phụ huynh ở quận 2, TP.HCM nêu ý kiến.

Theo Hiểu Đan (Pháp luật & Bạn đọc)

Nổi bật